Nhờ những đóng góp của mình suốt 30 năm công tác tại Bệnh viện 175, Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà được phong tặng các danh hiệu cao quý là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy thuốc nhân dân.
Từ cô y tá trong chiến trường ác liệt…
Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà tham gia cách mạng năm 1962. Khi ấy mới 18 tuổi, cô có nhiệm vụ là “chị nuôi” của một đơn vị chiến đấu tại chiến khu D. Cô kể, ngày nào cũng từ sáng sớm là “chị nuôi” lại đội một thúng gạo đầy đi lên đầu ngọn suối để vo gạo nấu cơm, rồi sau đó lại vào rừng tìm rau. Sau khoảng 8 tháng, cô được chọn đi học khóa y tá cấp tốc tại chiến trường, sau đó học y sĩ. Năm 1965, cô chuyển về công tác tại Bệnh viện K71.
Năm 1975, Bệnh viện K71 kết hợp với hai bệnh viện khác và một số đội điều trị thành Bệnh viện quân y 175 và bác sĩ Hà về công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện. Thế nhưng hòa bình chưa lâu, năm 1977, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra và sự ác liệt của chiến tranh được thấy rõ ở Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện. Phụ trách bộ phận hồi sức cho những ca cấp cứu bị nhiễm trùng, cô Hà cho biết, trung bình mỗi ngày có hơn 50 thương binh nặng được chuyển đến, có ngày lên đến 100 người. Cán bộ y tế phải làm việc liên tục, từ 14-16 giờ/ngày, trực không có ngày nghỉ bù.
Chứng kiến cái chết luôn cận kề nhưng nhờ quá trình rèn luyện từ trong chiến trường, bác sĩ Hà vượt qua nỗi sợ và khó khăn để hết lòng, hết sức cứu chữa thương binh, giảm bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần cho họ. Đó là những khi phải làm dưới hầm sâu ngập nước, có muỗi mòng và rắn rết… để cấp cứu thương binh; hay như có lần địch bao vây bệnh viện 60 ngày đêm liên tục, phải mở “con đường máu” để bảo vệ hàng ngàn thương binh, nhân viên, bà mẹ và trẻ em; có trận B52 ném bom vào khu vực của bệnh viện 24 đợt, mỗi đợt chỉ cách nhau năm phút, bác sỹ Lê Kim Hà và đồng nghiệp đã bao lần phải cõng thương binh chạy khỏi khu bị oanh kích, bom nổ…
Nhớ lại những ký ức thời ác liệt đó, bác sĩ Lê Kim Hà vẫn không kìm được nước mắt, giọng nói đôi lúc nghẹn lại khi trao đổi với chúng tôi. Bác sĩ Hà chia sẻ, khó khăn gian khổ đến mấy, người thầy thuốc mang áo lính vẫn chịu được, nhưng khi bất lực nhìn đồng chí đồng đội của mình hy sinh chỉ vì thiếu thuốc và thiếu phương tiện y tế để chữa trị, trái tim bác sĩ như bị thắt lại.
… đến người bác sĩ có nhiều công trình khoa học
Vượt qua giai đoạn khó khăn ấy, bác sĩ Hà nhận thấy, muốn tiếp tục công tác tại một khoa chữa trị các ca bệnh nặng như vậy, không có con đường nào khác là phải học tập, nâng cao trình độ bản thân. Ở thời chiến chỉ được học cấp tốc để đáp ứng nhu cầu trước mắt, nhưng trong thời bình người thầy thuốc phải có trình độ thật cao. Xác định mục tiêu đó, song song với quá trình công tác tại bệnh viện, hàng tối bác sĩ Lê Kim Hà đi học.
Hơn 30 tuổi, cô Hà mỗi tối lại “lọ mọ” với chiếc xe đạp cũ đi học… văn hóa, do hồi nhỏ chỉ mới được học hết cấp 1. Mất 5 năm vừa nuôi hai con nhỏ vừa đi học, học xong văn hóa phổ thông, cô Hà tiếp tục đi học chuyên môn và ngoại ngữ. Năm 1988, bác sĩ Lê Kim Hà hoàn thành chương trình chuyên khoa II về lĩnh vực gây mê hồi sức tại Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Cô dí dỏm so sánh quá trình học tập của mình cũng gian khổ không kém gì thời chiến đấu trong chiến trường.
Trong quá trình làm việc và học tập, bác sĩ Lê Kim Hà luôn đam mê nghiên cứu khoa học, với rất nhiều đề tài nghiên cứu. Năm 1992, một bệnh nhân vào Khoa Thần kinh Bệnh viện 175 được chẩn đoán mắc hội chứng Guillain Barré (hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh) và chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu. Đây là bệnh hiếm gặp, bệnh nhân bị liệt tứ chi và suy hô hấp. Lúc này, trên thế giới có những phương pháp điều trị nhưng đòi hỏi trang bị kỹ thuật và chi phí cao.
Từ kinh nghiệm của mình, bác sỹ Lê Kim Hà quyết định thay vì truyền corticoid liều cao vào tĩnh mạch sẽ dùng thao tác gây tê ngoài màng cứng để đưa thuốc trực tiếp đến các rễ thần kinh bị viêm. Sau bốn tuần, bệnh nhân có thể bước xuống giường, vịn vào để đi. Đến nay, đã có 22 ca được điều trị bằng phương pháp này, trong đó chỉ hai ca tử vong do quá nặng. Với sáng kiến điều trị hội chứng Guillain Barré bằng truyền corticoid ngoài màng cứng, cô Hà được mời dự Hội nghị quốc tế về các bệnh thần kinh tổ chức tại Nhật Bản vào năm 1994 cùng với bác sĩ Nguyễn Hữu Công, Chủ nhiệm Khoa Thần kinh của Bệnh viện 175.
Năm 1994, Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Quân y 175 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà cũng vinh dự được phong tặng danh hiệu cao quý này. Năm 1995, bác sĩ Hà được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và năm 2003 là Thầy thuốc nhân dân.
Nay đã 75 tuổi, nhưng tinh thần của một người anh hùng mặc áo blouse trắng vẫn toát lên trên khuôn mặt phúc hậu của Đại tá, bác sĩ Lê Kim Hà. Nghỉ hưu từ năm 2006, nhưng hàng ngày bác sĩ Hà vẫn tiếp tục miệt mài với công việc cứu người tại Khoa Hồi sức ngoại của một bệnh viện tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bài cuối: Người lính tình báo giữa lòng Sài Gòn