Việc hình thành một quyền đối với các đảo
Các tài liệu đưa ra cho thấy sự hoạt động có tính chất nhà nước của Việt Nam đối với các quần đảo và điều đó đã được lịch sử xác lập. Vấn đề còn lại là vạch ra khu vực hoạt động một cách thận trọng và xác định rõ ràng ngày tháng, cường độ và phạm vi địa lý.
Bản đồ Việt Nam do Đỗ Bá soạn vẽ vào thế kỷ XVII. Lời chú giải trên bản đồ khu vực phủ Quảng Ngãi ghi rõ "Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng", "do họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hóa vật..." . |
Văn bản đầu tiên có giá trị là tác phẩm của Lê Quý Đôn năm 1776. Ông ta đã mô tả tỉ mỉ việc khai thác các quần đảo này từ năm 1702. Như vậy, ý chí về chủ quyền của nhà nước phải chăng là chắc chắn từ đầu thế kỷ XVIII. Các nhà chức trách Việt Nam khẳng định rằng các đội Hoàng Sa đã hoạt động liên tục từ triều đại đầu tiên của Nhà Nguyễn (1558-1786). Đội Hoàng Sa có thể đã tồn tại từ trước năm 1702. Đó là một giả thuyết có thể chấp nhận. Tuy nhiên, các dữ kiện dựa trên các tài liệu lịch sử có thể kiểm tra được không vượt quá những năm đầu của thế kỷ XVIII và không thể ngoại suy một cách chắc chắn được. Dù sao đi nữa, bắt đầu từ thời điểm này, đã có một ý định thật sự khẳng định chủ quyền đối với các đảo bởi vì đã tìm thấy các loại hành vi được án lệ quốc tế nêu ra để thể hiện ý định này.
Các nhà chức trách Vương quốc An Nam đã triển khai trên các đảo những hoạt động đó. Ngay cả khi không tính đến cuộc thân chinh trịnh trọng của vua Gia Long năm 1816 do các tác giả Pháp nói đến, thì cũng còn khá đủ các sự kiện trùng hợp và liên kết với nhau để có thể khẳng định rằng các nhà cầm quyền Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thời kỳ thuộc địa, đã thụ đắc các quyền chủ quyền đối với các quần đảo theo đúng các quy tắc của pháp luật quốc tế áp dụng tại thời điểm đó.
Các sự việc đó là có thật, một sự thật thích hợp với yêu cầu của thời đại, với điều kiện địa hình và hình thể các địa điểm không cho phép thực hiện một sự chiếm đóng toàn bộ và thường trực. Đó là những hành vi theo mùa do các đặc điểm địa lý và khí hậu của các đảo. Trong phán quyết trọng tài ngày 28/1/1931 về các đảo Clipperton giữa Pháp và Mexico, vua Italy Victor Emmanuuel II đã công nhận hiệu lực của việc chiếm cứ dựa trên các hành vi giám sát. Đó là những sự kiện được các nhà chức trách nhà nước ở cấp cao nhất đưa ra. Chúng không gây ra một chút nghi ngờ gì về ý định của sự khẳng định chủ quyền. Không bị bất cứ ai phản đối, các sự kiện đó làm thành cái mà người ta có thể gọi là sự quản lý lãnh thổ một cách hòa bình và không gián đoạn.
Điều này cũng phù hợp với lời khẳng định trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 1843-1851: Xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta rất là hiểu yếu. Tuy nhiên, phạm vi địa lý của các quyền đã từng được khẳng định phải được xác định. Chúng ta sẽ kiểm tra ở đây tất cả thời kỳ từ thời kỳ cổ xưa cho tới thời kỳ bảo hộ của Pháp mà thời điểm củng cố (1884) cũng là thời điểm Hội nghị Berlin mở ra một chương mới của lịch sử luật pháp quốc tế.
Sự khẳng định chủ quyền do người Việt Nam đưa ra dường như liên quan tới một vùng rộng lớn hơn vùng chỉ có các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Có hai yếu tố đi theo hướng này. Các nhà địa lý Việt Nam thế kỷ thứ XIX đã thống kê được 130 đảo, có nghĩa là các vùng đất nổi. Con số 130 không đúng với quần đảo này hay quần đảo kia trong số hai quần đảo nếu chúng ta xem xét tách chúng ra. Nhưng nó phù hợp khá chính xác với tổng số đảo của cả hai quần đảo.
Mặt khác, các biên niên sử An Nam chỉ rõ rằng đã có nhiều đội được phái đến những hướng địa lý khác nhau. Một trích đoạn nêu rõ:“Các đảo Hoàng Sa nằm ở phía Đông đảo Lý Sơn, từ bờ biển Sa Kỳ chạy ra khơi, thuận gió ba, bốn ngày đêm có thể đến. Trên đảo có hơn 130 ngọn núi, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài canh giờ. Giữa đảo có bãi cát vàng bề dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa, trên bãi có giếng nước ngọt, hải điều tụ tập nhiều, không biết bao nhiêu mà kể, sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, ba ba, các thuyền bị phong nạn cũng tụ tập ở đó... Đầu triều Nguyễn, đội Hoàng Sa gồm 70 người là dân xã An Vĩnh sung, hàng năm cứ tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, thu lượm hóa vật, đến tháng 8 trở về cảng Tư Hiền nộp lại. Lại có đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa cai quản đi thu lượm hóa vật ở các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải. Phía đông, các đảo giáp với quận Quỳnh Châu của đảo Hải Nam thuộc vương triều Trung Hoa”.
Một trong các đội được thành lập vào thế kỷ XIX có tên là Bắc Hải, theo tên mà người Việt Nam cũng như người Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa. Các chỉ dẫn trên có thể nhằm chứng minh rằng các hoàng đế có quan tâm đến việc khai thác hai quần đảo đã giải quyết vấn đề bằng cách đặt hai đội hoạt động ở các địa điểm khác nhau nhưng dưới một sự chỉ đạo chung.
Giả thuyết này được bảo vệ bởi một tấm bản đồ xuất hiện vào năm thứ 14 triều Minh Mạng. Bản đồ này đã thể hiện rõ một nhóm đảo tách hẳn với các đảo gần bờ. Các đảo này đã được ghi bằng hai tên gọi khác nhau, đó chính là sự phân biệt hai quần đảo.
Tác giả Monique Chemillier – Gendreau là nữ Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị tại trường đại học Paris- VII - Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp. Bài viết được trích từ cuốn “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” được Nxb Chính trị Quốc gia phát hành năm 1997. |
Monique Chemillier-Gendreau