Cuộc chiến cân não trên Địa Trung Hải giữa Liên Xô và Mỹ năm 1973 - Kỳ II: Khi tình hình trở nên mất kiểm soát

Giai đoạn hai của cuộc chiến tranh giữa các nước Arập và Ixraen bắt đầu từ ngày 13/10. Hôm đó, Bộ tư lệnh vận tải đường không quân đội Mỹ khởi động kế hoạch ưu tiên cung cấp đạn dược cho Ixraen. Gần như đồng thời, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ cũng ra lệnh tầu sân bay trực thăng USS Iwo Jima (LPH 2) mang theo 2.000 binh sĩ tiến thẳng về hướng Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn khả năng Hồng quân Liên Xô đổ bộ lên khu vực này.

 

Bởi theo những tin tức tình báo người Mỹ có được thì Trung đội chiến đấu số 5 của Liên Xô liên tiếp được bổ sung thêm binh lực (từ hơn chục chiếc ban đầu, tới ngày 14/10, tổng số tầu của trung đội này đã lên tới 69 chiếc) và ngày càng có khả năng chi viện cho hành động tác chiến đổ bộ của lực lượng Hồng quân. Trong khi đó, một loạt tầu ngầm của Liên Xô bố trí ở Đại Tây Dương nhận được lệnh tới eo biển Gibraltar (nối Đại Tây Dương với Địa Trung Hải), đứng chân ở đó tiềm phục lực lượng tăng viện của Mỹ.

 

Ngày 15/10, Ixraen phát động tổng phản kích trên bán đảo Sinai. Với tư cách nước bạn bè của thế giới Arập, Liên Xô quyết định dấn thêm bước nữa trên con đường can dự vào cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4. Mátxcơva điều động chiếc tầu khu trục thứ 2 tới bố trí ở khu vực biển gần Xyri. Lực lượng tầu ngầm của Liên Xô cũng bắt đầu thực thi nhiệm vụ giám sát hoạt động quân sự gần các cảng biển của Ixraen.

 

Những tài liệu ghi chép lại diễn biến cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 cho thấy khi đó giữa các tầu chiến đấu mặt nước của Liên Xô và quân Ixraen đã từng xảy ra nhiều cuộc đối kháng hữu hạn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là hành động tác chiến mức độ thấp. Tiêu biểu là sự kiện xảy ra ngày 16/10. Trong lúc bảo vệ các tầu biển dân dụng của mình bốc dỡ hàng hoá tại cảng Lattakia ở Xyri, tầu quét lôi lớp Nadja và tầu đổ bộ cỡ trung bình SDK-137 thuộc Hạm đội Biển Đen của Liên Xô đã khai hỏa mãnh liệt vào những chiếc máy bay của Ixraen đang bay phía trên làm nhiệm vụ trinh sát.

Cho dù chủ yếu nhằm mục đích tự vệ, nhưng hành động này rất nguy hiểm. Bởi trước đó các nhà lãnh đạo Liên Xô luôn tuyên bố sẽ nghiêm chỉnh tuân thủ nguyên tắc tránh tham gia trực tiếp vào xung đột khu vực. Việc tầu chiến Liên Xô bắn máy bay Ixraen khiến các nước liên quan hiểu rằng Liên Xô đã tạm gác nguyên tắc trên và đã sẵn sàng cho hành động can dự trực tiếp vào chiến tranh giữa Arập và Ixraen.

Ngày 16/10, Liên Xô phái 1 tầu tuần dương Murmansk trang bị pháo hạm và tầu khu trục lớp Kotlin mới đến thay tàu tuần dương trang bị tên lửa Grozny và tầu khu trục lớp Kotlin tiếp tục thực thi nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ mọi động thái của cụm tầu chiến đấu sân bay Independence (CV 62) ở phía nam đảo Krete (Hy Lạp).

Ngày 17/10, lực lượng thiết giáp quân đội Ixraen vượt qua Kênh đào Suez. Hồng quân Liên Xô liền vạch ngay kế hoạch đổ bộ lên bờ tây của Kênh đào Suez và đưa ra phương án sơ bộ biểu thị sức mạnh có giới hạn. Liệu Liên Xô sẽ ra tay hành động và Mỹ, nước bảo trợ an ninh cho Ixraen sẽ chịu ngồi im? Thế giới thấp thỏm lo lắng. Bởi tháng 1/19, Liên Xô đã từng lên kế hoạch cho một hành động tác chiến kiểu này và mục đích cũng không ngoài việc ngăn chặn ý đồ chiếm Kênh đào Suez từ Ixraen. Khi đó, Liên Xô đã huy động một lực lượng binh lực không nhỏ, chỉ tính riêng thủy quân lục chiến đã gần 10.000 người và lúc nào cũng sẵn sàng lên tầu từ các căn cứ quân sự bên bờ Biển Đen để tham gia tác chiến đổ bộ.

Dường như chiến tranh giữa hai siêu cường là điều không thể tránh khỏi. Giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc chiến cân não giữa Liên Xô và Mỹ trên Địa Trung Hải chuẩn bị bắt đầu.

Cuộc chiến cân não trên Địa Trung Hải giữa Liên Xô và Mỹ năm 1973 - Kỳ I: Nếu bị tấn công lập tức đáp trả
Cuộc chiến cân não trên Địa Trung Hải giữa Liên Xô và Mỹ năm 1973 - Kỳ I: Nếu bị tấn công lập tức đáp trả

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Mỹ luôn ở thế đối đầu. Nhắc đến sự kình địch Xô - Mỹ, dường như ai cũng nhớ đến cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân ở Cuba tháng 10/1962 hay cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hàng chục năm giữa hai siêu cường quốc trên thế giới này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN