Kỳ 2: Âm mưu bí mật tại tòa Đại sứ quán Anh ở Trung Quốc
Một đêm trung tuần tháng 2/1944, một chiếc xe jeep của đoàn không quân số 14 (Mỹ) tiến vào sân Đại sứ quán Anh tại Trung Quốc (gần chùa Thượng Thanh, Trùng Khánh). Bước xuống xe là trưởng phòng tình báo đoàn không quân số 14, Đại tá ba sao Morante và trợ lý của mình là Trung úy Kingsley. Hai người đến theo lời mời của phó tùy viên lục quân Anh, Đại tá ba sao Charles để cùng thảo luận vấn đề phối hợp ngăn chặn hoạt động và tấn công lực lượng đặc vụ Nhật Bản ở khu vực Tây Nam Trung Quốc. Lúc này, Morante vẫn chưa hề biết về kế hoạch loại trừ Tưởng Giới Thạch mà ông chủ Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho Lầu Năm góc. Về phía Charles, mục đích chính của việc mời Morate không phải là làm thế nào để đập tan mạng lưới gián điệp của Nhật Bản ở khu vực Tây Nam Trung Quốc mà là giành được sự ủng hộ của Morante trong việc thực hiện tuyệt mật cấp trên giao phó.
Thủ tướng Anh Winston Churchill. |
Sau một hồi thăm dò, cuối cùng, Charles cũng ngửa bài: "Chúng tôi chuẩn bị xuống tay trừ khử Tưởng Giới Thạch, càng nhanh càng tốt, để giúp một số nhân vật lãnh đạo Quốc dân Đảng tương đối có ảnh hưởng và kiên quyết chủ trương chống Nhật lên nắm quyền, thực hiện chế độ tập thể lãnh đạo. Chúng tôi cũng sẽ giúp họ cải tổ chính phủ, thâu tóm quân đội, thanh trừ những phần tử thân Nhật như Hà Ứng Khâm. Thiết nghĩ, chỉ như vậy mới có thể đảm bảo cho cuộc kháng chiến chống Nhật của chúng ta sớm giành được thắng lợi… Tưởng Giới Thạch từ lâu đã không được lòng người, lại tỏ ra chù chừ, do dự trong việc đánh Nhật. Thậm chí, ông ta còn dự định thỏa hiệp với người Nhật và tỏ ra không ngại bán đứng liên minh chống Nhật. Nội dung một số bức điện mật gửi từ Trùng Khánh cho tổng bộ quân đội Nhật ở Nam Kinh mà chúng tôi đã chặn thu, giải mã được đã cho thấy điều này. Đó là lý do khiến chúng tôi quyết tâm loại bỏ Tưởng Giới Thạch".
Morante tỏ vẻ lo âu: "Tôi cũng có chung cách nhìn nhận về Tưởng Giới Thạch như ngài. Nhưng tôi không thể không nhắc nhở ngài rằng trừ khử Tưởng Giới Thạch là một hành động có độ mạo hiểm chính trị rất lớn, không cẩn thận còn làm lợi cho người Nhật. Đài phát thanh Tôkiô thường xuyên phát đi những bài viết gây chia rẽ quan hệ giữa hai nước chúng ta và Trung Quốc. Hơn nữa, hiện nay Tưởng Giới Thạch nắm trong tay một sức mạnh không thể coi thường, đa số tướng lĩnh quân đội đều nghe theo mệnh lệnh của ông ta. Còn về ý tưởng xây dựng chính phủ mới do tập thể lãnh đạo mà ngài vừa đề cập, tôi thấy có vẻ không ổn bởi nếu làm không tốt sẽ gây ra cảnh tranh giành quyền lực, hỗn chiến lẫn nhau ở Trung Quốc, phá hỏng đại cục".
Charles trở nên trầm tư. Sở dĩ Charles tìm mọi cách lôi kéo Morante là có nguyên nhân. Morante rất được các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch tín nhiệm, có thể tự do ra vào đại bản doanh quân đội Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh cũng như các cơ quan tình báo thuộc chính quyền Tưởng. Nếu tranh thủ được sự ủng hộ của Morante sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch trừ khử Tưởng Giới Thạch.
"Chính phủ Anh đã đồng ý với kế hoạch của ngài chưa?", Morante thận trọng hỏi lại.
"Xin ngài bỏ quá cho, tôi không thể đưa ra một sự phản hồi rõ ràng đối với câu hỏi này", Charles trả lời.
"Không sao, nhưng hãy để tôi suy nghĩ đã. Dầu sao đây cũng không phải là chuyện nhỏ. Tuy nhiên, ngài yên tâm, dù không tiện giúp, tôi sẽ tuyệt đối không phá chuyện của ngài", nói xong Morante bắt tay, chào từ biệt Charles.
Minh Thành (Theo Youth Reference và Chinareviewnews)
Đón đọc kỳ cuối: Kế hoạch của người Mỹ và sự may mắn của Tưởng Giới Thạch