Mới đây, một nhóm các nhà sử học nghiệp dư Đức đã khám phá ra những “chiếc bẫy thuốc nổ”, một hệ thống thiết bị chiến tranh bí mật trên nước Đức với mục tiêu ngăn cản bước tiến của xe tăng Liên Xô trong trường hợp xảy ra chiến tranh, trong đó thậm chí có cả những chiếc “bẫy hạt nhân”.
Thực hiện nhiệm vụ bí mật lắp đặt những chiếc bẫy này là những người thuộc đơn vị công binh đặc nhiệm của quân đội Đức, được gọi là Wallmeister. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những Wallmeister này có nhiệm vụ sẵn sàng phá hủy cơ sở hạ tầng ở những điểm quan trọng về mặt chiến lược ở CHLB Đức (Tây Đức), trong trường hợp xe tăng của lực lượng Hiệp ước Vácsava tấn công. Để làm điều này, họ đã chuẩn bị gần 6.000 cái bẫy thuốc nổ trên toàn CHLB Đức, chủ yếu là nhằm phá hủy cầu, đường và đường hầm. Đó là những lỗ khoan được che giấu, những ga cống được ngụy trang, có thể chứa những khối thuốc nổ có sức công phá mạnh. Thuốc nổ và đạn dược được lưu giữ tại các địa điểm gần đó, hoặc trong các hầm ngầm. Tổng cộng, khoảng 5 tấn thuốc nổ TNT đã được tàng trữ tại những địa điểm đó trong hàng chục năm trời.
Kho thuốc nổ trong rừng gần thị trấn Lauenburg/Elbe: Trong những chiếc kho như thế này đã có khoảng năm tấn thuốc nổ TNT được tàng trữ để phá hủy cầu, cống trong trường hợp có chiến sự. |
Sau khi bức tường Béclin sụp đổ, những chiếc bẫy thuốc nổ này mất đi ý nghĩa. Nhưng một nhóm các nhà sử học nghiệp dư xung quanh Michael Grube đã sục sạo điều tra về kế hoạch "chiến sự" này, cũng như như sân bay dã chiến. Grube nhận xét: "Thật điên rồ về mức độ quân sự hóa của đất nước này (Tây Đức) khi đó”.
Nhưng hình dung đáng sợ
Theo những tài liệu mà các sử gia nghiệp dư tìm thấy, các nhà hoạch định chính sách của NATO dự tính một ngày X nào đó, quân đội của Hiệp ước Vácsava sẽ dùng hàng ngàn xe tăng tấn công phương Tây và sẽ nhanh chóng tiến tới bờ sông Rhein. Nhằm trì hoãn thời gian để kịp dùng máy bay đưa lực lượng dự bị Mỹ tới vùng chiến sự, người ta dự kiến không chỉ dùng những thuốc nổ thông thường để phá hủy đường giao thông, ngăn chặn đối phương. Phía Mỹ thậm chí đã đưa ra kế hoạch dùng mìn hạt nhân để phá hủy những chiếc cầu lớn, hầm ngầm hoặc toàn bộ bến cảng, nhà ga hàng hóa.
Bí mật của chiếc nắp cống: “Bẫy thuốc nổ” để sẵn sàng phá tan bến phà bên kênh đào Elbe-Luebeck. |
Vũ khí phá hủy bằng hạt nhân (ADM) – tên gọi chính thức của mìn hạt nhân - có đường kính khoảng 40 cm, tương đương với một chiếc bánh Pizza cỡ lớn, nặng khoảng kg, nhưng có sức công phá tới 1.000 tấn TNT và gây nhiễm xạ toàn bộ khu vực chúng phát nổ. Tuy nhiên, kế hoạch này được giữ gìn tuyệt mật, nên không thể biết được chúng dự kiến được đưa vào sử dụng ở đâu. Sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh kết thúc, vũ khí ADM đã được bí mật đưa ra khỏi những căn cứ của Mỹ tại Đức.
Các kỹ sư công binh cũng nghĩ ra nhiều phương án khác để ngăn chặn bước tiến của đối phương. Ví dụ như trước lối vào của hầm ngầm xuyên qua sông Elbe ở Hamburg, cho tới tháng 12/1989 vẫn còn có những khối bê tông lớn được đặt trên những thanh giữ ngang bên trên đường vào hầm. Nếu đối phương tới, lính công binh sẽ dùng thuốc nổ phá những thanh ngang, làm cho nhiều khối bê tông, mỗi khối nặng 107 tấn rơi xuống con đường nằm phía dưới 6 m và ngăn cản lối đi qua hầm ngầm.
Quân đội Đức không chỉ nghĩ cách ngăn chặn có hiệu quả giao thông của đối phương, họ cũng nghĩ tới những giải pháp dự trữ cho mình, đặc biệt đối với những máy bay phản lực của quân đội Đức và quân đồng minh. Ngay từ những năm 1960, các nhà lãnh đạo đã nghĩ tới việc cải tiến từng đoạn đường xa lộ trở thành "sân bay dã chiến". Họ cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, phía NATO sẽ đưa hàng trăm máy bay chiến đấu tới Tây Đức và như vậy, những sân bay thông thường sẽ trở nên quá tải.
Đường xa lộ thành sân bay dã chiến: Trong một cuộc tập trận đầu năm 1984, một chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules đã hạ cánh xuống đường xa lộ A 29 gần thị trấn Ahlhorn. |
Họ cũng đặt tình huống là phía Liên Xô sẽ tấn công các sân bay quân sự trước tiên.Khi tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, quân đội Đức đã rút ra những kinh nghiệm trước đây: Vào thời kỳ cuối của cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ hai, quân đội Đức Quốc xã đã sử dụng một số chặng đường xa lộ phù hợp làm "sân bay dã chiến", sau khi những sân bay thông thường bị bom đạn phá hủy.Chính vì vậy, khi lập kế hoạch xây dựng các chặng đường xa lộ mới trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các quan chức của Bộ Quốc phòng cũng được mời tham dự để góp ý kiến về khía cạnh quốc phòng.
Vì vậy, xuất phát từ những cân nhắc quân sự, nhiều chặng đường xa lộ đã được sửa đổi so với kế hoạch ban đầu, vì các vị tướng lĩnh quân đội cần có những đoạn đường bằng phẳng, dài khoảng 3km để làm sân bay dã chiến, dĩ nhiên là không có cầu vượt.
Grube và các cộng sự đã tìm kiếm và phát hiện ra 24 đường băng trá hình ở Tây Đức và điều đó cũng chẳng khó khăn gì, bởi đường phân cách giữa hai tuyến đường ngược, xuôi không được trồng cây, cỏ như thông thường, mà cũng được đổ bêtông. Tín hiệu giao thông chỉ được cắm xuống đất để có thể nhanh chóng dỡ bỏ khi cần thiết. Ở cuối mỗi đoạn xa lộ này được xây dựng những bãi đỗ xe ô tô rất lớn, mà trong trường hợp xảy ra chiến sự sẽ trở thành bãi đỗ máy bay. Tại một số bãi đỗ được lắp đặt các trạm liên lạc viễn thông, ổ điện... Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ, quân đội Đức có thể lắp đặt xong các trạm không lưu dã chiến, thiết bị rađa, đèn dẫn đường băng…Kế hoạch đó đã được thử nghiệm và tỏ ra có hiệu quả: Trong cuộc tập trận lớn "Highway 84" được tiến hành ở Tây Đức đầu năm 1984, nhiều máy bay phản lực và máy bay vận tải đã hạ cánh an toàn xuống đường xa lộ A29 cạnh thị trấn Oldenburg.
Chính phủ Tây Đức, khi đó còn ở Bon cũng có một đường băng bí mật riêng. Năm 1973, một đoạn của đường xa lộ A 61 ngoại ô thị trấn Gelsdorf cũng được cải tiến thành một sân bay dã chiến, bên cạnh hầm ngầm bí mật nhằm bảo vệ các nhà lãnh đạo Đức trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những chiếc bẫy thuốc nổ cũng như những sân bay dã chiến trên đường xa lộ đã trở thành quá khứ và dần dần được dỡ bỏ. Đường xa lộ được trả lại hoàn toàn chức năng ban đầu của nó.Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, trên đường xa lộ A7, đoạn gần thị trấn Jagel, một sân bay dã chiến bí mật vẫn được duy trì cho tới tận bây giờ.
Vũ Long (Tổng hợp)