Hôm 11/11, tờ Washington Post (Mỹ) và Tạp chí Der Spiegel (Đức) đã tung ra bằng chứng cho rằng Ukraine có liên quan đến vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream I và II ở biển Baltic. Hai tờ báo này cũng tuyên bố đã xác định được danh tính của chủ mưu Ukraine đứng sau vụ nổ nghiêm trọng trên.
Một số nguồn tin – gồm cả người Ukraine và các nhóm chuyên gia tình báo quốc tế có liên quan đến vụ việc – cho hay ông Roman Chervinsky, điệp viên kỳ cựu người Ukraine, đã điều phối nhóm sáu người phá hoại bị tình nghi thực hiện các vụ nổ gần đường ống Nord Stream vào ngày 26/9/2022.
Theo đó, Đại tá Roman Chervinsky, chuyên gia 48 tuổi, đã quản lý hậu cần và hỗ trợ một nhóm 6 người dùng giấy tờ giả để thuê tàu và sử dụng thiết bị lặn để đặt thuốc nổ lên đường ống Nord Stream.
Tờ báo cho rằng ông Chervinsky nhận lệnh từ các quan chức cấp trên, những người sau đó đã báo cáo với Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valery Zaluzhny.
“Vai trò của ông Chervinsky là bằng chứng trực tiếp nhất cho đến lúc này cho thấy đội ngũ lãnh đạo an ninh và quân đội Ukraine có liên quan đến vụ phá hoại đường ống Nord Stream tháng 9/2022”, theo tờ Washington Post.
Ông Chervinsky là nhân vật gây tranh cãi, ngay cả trước khi tên ông xuất hiện trong vụ nổ đường ống Nord Stream. Ông Chervinsky đã bị giam ở Kiev kể từ tháng 4/2023 để chờ xét xử vì liên quan đến hoạt động có mức độ rủi ro cao.
Mùa hè năm 2022, ông Chervinsky bị cáo buộc cố gắng dụ phi công Nga đào ngũ sang Ukraine, nhưng phi công này rất trung thành với Moskva. Thay vì bay đến Ukraine như đã hứa, phi công này đã cung cấp tọa độ một sân bay quân sự của Ukraine cho người Nga, khiến vị trí bị tập kích. Vào thời điểm đó, ông Chervinsky đã gia nhập một đơn vị đặc nhiệm của quân đội Ukraine, đảm nhiệm các hoạt động tình báo và phá hoại.
Thất bại của ông Chervinsky đã khiến chính quyền Kiev thận trọng hơn với điệp viên này. Ukraine cho rằng ông Chervinsky đã tự ý hành động và hành động vượt quá đặc quyền. Kể từ đó, ông Chervinsky bị một số người Ukraine coi là “liều lĩnh”, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Tờ Washington Post và Der Spiegel đã liên hệ với chuyên gia 48 tuổi này để yêu cầu bình luận về các thông tin trên. Tuy nhiên, phát biểu thông qua các luật sư, ông Chervinsky đã bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng Nga gán cho ông tội phá hoại đường ống Nord Stream.
“Mọi đồn đoán cho rằng tôi liên quan vụ phá hoại Nord Stream đang được Nga lan truyền mà không có căn cứ”, ông cho biết.
Về phần mình, Kiev từ chối bình luận về những tiết lộ do hai cơ quan truyền thông phương Tây đăng tải.
Theo ông theo Jeff Hawn - chuyên gia về các vấn đề an ninh Nga, thành viên không thường trực tại Viện Chiến lược và Chính sách New Lines - cho biết: “Những diễn biến mới này là lời nhắc nhở rằng đằng sau cuộc chiến đang diễn ra trên chiến hào Ukraine, cuộc chiến bóng tối cũng đang nhen nhóm giữa các cơ quan tình báo của các quốc gia. Hành động của họ có tác động chiến lược đến tiến trình của cuộc xung đột”.
Ông Hawn cũng nhận định cơ quan tình báo Ukraine dường như đã đạt được nhiều tiến bộ sau khi Liên Xô sụp đổ.
“Trước năm 2014, cơ quan này hoạt động không hiệu quả. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) có nhiệm vụ do thám các đối thủ chính trị nhưng đã dính vào bê bối tham nhũng”, ông Hawn nói và cho biết hai cơ quan tình báo chủ chốt của Ukraine gồm SBU, cơ quan phản gián của Bộ Nội vụ và Cơ quan tình báo quân đội Ukraine (GRU).
Đổi mới lớn trong thập kỷ qua là việc bổ sung cơ quan thứ ba vào hoạt động tình báo đang phát triển của Ukraine. Năm 2016, quân đội Ukraine đã thành lập cơ quan riêng là Lực lượng Tác chiến Đặc biệt (SSO), bao gồm các chiến binh tinh nhuệ.
Theo Der Spiegel, điệp viên Chervinsky có vai trò tương tự trong cả SUB và GUR trước khi gia nhập lực lượng đặc nhiệm.
Bà Jenny Mathers, chuyên gia về cơ quan tình báo Nga tại Đại học Aberystwyth ở Wales, nhận định kể từ khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, các hoạt động do đặc nhiệm Ukraine thực hiện đã cho thấy phương thức hoạt động lấy cảm hứng từ các phương pháp của phương Tây kết hợp với cách tiếp cận tự sát, gợi nhớ đến những gì đặc vụ của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) từng thực hiện để hoàn thành sứ mệnh.
Theo bà Mathers, hoạt động đáng ngạc nhiên nhất là vụ ám sát Daria Dugina, con gái của nhà triết gia nổi tiếng Nga Alexander Dugin hồi tháng 8/2022. Mỹ tin rằng vụ ám sát này do các đặc vụ Ukraine thực hiện. Về phần mình, Ukraine liên tục phủ nhận liên quan đến vụ giết người trên.
Bà cho rằng thoạt nhìn, các hành động phá hoại nhằm vào cầu Crimea và vụ ám sát chỉ huy tàu ngầm Nga Vladislav Rzhitsky vào tháng 7/2023, dường như phù hợp hơn với mục tiêu của cuộc chiến. Nhưng dường như, Ukraine đang phân chia nguồn lực giữa các mục tiêu rõ ràng để làm gián đoạn nỗ lực tác chiến của Nga.
“Các hoạt động này thiên về phô trương sức mạnh hơn, cho thấy Ukraine có thể tấn công gần vào bên trong lãnh thổ nước Nga. Đây có thể là trò chơi tâm lý với Nga”, bà Mathers nói.
Vị chuyên gia này nhận định vụ phá hoại đường ống Nord Stream cũng có thể được thực hiện theo logic tương tự: chứng minh rằng các cơ quan mật vụ Ukraine có thể tấn công vào lợi ích của Nga, bất kể ở đâu.
Theo bà Mathers, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của tất cả các hoạt động này đối với diễn biến của cuộc xung đột. Nhưng ngay cả khi không mang tính quyết định, các hoạt động này giống như một chiếc xe tăng chọc thủng tuyến phòng thủ, nó sẽ có tác dụng chiến lược tới cuộc xung đột
Còn chuyên gia Hawn cho hay: “Các điệp viên của Ukraine thường xuyên gây phiền phức cho người Nga, không bao giờ để họ quên rằng có một cuộc chiến khác cũng đang diễn ra ở xa tiền tuyến”.