Chiến tranh và đường sắt - Kỳ 1: Đường sắt làm thay đổi bản chất chiến tranh

Thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đã chứng kiến sự chuyển mình của chiến tranh từ các trận đánh quy mô nhỏ đến bãi chiến trường quy mô lớn, mà yếu tố chính là sự phát triển của đường sắt. Với khả năng chuyên chở quân sỹ và hậu cần cực lớn, sự ra đời của đường sắt đã biến đổi bản chất của chiến tranh một cách sâu rộng và chưa từng có.

 

 

Napoleon là một trong những đại tướng của thời đại tiền công nghiệp, người thực sự hiểu được vai trò của hậu cần trong chiến tranh. Ông thậm chí đã gọi những dòng toa xe bất tận được sử dụng để cung ứng cho quân đội mình là “những đoàn tàu”.

 

Bản chất của chiến tranh đã thay đổi hoàn toàn trong thế kỷ 19. Các cuộc xung đột trở nên dài hơn, diễn ra trên một khoảng cách rộng lớn hơn và có nhiều xương máu hơn đã đổ xuống. Các cuộc chạm trán lịch sự của thời đại tiền công nghiệp đã biến thành những cuộc giao tranh khổng lồ giết chết hàng trăm ngàn sinh mạng và đem đến những tổn thất lớn không kể xiết. Chất xúc tác cho sự chuyển đổi mạnh mẽ này không phải là một loại vũ khí đặc biệt nào, mà từ một phát minh khác đến từ cuộc cách mạng công nghiệp: Đường sắt, phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ trong suốt thế kỷ 20, đặc biệt là kể từ năm 1925.


Thường thì các nhà sử học quân sự truyền thống, những người có xu hướng tập trung vào phân tích chiến lược chiến trường và công nghệ vũ khí, thường bỏ qua các sự kiện như sự phát triển của đường sắt. Tương tự như việc vai trò của đường sắt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vũ bão trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã bị lãng quên, vai trò của đường sắt trong thời chiến cũng bị bỏ qua. Điều này đã được minh họa rõ nét trong một trích dẫn trên một trang mạng thiếu thông tin về Thế chiến thứ II: "Kể từ thời Alexander Đại đế, các đội quân lớn vĩ đại đã vượt qua chiến trường quân sự thế giới với vô số khó khăn do di chuyển chậm chạp với dòng xe bất tận các toa chở hàng và xe động vật kéo phía sau. Tốc độ này có thể thấy là khác hẳn so với với tốc độ và phạm vi của chiến tranh hiện đại. Đội quân cơ giới hóa cao của Mỹ trong Thế chiến thứ II có khả năng vựợt qua những khoảng cách rộng lớn ở tốc độ khó mà tưởng tượng bởi ngay cả những vị tướng vĩ đại nhất thời của các Đại tướng xa xưa".


 

Đường sắt - Tiền tuyến quốc phòng (poster của Hiệp hội đường sắt Mỹ).

 

Hàm ý của đoạn trích dẫn này về việc sử dụng xe có động cơ trên đồng bằng là hoàn toàn thiếu chính xác. Phân tích này đã không đề cập đến thế kỷ trước đó, khi vận tải đường sắt là một đường giao thông và thông tin huyết mạch quan trọng và nói một cách chính xác, đã có thể vận chuyển một số lượng lớn binh sĩ cũng như vật phẩm cho tiền tuyến, theo cách mà Alexander Đại đế đã “khó có thể hình dung ra”.


Trong thực tế, vai trò của đường sắt là không thể phủ nhận và cũng gần như không thể phóng đại hơn nữa. Hãy xem sự khác biệt giữa các cuộc chiến thời Napoleon ở đầu thế kỷ 19 và các trận đánh trong Thế Chiến I khoảng trăm năm sau đó. Mặc dù các cuộc chiến thời Napoleon, kéo dài hàng chục năm từ năm 1803, đã chứng kiến các đội quân phát triển mạnh mẽ hơn bất cứ thời gian nào trước đó, nhưng chúng vẫn đi theo mô hình của các cuộc chiến trước đó: Những trận đánh lớn kéo dài hàng chục ngày đêm, sau đó là thời gian tạm nghỉ và xen kẽ bởi các trận đánh nhỏ. Hơn nữa, các trận đánh lớn chủ yếu diễn ra vào mùa xuân và mùa hè do điều kiện thời tiết thuận lợi và lương thực sẵn có.


 

Binh sĩ được di chuyển bằng đường sắt trong Thế chiến I.

Ví dụ Waterloo, trận đại chiến cuối cùng thời Napoleon đã kết thúc chỉ trong một ngày 18/6/1815, với tổng số khoảng 50.000 binh sĩ chết hoặc bị thương ở cả hai phía. Ngược lại, một trong những trận đánh lớn nhất của Thế chiến thứ I, trận Verdun, đã kéo dài từ tháng 2 đến tháng 12 năm 1916 và gây ra số thương vong lớn gấp 10 lần. Một lý do chính khiến thời gian chiến đấu kéo dài qua nhiều mùa là vì đường sắt có thể hoạt động quanh năm.


Napoleon là một trong những đại tướng của thời đại tiền công nghiệp, người thực sự hiểu được vai trò của hậu cần trong chiến tranh. Ông thậm chí đã gọi những dòng toa xe bất tận được sử dụng để cung ứng cho quân đội mình là “những đoàn tàu”. Nhưng mặc dù nhận thức được về tính chất quan trọng của giao thông vận tải, Napoleon vẫn bị bó buộc trong giới hạn của công nghệ vào thời điểm đó và phụ thuộc vào việc chăm sóc ngựa kéo, lực lượng quan trọng sử dụng không chỉ cho kỵ binh mà còn trong vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm. Các xe ngựa có thể đi khoảng 25 dặm/ngày nhưng nếu sử dụng trâu bò thì thậm chí còn chậm hơn. Nếu các nguồn tiếp tế bị tụt quá xa so với tiền tuyến, chúng sẽ thành vô dụng vì những chú ngựa sẽ cần phải ăn nhiều hơn mức lương thực chúng có thể chở.


Đường sắt đã thay đổi cán cân đó. Herman Haupt, chuyên gia về đường sắt trong cuộc nội chiến Mỹ cho rằng một tuyến đường sắt có thể cung cấp vật phẩm cho một đội quân khoảng 200.000 binh sĩ, trong điều kiện được vận hành tốt. Mặc dù có tầm quan trọng to lớn trong chiến tranh, vai trò của đường sắt hiếm khi được ghi nhận đầy đủ. Lloyd George đã viết vào năm 1932, nhận xét về ghi chép chiến tranh của John Buchan: "Trận chiến Somme được viết khoảng 60 trang,… nhưng vỏ đạn, súng và bộ máy vận hành tổ chức vận tải hậu cần đằng sau tiền tuyến, vốn giúp cho quân đội chiến đấu, bạn có biết bao nhiêu câu chữ đã viết về chúng? Chỉ trong 17 dòng".


Cuộc nội chiến của nước Mỹ có thể được xem là cuộc “chiến tranh đường sắt” đầu tiên. Điều này được khẳng định không chỉ bởi độ dài cuộc chiến, từ 1861 đến 1865, mà còn bởi quy mô: Nổ ra trên một diện tích tương đương châu Âu. Hơn 600.000 binh sĩ Mỹ đã chết trong cuộc nội chiến này, nhiều hơn con số hy sinh trong tất cả các cuộc chiến khác mà nước Mỹ sau đó đã tham gia. Một con số thống kê biết nói khác: Trong suốt bốn năm dài của cuộc chiến đẫm máu, đã có không dưới 400 cuộc đụng độ, ước tính trung bình cứ bốn ngày có một xung dột diễn ra, với mức độ nghiêm trọng đủ để được ghi nhận là một trận đánh. Chính khả năng vận chuyển do đường sắt đem lại đã tạo ra tần suất hoạt động cao như thế.


Minh Châu

 

Đón đọc kỳ 2: Những cuộc chiến đường sắt nổi bật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN