Thời kỳ thứ 2 của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ được đánh dấu bởi sự xuất hiện của cái mà Tổng thống Dwight Eisenhower gọi là “tổ hợp công nghiệp quân sự” và chấm dứt cùng với Chiến tranh Lạnh khi Bức tường Berlin sụp đổ. Sự giải thể của Khối hiệp ước Vacsava và Liên Xô đã góp phần khiến chi tiêu quân sự Mỹ giảm nhanh chóng. Năm 1993, Bộ Quốc phòng Mỹ đã mời giới lãnh đạo công nghiệp tới Lầu Năm Góc trong một bữa tiệc đặc biệt. Tại đó, Thứ trưởng William Perry đã kêu gọi họ liên kết với nhau trong bối cảnh ngân sách chi cho quân sự bị cắt giảm.
Đó cũng là lúc kỷ nguyên thứ ba của ngành công nghiệp này bắt đầu, thời điểm mà ngành công nghiệp chuyển mình từ các tập đoàn đa ngành sang một nhóm các công ty chỉ tập trung vào lĩnh vực quốc phòng. Đây cũng chính là những công ty tiếp tục thống lĩnh ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cho tới ngày nay.
Từ năm 1992 - 1997, trên thị trường này đã diễn ra các thương vụ sáp nhập với tổng trị giá lên tới 55 tỷ USD. Những ông lớn đã rút khỏi ngành công nghiệp kể trên, bán lại các bộ phận chuyên trách về quân sự.
Franklin Roosevelt, người góp phần đặt nền móng cho các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Mỹ. |
Thời kỳ này cũng hình thành một khuôn khổ mới trong ngành công nghiệp đó là chỉ những công ty chấp nhận bán đi mảng hoạt động thương mại của mình, mua lại những công ty quốc phòng nhỏ hơn được trở thành các nhà cung cấp trang thiết bị, vũ khí cho quân đội Mỹ.
Mặc dù có những thay đổi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bắt nhịp khá tốt và theo kịp với sự phát triển của tình hình. Qua mỗi giai đoạn chuyển giao, Lầu Năm Góc đều bảo vệ các công nghệ then chốt và tiếp tục hỗ trợ được cho quân đội, nhưng hiện nay, các áp lực từ quá trình thương mại hóa và toàn cầu hóa đã làm bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong cấu trúc của ngành công nghiệp này.
Nếu Mỹ không thích nghi được với những đặc điểm mới của kỷ nguyên thứ 4, ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ mất đi sức mạnh của nó.
Trò đuổi bắtTrong hơn 10 năm qua, các công ty quốc phòng Mỹ đã luôn xếp hạng sau rất nhiều công ty thương mại lớn về đầu tư cho công nghệ. Trước đây, Lầu Năm Góc có truyền thống xuất rất nhiều công nghệ mới cho lĩnh vực thương mại, thì nay cơ quan này đang chuyển sang vị thế “nhà nhập khẩu” công nghệ.
Thực vậy, công nghệ thương mại thế hệ tiếp theo đã vượt mặt các nhà sản xuất quốc phòng trong lĩnh vực như in 3D, điện toán đám mây, an ninh mạng, công nghệ nano, robot... Ngoài ra, ranh giới giữa sản phẩm quốc phòng và dân sự dường như cũng không còn rõ ràng.
Những người lính ngày nay sử dụng điện thoại thông minh để thu thập thông tin do thám theo thời gian thực từ máy bay không người lái và gửi thông tin cho các đồng nghiệp.
Việc bắt kịp với những phát minh thương mại sẽ rất khó khăn, thậm chí là không thể. Toàn bộ ngân sách dành cho R&D của 5 nhà thầu quốc phòng lớn nhất Mỹ (khoảng 4 tỷ USD, theo số liệu của công ty nghiên cứu Capital Alpha Partners) vẫn chưa bằng 1/2 so với số tiền của các công ty như Microsoft hay Toyota đầu tư vào lĩnh vực này trong 1 năm.
Thậm chí 5 “người khổng lồ” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ cũng không nằm trong tốp 20 công ty tư nhân đầu tư nhiều nhất cho R&D trên thế giới. Thay vào đó, những công ty này lại trả phần lớn số tiền mà họ có cho các cổ đông dưới dạng các cổ tức hay cổ phiếu mua lại.
Tất nhiên, thị trường quốc phòng có đặc điểm khác với thị trường thương mại, đó là khách hàng - Lầu Năm Góc - đầu tư rất nhiều cho R&D, nhưng ngân sách này cũng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Vì vậy, các công ty quốc phòng đã miễn cưỡng đầu tư tiền của họ cho việc nghiên cứu vì với việc ngân sách được cấp bấp bênh từ Bộ Quốc phòng, rất khó để cho ra đời các sản phẩm độc lập.
Nay Bộ Quốc phòng Mỹ phải ve vãn các công ty thương mại, vì rất nhiều trong số các công ty này không tìm kiếm hợp đồng trong lĩnh vực quốc phòng. Lầu Năm Góc đã gặp nhiều khó khăn trong việc đấu thầu các hợp đồng quốc phòng khi rất nhiều công ty né tránh vì họ thấy không có nhiều lợi ích trong việc đáp ứng các đòi hỏi mà họ thấy không cần thiết.
Chẳng hạn, một số công ty phát triển phần mềm đã từ chối làm việc cho Bộ Quốc phòng vì họ sợ rằng sẽ phải từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm mà họ làm ra.
Một số khác né tránh hợp tác vì các quy định của chính phủ Mỹ về mua sắm vũ khí. Ví dụ như các quy định về kiểm toán và giám sát yêu cầu các công ty phải thành lập một hệ thống kế toán hoàn toàn mới, rất tốn kém, bên cạnh hệ thống mà họ vận hành để kinh doanh.
Giới chức Mỹ đã thảo luận về hệ thống mua sắm trang thiết bị vũ khí của Lầu Năm Góc từ nhiều thập kỷ nay và đã đề xuất những cải cách, nhưng kết quả vẫn không theo kịp được với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường thương mại.
Những cải cách trong tương lai, do đó, cần phải hạ thấp các rào cản để các công ty thương mại có thể thâm nhập được vào thị trường quốc phòng của Mỹ. Lầu Năm Góc có thể thu hút các công ty như Google bằng cách nới lỏng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, hay các đòi hỏi về kiểm toán, kế toán và rút ngắn các chu trình không cần thiết.
Việc bám khư khư vào các quy định hiện này sẽ càng làm khoảng cách giữa Washington và Thung lũng Silicon thêm xa nhau.
Thái Nguyễn (
Theo FP)
Đón đọc kỳ cuối: Toàn cầu hóa