Theo đài RT, Gudovac là một trong những ngôi làng ở đồng bằng Slavonian, cách thủ đô Zagreb của Croatia khoảng 80 km. Cuối ngôi làng về phía đông là các khu hội chợ, nơi người dân địa phương mang gia súc và sản phẩm đến buôn bán. Vào buổi chiều 28/4/1941, khu vực này sẽ trở thành một cánh đồng giết chóc.
Vụ thảm sát gần 200 người Serb ở Gudovac, bị bắt từ 10 ngôi làng gần đó, mở đầu chiến dịch giết người hàng loạt của Ustasha (phát xít Croatia). Về sau, Ustasha không dùng súng đạn, mà dùng các dụng cụ như búa, rìu, dao, kiếm để giết nạn nhân như gia súc. Các trại diệt chủng ở Jadovno, Pag và sau này là khu phức hợp Jasenovac sẽ trở thành những cái tên khét tiếng và kinh hoàng
Vào ngày 6/4, phe Trục do Đức Quốc xã dẫn đầu đã xâm lược Vương quốc Nam Tư, nơi mà chính phủ nhiếp chính yếu kém đã ký Hiệp ước ba bên với Berlin chỉ vài ngày trước đó, rồi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Adolf Hitler thề sẽ xóa sổ Nam Tư khỏi bản đồ, một phần vì người Serb chiếm đa số dân chúng đã làm bẽ mặt Áo-Hungary trong cuộc chiến tranh thế giới trước đó và dẫn tới tan rã vào năm 1918.
Chỉ bốn ngày sau cuộc xâm lược, những người ly khai Croatia được gọi là Ustasha đã tuyên bố Nhà nước độc lập Croatia. Chế độ Ustasha đã công khai mục tiêu đối với người Serb: cải đạo một phần ba, trục xuất một phần ba và giết những người còn lại.
Ông Jonathan Steinberg, cố giáo sư về lịch sử châu Âu hiện đại tại Đại học Pennsylvania, đã mô tả rằng vụ Nhà nước Độc lập Croatia giết hại người Serb là cuộc diệt chủng sớm nhất được thực hiện trong Thế chiến thứ hai.
Trong vòng vài ngày sau khi Nhà nước Độc lập Croatia được thành lập, các cuộc tàn sát người Serb và người Do Thái đã bắt đầu. Tuy nhiên, vụ thảm sát ở Gudovac là khởi đầu của một điều gì đó khác biệt: một chiến dịch bắt giữ và hành quyết hàng loạt có tổ chức.
Việc Ustasha vây bắt và hành quyết những người Serb địa phương tại khu hội chợ Gudovac là một sự thật không thể bàn cãi. Vai trò của Eugen “Dido” Kvaternik, một tướng cao cấp của Ustasha, vẫn chỉ là phỏng đoán. Được biết, ông này đã ở Gudovac vào ngày 28/4/1941. Sự hiện diện của Kvaternik cho thấy rằng chính phủ Ustasha ở Zagreb đã trực tiếp tham gia các sự kiện ngày đó. Một ngày sau, Kvaternik đến Grubisno Polje gần đó, nơi ông ta đích thân giám sát vụ bắt giữ hàng loạt khoảng 500 người Serb và sau đó họ bị giết hại.
Tuy nhiên, không có tài liệu nào chứng minh rằng chính Kvaternik đã đưa ra mệnh lệnh cuối cùng để thực hiện vụ thảm sát ở Gudovac. Thay vào đó, trách nhiệm được quy cho ủy viên quận Josip Verhas và cảnh sát trưởng Bjelovar Aloysius Chukman, cũng như người đứng đầu lực lượng Bảo vệ Nông dân Croatia ở Gudovac là Martin Cikos.
Vào tối 27/4, ai đó đã bắn vào hai người thuộc lực lượng Bảo vệ Nông dân Croatia khi họ đang áp giải một người Serb. Một trong hai đã thiệt mạng, người còn lại bị thương. Người Serb bị áp giải cũng thiệt mạng. Không ai biết ai chịu trách nhiệm cho vụ nổ súng này.
Sau khi nhận được tin về vụ việc, Verhas và Chukman đã lái xe ra khỏi Bjelovar gần đó trong đêm. Họ chất vấn Cikos và buộc tội ông ta say xỉn trong khi người của ông ta đang bị giết. Cikos thực sự đã đi uống rượu vào buổi tối hôm đó và đi với một người Serb địa phương. Để chứng minh lòng trung thành, Cikos đã quay trở lại nhà của người đàn ông mình vừa uống rượu cùng và bắn người này. Sau đó, cuộc vây bắt dân làng bắt đầu.
Trong đêm, thêm 10 người Serb ở Gudovac và Stare Plavnice bị giết. Hầu hết những người đàn ông Serb trưởng thành ở Gudovac đã bị vây bắt vào trưa 28/4, sau đó lực lượng Bảo vệ Nông dân Croatia và Ustasha bắt đầu vây bắt dân ở các làng lân cận khác: Veliko Korenovo, Malo Korenovo, Klokocevac, Prgomelje, Tuk, Rajic. Ở Stancici, Breza và Bolc, chỉ những người Serb nổi bật mới bị đưa đi, còn ở những nơi khác, các vụ bắt giữ tràn lan hơn.
Vào cuối buổi chiều 28/4, khoảng 70 thành viên Ustasha và các thành viên Bảo vệ Nông dân Croatia đã đưa những người bị bắt đến khu vực hội chợ và bắn họ. Hầu hết những người bị thương đều bị kết liễu bằng dao. Ba người đàn ông sống sót đã được đưa đến bệnh viện vào ngày hôm sau. Không ai biết số phận họ ra sao. Chỉ có hai người đàn ông trốn thoát mà không hề hấn gì: Ilija Jaric ở làng Veliko Korenovo và Milan Margetic ở làng Rajic.
Sau khi hành quyết, Ustasha cho những người dân làng còn sống sót đào một ngôi mộ tập thể và chôn người chết, đổ vôi sống lên xác chết. Tuy nhiên, chúng không thèm che giấu hành động của mình và Kvaternik tiếp tục vây bắt thêm nhiều người Serb vào ngay ngày hôm sau.
Trong khi đó, bốn phụ nữ Serb từ Stare Plavnice đến thăm một nhà buôn ở Bjelovar. Người này có chị gái làm phiên dịch cho chỉ huy đồn Đức. Marta Omchikus đã chuyển thông điệp của họ đến chỉ huy Đức. Chỉ huy Đức đã đến địa điểm này vào ngày 29/4, và binh lính Đức đã được triển khai ở đó ngay ngày hôm sau, bắt đầu công việc khai quật.
Từ ngày 30/4 đến ngày 5/5, khoảng 177 thi thể đã được người Đức khai quật và chụp ảnh. Mặc dù vậy, 11 người Serb bị giết vào đêm trước vụ hành quyết đã được chôn cất ở nơi khác.
Người Đức sau đó đã bắt giữ 40 người thuộc Ustasha và dân quân đã thực hiện vụ thảm sát. Tuy nhiên, tại thời điểm này, Bộ trưởng Nội vụ Ustasha, Mladen Lorkovic đã can thiệp để họ được thả, đồng thời hứa với Đại sứ Đức tại Zagreb Siegfried Kasche rằng vụ việc sẽ được điều tra. Tuy nhiên, không bao giờ có cuộc điều tra nào cả.
Thay vào đó, Ustasha bắt đầu vây ráp và hành quyết nhiều người Serb hơn nữa trong những tuần, tháng và năm sau đó. Vào tháng 2/1942, một trung đội của Ustasha đã tàn sát 2.300 người ở ba ngôi làng bên ngoài Banja Luka mà không bắn một phát súng nào.
Theo các nhà sử học Croatia hiện đại, rằng 350.000 người Serb có thể đã bị giết hại.
Người ta dựng một lăng mộ và một thánh địa cho các nạn nhân ở Gudovac tại hội chợ vào năm 1955, cùng với một bức tượng người đàn ông được gọi là Bjelovarac. Cả hai đều bị phá hủy vào năm 1991, khi Croatia một lần nữa tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Tác phẩm điêu khắc được khôi phục, nhưng lăng mộ thì không.
Mặc dù bằng chứng về vụ thảm sát Gudovac bị tiêu hủy ở Croatia, nhưng các nhà chức trách ở Serbia đã tìm cách khôi phục một phần hoàn toàn nhờ may mắn. Năm 2008, Cơ quan lưu trữ Vojvodina (tỉnh phía bắc Serbia), đã nhận được 7 hộp tài liệu cá nhân từ Slavko Odic, một cựu chiến binh Thế chiến II, nhà ngoại giao Nam Tư và là quan chức an ninh. Hộp có một tập tài liệu khoảng 600 trang, có tiêu đề “Sự tàn bạo của Ustasha ở NDH”, chủ yếu bao gồm các báo cáo tình báo của Đức từ năm 1941 và 1942.
Có một bức thư của bộ chỉ huy quân sự Đức ở Serbia gửi cho Đại sứ quán Đức ở Zagreb, ngày 25/6/1941. Bức thư đề cập đến 14 bức ảnh do Bộ Nội vụ Serbia gửi, cho thấy cảnh Ustasha sát hại người Serb trong vụ làng Gudovac gần Bjelovar.
Phải đến tháng 5/2019, các bức ảnh và danh sách đầy đủ về tên của những người đã chết Gudovac mới được Cơ quan lưu trữ Vojvodina công bố. Vào thời điểm đó, Croatia đã gia nhập EU và NATO.