Kỳ 1: Sốt rét – Kẻ thù đáng sợ ở Thái Bình Dương
Sốt rét là một trong những thách thức lớn mà binh sĩ Mỹ chiến đấu với quân Nhật Bản ở chiến trường Thái Bình Dương phải đối mặt. Bệnh này dù thường không chết người nhưng sẽ khiến binh sĩ mắc bệnh không thể chiến đấu trong một thời gian dài, không khác gì bị thương trong chiến trận.
Bệnh sốt rét là căn bệnh dai dẳng, có thể gây hậu quả lâu dài cho người bệnh. Binh sĩ Mỹ thường mắc hai loại bệnh sốt rét ở Thái Bình Dương. Sốt rét lành tính gây ớn lạnh, sốt, làm cơ thể yếu ớt; và sốt rét ác tính – có thể gây tử vong. Cả hai loại đều có thể khiến binh sĩ đang khỏe mạnh phải nằm liệt giường.
Bệnh sốt rét do kí sinh trùng gây ra, lây truyền từ người này sang người khác khi bị muỗi đốt. Ký sinh trùng này tấn công tế bào hồng cầu và gan người bệnh. Môi trường đầm lầy, ẩm ướt ở nhiều hòn đảo Thái Bình Dương là nơi lý tưởng để loài muỗi anophen sinh sống và truyền bệnh sốt rét.
Ngoài ra, những hố bom, hố cá nhân, hào, rãnh được tạo ra trong quá trình chiến đấu cũng là nơi đọng nước, tạo cơ hội cho muỗi đẻ trứng và sinh sôi. Khi muỗi đốt người bệnh, chúng trở thành vật chủ ký sinh trùng và sau đó truyền bệnh này cho người khác khi hút máu người đó. Cứ như thế, các ca lây nhiễm có thể lan nhanh chóng và khiến Lục quân Mỹ rất khó dập tắt.
Khi thuốc chữa sốt rét do công ty Đông Ấn Hà Lan vận chuyển bị phát xít Nhật tịch thu, quân Đồng minh buộc phải tìm thuốc chữa sốt rét thay thế. Loại thuốc phổ biến nhất dùng để chữa sốt rét là quinacrine, có tên thương hiệu là Atabrine. Dù hiệu quả nhưng Atabrine có một số tác dụng phụ như vàng da.
Binh sĩ trên mặt trận thường quan tâm tới chiến đấu, hành quân, tìm bữa ăn hoặc nơi trú ẩn hơn là dùng thuốc chống muỗi và tuân thủ chế độ uống thuốc chống sốt rét nghiêm ngặt. Ở Philippines, bác sĩ James Gillespie thuộc đơn vị quân y của Lục quân Mỹ nói rằng khi binh sĩ Mỹ rút để tránh bị quân Nhật tấn công năm 1941, phần lớn thuốc men bị bỏ lại. Binh sĩ thường vứt thuốc chống sốt rét vì nghĩ chúng bất tiện, vô dụng.
Hậu quả là bệnh sốt rét đã trở thành vấn đề lớn, khiến hàng nghìn binh sĩ và nhân sự hỗ trợ điêu đứng. Quân Đồng minh ở Philippines bị dịch bệnh hoành hành. Khoảng 24.000 trong số 75.000 binh sĩ Mỹ và Philippines tham gia chiến dịch ngăn chặn quân Nhật năm 1942 đã mắc sốt rét. Nếu những binh sĩ này còn khỏe mạnh, họ có thể đã trụ được trước 57.000 quân Nhật trong thời gian đầu cuộc chiến. Bài học mà Lục quân Mỹ ở Philippines học được khi đó là kiểm soát hiệu quả bệnh sốt rét là điều quan trọng để chiến dịch ở Thái Bình Dương kết thúc thành công.
Năm 1942 là năm mà Lục quân Mỹ cực kỳ lơ là phòng chống bệnh sốt rét cho binh sĩ được điều tới Thái Bình Dương. Tỷ lệ lây nhiễm rất cao ở khắc khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Một trong những khu vực bị tác động nặng nhất là căn cứ của quân Đồng minh tại Vịnh Milne, Papua – nơi hỗ trợ chiến dịch chống quân Nhật ở Buna và Gona từ cuối năm 1942 tới tháng 1/1943. Trong chiến dịch, vô số binh sĩ mắc sốt rét.
Theo Trung tâm Lịch sử Lục quân Mỹ, tỷ lệ mắc bệnh lên tới 4.000 ca/1.000 binh sĩ hàng năm. Tức là mỗi binh sĩ ở Vịnh Milne mắc sốt rét ít nhất 4 lần trong suốt năm đó. Việc này có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của các đơn vị đóng quân tại đây. Ước tính, các đơn vị mất khoảng 12.000 ngày công/tháng do bệnh sốt rét. Tỷ lệ lây nhiễm với các khu vực khác cũng không khả quan hơn.
Theo thống kê thực hiện sau chiến tranh, đội ngũ quân y Lục quân Mỹ đã chữa trị cho 47.663 trường hợp mắc sốt rét ở Nam Thái Bình Dương trong năm 1942. Tỷ lệ lây nhiễm là gần 251 ca/1.000 binh sĩ trong toàn bộ khu vực.
Khi 1/4 binh sĩ nhiễm bệnh, sốt rét chứng tỏ là kẻ thù lớn với các chiến dịch của Mỹ, không khác gì quân Nhật. Khi chiến đấu tại Buna, nỗ lực giảm số ca mắc sốt rét đã nhanh chóng thất bại khi trận chiến bắt đầu. Bộ phận quân y ước tính thương vong do bệnh sốt rét trong giai đoạn này gấp từ 7 đến 10 lần thương vong trong chiến đấu.
Trung tướng Robert L. Eichelberger, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Buna nhận định: “Bệnh sốt rét chắc chắn là thứ gây thương vong nhiều hơn kẻ thù. Chúng ta phải đánh bại quân Nhật trước khi muỗi gây sốt rét đánh bại chúng ta”.
Hành động đáng kể đầu tiên mà Lục quân Mỹ thực hiện để chống bệnh sốt rét diễn ra vào đầu năm 1943. Tháng 4 năm đó, Đại tá Howard F. Smith thuộc lực lượng quân y được chỉ định làm người nghiên cứu bệnh sốt rét ở Thái Bình Dương. Trong vị trí mới, ông đã hướng dẫn Lục quân nghiên cứu và chống căn bệnh trên khắp Thái Bình Dương. Cùng với Ủy ban Cố vấn Hỗn hợp về y khoa nhiệt đới và vệ sinh do tướng Douglas MacArthur thành lập, ông Smith đã giải quyết khối lượng công việc khổng lồ khi thiết lập và thực hiện các chính sách cần thiết để chặn làn sóng sốt rét.
Các sĩ quan quân y Lục quân sớm nhận ra rằng Lục quân cần cách tiếp cận hai hướng để tấn công bệnh sốt rét. Đầu tiên, họ cần đảm bảo lực lượng Lục quân được cung cấp đầy đủ thuốc chống sốt rét cần thiết và thiết bị chống muỗi. Thứ hai, họ phải thực hiện chiến dịch thông tin sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho binh sĩ ở vùng chiến đấu về tầm quan trọng của thuốc men và các biện pháp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, họ vẫn gặp nhiều thách thức trong cuộc chiến chống sốt rét.
Kỳ cuối: Thách thức trong cuộc chiến chống sốt rét