Chiến tranh phi nghĩa và hậu quả nặng nề từ chất độc da cam/điôxin

Cách đây 53 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ đã rải những chất độc hóa học đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh hoá học tàn bạo kéo dài ngày nhất, tàn bạo nhất, gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.

Trong 10 năm, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít chất diệt cỏ xuống khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, trong đó chủ yếu là chất độc da cam có chứa 366 kg chất điôxin.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của chất độc da cam để lại vẫn hết sức nặng nề. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền gây ra nhiều dạng tàn tật, đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần cùng với nhiều hậu quả lâu dài cho xã hội.

Họ - những nạn nhân da cam/điôxin là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ...

Nạn nhân da cam Trần Quốc Dũng, 15 tuổi, ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN


* Ai là nạn nhân của chất độc da cam?


Họ là các cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân du kích, tự vệ, dân công hỏa tuyến đã từng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở những vùng bị rải chất độc da cam/điôxin trên chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Họ là dân thường sinh sống trong vùng bị rải chất độc da cam/điôxin. Họ còn là một số người trước đây từng phục vụ cho chế độ Sài Gòn cũ. Dù lai lịch khác nhau, nhưng họ đều bị nhiễm chất độc da cam do quân đội Mỹ sử dụng.

Các nạn nhân mang trong mình những căn bệnh quái ác, di truyền qua đời con cháu. Các nạn nhân đã và đang chết dần chết mòn, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số họ, có rất nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò, cô đơn. Những gia đình có nhiều nạn nhân càng rơi vào cảnh khó khăn kiệt quệ.

Họ - những nạn nhân là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ...

Chất độc da cam đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn ba triệu người là nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Trong đó thế hệ thứ hai có khoảng 200.000 người, thế hệ thứ 3 là 80.000 người, nhiều địa phương có thế hệ thứ 4 bị phơi nhiễm.

Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật...

* Nỗ lực vì nạn nhân chất độc da cam


Để chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, ngay sau chiến tranh, Việt Nam đã thành lập Ủy ban 10-80 để điều tra về những hậu quả của chiến tranh hóa học và lập Ban chỉ đạo 33 để khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh này.

Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh. Chính phủ còn cấp thêm kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị khuyết tật.

Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam thuộc Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng được thành lập với mục đích huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho các nạn nhân chất độc da cam. Đến nay đã có trên 425.000 nạn nhân chất độc da cam được cải thiện đời sống, sức khoẻ, vật chất và tinh thần.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam được thành lập, có chức năng bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam và là đại diện pháp lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Một trong những việc làm đầu tiên của Hội là lập đề án “Giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trong cuộc sống”. Đồng thời, tổ chức thu thập hồ sơ chứng cứ, tiến hành khởi kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất chất độc da cam để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Việc xây dựng, củng cố tổ chức hội cũng được chú trọng, làm nòng cốt thúc đẩy công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân...

Chung tay chia sẻ nỗi đau với nạn nhân chất độc da cam/điôxin, trong năm 2012, đồng bào trong nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế đã đóng góp được hơn 120 tỷ đồng để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân da cam đã được thành lập, trong đó có làng Hữu nghị Việt Nam. Làng hữu nghị Việt Nam là dự án đầu tiên của Tổ chức cựu chiến binh thế giới, do ông George Mizo, một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam sáng lập.

Đây là biểu tượng cao đẹp của hòa bình và hữu nghị, là hiệu quả của sự hợp tác giữa cựu chiến binh Việt Nam với cựu chiến binh ở 5 nước Đức, Pháp, Anh, Mỹ, Nhật. Trực thuộc Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam, Làng hữu nghị Việt Nam chính thức đi vào hoạt động năm 1998…

Cán bộ y tế tại Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật - nạn nhân chất độc da cam/điôxin huyện Gio Linh (Quảng Trị) luyện tập phục hồi chức năng cho các cháu nạn nhân chất độc da cam/điôxin. Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN


Trong những năm qua, bạn bè trên thế giới đã có nhiều nghĩa cử, hành động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc (1992-2012) và 51 năm Ðài Truyền hình MBC (Hàn Quốc) phát sóng, Ðài Truyền hình MBC phối hợp Hội Cựu chiến binh thương tật da cam Hàn Quốc (KAOVA) đã mời 80 nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sang Hàn Quốc tham gia "Chương trình chào đón nạn nhân chất độc da cam Việt Nam".

Các nạn nhân đều được tổ chức khám bệnh, ba nạn nhân được lắp chân, tay giả và phẫu thuật chỉnh hình. Hội Luật gia dân chủ thế giới (IADL) đã bảo trợ cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam đưa vấn đề quyền sống của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ra khóa họp lần thứ 20 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ở thành phố Giơnevơ, Thụy Sĩ.

IADL cũng ra lời kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam. Hội đồng Hòa bình thế giới họp tại Kathmandu, thủ đô Nepal, đã ra nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Nhắc lại lời kêu gọi và cam kết mạnh mẽ của Hội nghị Quốc tế lần thứ hai của các nạn nhân chất độc da cam được tổ chức tại Hà Nội năm 2011, tại đó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã trịnh trọng ký tên, về sự cần thiết phải xây dựng tình đoàn kết và tăng cường nỗ lực quốc tế lớn hơn để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.…


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN

Tăng cường đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam
Tăng cường đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam

Tăng cường hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam là nội dung chính của buổi làm việc giữa Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ngày 23/7, tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN