Cuộc chiến tàu ngầm bí mật giữa hai siêu cường

Cuộc chiến tàu ngầm bí mật giữa hai siêu cường - Kỳ III: Dự án Azorian bí mật trục vớt tàu K-129

Đám sương mù bao quanh chiếc tàu Hughes Glomar Explorer của CIA đã dần dần mờ nhạt đi. Tháng 1/2010, lần đầu tiên CIA công bố những tài liệu mật xung quanh Dự án Azorian, theo đó năm 1974, cơ quan mật vụ ngoài nước của Mỹ với một chiếc tàu chuyên dụng được ngụy trang đã trục vớt một chiếc tàu ngầm của Liên Xô bị chìm trong những tình huống kỳ bí ở độ sâu 5.000 mét. Nhưng có tới 1/3 báo cáo tổng hợp này vẫn bị bôi đen. Cho dù một số câu hỏi vẫn còn để ngỏ, nhưng phần lớn nội dung đã được tiết lộ.

Tàu Glomar Explorer.129


Năm 1975, báo chí Mỹ đã đưa tin về việc một năm trước đó, tàu Hughes Glomar Explorer của CIA đã trục vớt được một chiếc tàu ngầm Liên Xô. Tổng thống Mỹ Gerald Ford và các cố vấn của mình đã nhất trí với nhau là không bình luận gì về những tin tức nói trên, kể cả qua các kênh ngoại giao.

Việc trình bày quan điểm chính thức sẽ làm cho phía Liên Xô phải có phản ứng và có thể gây ra những căng thẳng không lường trước. Vì vậy, người ta im lặng. Mặc dù sự im hơi lặng tiếng có thể gây ra những lời đồn đoán, nhưng những nhà văn nghiêm túc và các nhà sử học thì không đụng chạm tới sự kiện này. Ngay cả biên niên sử về CIA của Tim Weiner cũng không nhắc gì tới chiến dịch tốn phí tới nửa tỉ USD, chiến dịch được coi là tốn kém nhất được biết đến của CIA.

Mãi tới năm 1993, trong khuôn khổ thỏa thuận giải quyết những vụ việc chưa được rõ ràng của Chiến tranh Lạnh, CIA mới trao cho Tổng thống Nga Boris Yelsin một bộ phim, trong đó cho thấy lễ mai táng trên biển theo nghi lễ quân sự hài cốt những thủy thủ Liên Xô, một sự kiện gián tiếp ám chỉ chiến dịch bí mật của CIA. Cuối cùng, Giám đốc CIA Woolsey thậm chí còn trao cho phía Nga chiếc chuông của chiếc tàu ngầm được trục vớt.

Những hồ sơ được giải mật của CIA vẫn không đưa ra được lời giải đáp cho những câu hỏi còn để ngỏ là vì sao chiếc tàu ngầm này bị đắm? Điều gì xảy ra thực sự trong quá trình trục vớt? CIA muốn biết điều gì khi bỏ công sức, tiền của nhiều như vậy để trục vớt một xác tàu đã nằm 6 năm trong nước biển? Vì sao mà những kết quả thu được vẫn còn được giữ bí mật, sau khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc tới 2 thập kỷ?

Lễ mai táng trên biển các thủy thủ tàu K-129


Do phía Mỹ sớm xác định được vị trí tàu đắm dựa vào hệ thống giám sát âm thanh và đưa một chiếc tàu ngầm xuống chụp rất nhiều ảnh xác con tàu đắm, nên đây là cơ hội có một không hai của CIA là lần đầu tiên có thể xem xét kỹ lưỡng tại chỗ những công nghệ tàu ngầm Liên Xô, cũng như những tên lửa hạt nhân hiện đại nhất khi đó. Những tin tức tình báo mà CIA thu lượm được đằng sau bức rèm sắt vốn rất khiêm tốn; ngược lại, họ lại hay bị cung cấp thông tin giả để đánh lạc hướng. Giờ đây, họ có khả năng thu được những tin tức quý giá ở dưới đáy Thái Bình Dương, kể cả ở độ sâu 5.000 mét. Họ có cơ hội nghiên cứu công nghệ tàu ngầm Liên Xô, thu được hệ thống mật mã và khóa mật mã của Liên Xô, cũng như lần đầu tiên có được những quả tên lửa hạt nhân của Liên Xô, những thứ mà người ta không thể tới gần trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Các điệp viên CIA tại Langley hy vọng đây sẽ là một thành tích ngoạn mục của mình.

Trong những năm 1960, tàu ngầm có ý nghĩa chiến lược quyết định với tư cách là bệ phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân cơ động. Mặc dù năm 1962, người ta còn đánh giá là mối đe dọa trực tiếp, khi Mỹ triển khai tên lửa ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Liên Xô và Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba, nhưng hoạt cảnh về mối đe dọa này đã lỗi thời từ lâu, vì tàu ngầm có thể đi khắp nơi và phóng tên lửa hạt nhân ở bất kỳ chỗ nào.

Trong nhiều năm trời, CIA đã thảo luận với Nhà Trắng về khả năng và kế hoạch trục vớt chiếc tàu ngầm K-129. Vào thời điểm mà Mỹ muốn đưa người lên Mặt Trăng thì ở Oasinhtơn, người ta không biết tới khái niệm "bất khả thi". Cho dù dự án này chỉ hứa hẹn ít thành công và chi phí sẽ rất lớn, nhưng cuối cùng, đích thân Tổng thống Nixon đã quyết định thực hiện chiến dịch đầy tham vọng này.

Do dự án này cần nhiều người tham gia và quy mô lớn như vậy nên không thể giữ kín, vì vậy cần tìm ra một cớ để che giấu sứ mạng thực sự và giải thích được những hoạt động bên ngoài dễ thấy. Để ngụy trang cho hoạt động dưới đáy biển, có thể viện cớ khoan thăm dò dầu mỏ hoặc sứ mạng nghiên cứu khoa học, như tàu Glomar Challenger đã tiến hành. Chiếc tàu khoan thuộc tập đoàn của nhà tỉ phú Howard Hughes có khả năng khoan sâu tới 7 km. Tuy nhiên, CIA cần tới một chiếc tàu chuyên dụng lớn hơn và cũng có khoang chứa hàng lớn hơn.

Vì Hughes ngay từ Thế Chiến II đã sản xuất cho Lầu Năm góc và cung cấp các cơ sở của mình làm căn cứ cho các hoạt động bí mật của CIA, nên người ta đã thuyết phục được nhà tỉ phú này làm đối tác đáng tin cậy cho việc ngụy trang.

Cũng không rõ CIA nói thật cho Hughes biết tới mức nào, nhưng dư luận thì được cho biết là với một chiếc tàu mới, Hughes muốn nghiên cứu về khả năng khai thác và sử dụng lớp mangan phủ ở đáy biển.

Vũ Long (Tổng hợp theo truyền hình và báo chí Đức)

Đón đọc kỳ IV: Những kẻ cướp mộ hiện đại

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN