Trong khi sự hiện diện của Hải quân Nga ở Vịnh Levantine rõ ràng đã ngăn cản Israel phát triển các mỏ khí đốt mà Syria tuyên bố, nhưng Israel đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Năng lượng Genie có trụ sở tại Mỹ để xác định vị trí và phát triển các mỏ dầu tại Cao nguyên Golan, khu vực mà Israel đã chiếm của Syria từ năm 1967. Trước hành vi có khả năng vi phạm luật quốc tế, chính phủ của Tổng thống Netanyahu đã bào chữa cho hành vi này của mình, thông qua một tòa án Israel, tuyên bố rằng việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là hợp pháp. Đồng thời, để chuẩn bị cho một cuộc chiến không thể tránh khỏi với bất cứ đối thủ hay phe phái nào nổi lên nếu chiến thắng từ cuộc nội chiến Syria, Tel Aviv đã tiến hành củng cố sự hiện diện quân sự của mình tại Cao nguyên Golan.
Cuối cùng là CH Síp, bên duy nhất có tuyên bố chủ quyền tại Levantine nhưng không xung đột với Israel. Người Síp tại Hy Lạp từ lâu đã có cuộc xung đột kéo dài với người Síp ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi việc phát hiện ra các mỏ khó đốt tự nhiên tại Levantine đã khiến các cuộc đàm phán về việc hòn đảo này phải làm gì kéo dài 3 năm rơi vào bế tắc. Trong năm 2014, những người Síp gốc Hy Lạp đã ký một hợp đồng thăm dò với Noble Energy, nhà thầu chính của Israel. Những người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận hành động này bằng cách ký một hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ để khai thác tất cả mỏ khí mà Síp tuyên bố chủ quyền. Nhằm cạnh tranh với Israel và Nga, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phái ba tàu hải quân đến khu vực này để có thể chặn bất kỳ sự can thiệp của các bên tranh chấp khác.
Kết quả là sau 4 năm kể từ khi được phát hiện, nguồn năng lượng khai thác được từ các mỏ khí đốt mới được phát hiện ở Vịnh Levantine là khá khiêm tốn, nhưng điều này đã lôi kéo nhiều bên vào một cuộc tranh chấp phức tạp, dẫn đến một sự gia tăng quân sự đáng kể trong khu vực và những căng thẳng theo đó cũng tăng lên.
Lửa và khói bốc lên từ một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Gaza trong chiến dịch Đường biên Phòng thủ. |
Ban đầu, các hệ thống Vòm Sắt được phát triển một phần nhằm ngăn chặn tên lửa của Hezbollah tấn công vào các khu vực khí đốt phía bắc của Israel. Tuy nhiên theo thời gian, nó được triển khai ở các vị trí gần biên giới với Dải Gaza để ngăn chặn những quả rocket của Hamas, và đã được thử nghiệm trong Chiến dịch Returning Echo (tạm dịch: Chiến dịch Tiếng dội). Đây là chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza diễn ra từ ngày 9 - 14/3/2012, được xem là một nỗ lực của quân đội Israel nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas và loại bỏ tất cả những "khả năng có thể của người Palestine trong việc đánh bom vào các nhà máy điện và cơ sở khai thác khí đốt chiến lược của Israel”.
Chiến dịch Returning Echo sau đó đã được Israel tiếp tục triển khai nhằm giảm mức độ thiệt hại của Chiến dịch Cast Lead, trong khi Vòm Sắt đã đánh chặn “thành công 90%” tên lửa của Hamas. Tuy nhiên, cùng với hệ thống trú ẩn rộng lớn mà Israel xây dựng có thể bảo vệ tốt hơn cho những thường dân, Tel Aviv cũng không thể bảo đảm an toàn các cơ sở dầu mỏ lộ thiên của họ. Chỉ cần một quả tên lửa rơi vào những khu vực này cũng có thể gây tổn hại hoặc phá hủy các cấu trúc mỏng manh và dễ cháy đó.
Sự thất bại của Chiến dịch Returning Echo đã góp phần khởi động lại vòng đàm phán mới, nhưng một lần nữa bị đình trệ do Palestine phủ nhận yêu cầu của Israel kiểm soát tất cả nhiên liệu và các khoản thu dành cho Dải Gaza và Bờ Tây. Chính phủ đoàn kết dân tộc mới của Palestine vào cuối năm 2013 đã ký một thỏa thuận nhượng lại quyền thăm dò khí đốt với Gazprom, công ty khí đốt tự nhiên khổng lồ của Nga. Giống như với Lebanon và Syria, sự hiện diện của Hải quân Nga dường như đã ngăn chặn khả năng can thiệp của Israel.
Cũng trong năm 2013, một loạt các vụ mất điện đã gây ra "sự hỗn loạn" trên khắp Israel, khiến giá điện tăng 47%. Để đối phó với tình trạng này, Israel đã xem xét một đề xuất nhằm chiết xuất dầu đá phiến trong nước, nhưng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước đã gây ra một phong trào phản ứng dữ dội dẫn đến nỗ lực này bị thất bại. Israel là một quốc gia có nhiều công ty công nghệ cao hoạt động, nhưng việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa được thực sự quan tâm. Thay vào đó, chính phủ Israel một lần nữa lại “hướng sang” Dải Gaza.
Khi Gazprom có động thái chuẩn bị phát triển các mỏ khí mà Palestine tuyên bố chủ quyền, Israel đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm “khuất phục” Palestine - Chiến dịch Protective Edge (tạm dịch: Chiến dịch Đường biên Phòng thủ). Chiến dịch này có hai mục đích chủ yếu: Ngăn chặn các kế hoạch hợp tác giữa Nga và Palestine và cuối cùng loại bỏ các hệ thống tên lửa ở Dải Gaza. Mục tiêu đầu tiên dường như Israel đã đạt được khi Gazprom quyết định hoãn lại (có lẽ là vĩnh viễn) thỏa thuận phát triển của họ với Palestine. Tuy nhiên, mục tiêu thứ hai đã thất bại trong việc phá hủy các kho dự trữ tên lửa hay hệ thống đường hầm bí mật của Hamas, mặc dù Israel đã thực hiện cả hai mũi tấn công trên bộ và trên không với các cuộc tàn phá chưa từng có ở Gaza.
Sau 25 năm và 5 nỗ lực quân sự thất bại của Israel, nguồn khí đốt tự nhiên ở Gaza vẫn chưa được khai thác và sau 4 năm phát hiện, các mỏ khí tại Vịnh Levantine gần như còn nguyên vẹn. Về lĩnh vực năng lượng, có lẽ Israel chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng hơn lúc này, ngay cả khi đã xây dựng được một lực lượng quân sự hùng mạnh trong khu vực, bao gồm cả lực lượng hải quân. Các bên tranh chấp khác đã lần lượt tìm được đối tác lớn hơn và mạnh mẽ hơn để giúp củng cố những điểm yếu về kinh tế và quân sự của họ. Chắc chắn tất cả điều này có nghĩa rằng cuộc khủng hoảng kéo dài 1/4 thế kỷ về khí đốt tự nhiên ở Đông Địa Trung Hải vẫn chưa có hồi kết mà chỉ là khúc dạo đầu. Vì vậy, trong tương lai, các cuộc chiến về khí đốt trong khu vực này có thể sẽ nổ ra với sức hủy diệt lớn hơn.
Công Thuận