Trong chương trình 60 Minutes của kênh CBS, cựu chính trị gia 48 tuổi đã dốc bầu tâm sự về gia đình trước khi cuốn hồi ký lên kệ. Cuốn sách mang tên “A Common Struggle: A Personal Journey Through the Past and Future of Mental Illness and Addiction” (Cuộc đấu tranh chung: Hành trình từ quá khứ tới tương lai của chứng tâm thần và nghiện rượu).
Cả nhà cùng say
Ông Patrick cho biết mẹ ông, bà Joan, là một người nghiện rượu. Bà thường đi đi lại lại trong cơn chuếnh choáng vào ban ngày. Còn cha ông, Ted Kennedy - em trai Tổng thống John Kennedy bị ám sát - thường tự “điều trị” các vấn đề của mình bằng rượu.
Bìa cuốn sách của ông Patrick Kennedy |
Đối với gia đình Ted Kennedy, những bữa tiệc tùng được tổ chức liên miên mà Patrick tham gia từ khi chỉ là một đứa trẻ không phải là vì niềm vui mà là một cách để gia đình giải tỏa nỗi đau. Theo ông Patrick, chính thói nghiện rượu đã giết chết cả cha, mẹ và em gái ông.
Từ khi còn nhỏ, Patrick đã lớn lên với nỗi xấu hổ khi chứng kiến cảnh mẹ vật vã với các vấn đề về rượu. Ông nói: “Điều đó thật căng thẳng. Mẹ tôi rõ ràng lúc nào cũng say và bị ảnh hưởng bởi cơn say. Bà đi loanh quanh giữa ban ngày trong bộ áo choàng tắm. Và điều ngạc nhiên là ở đây các nghị sĩ hàng đầu ra vào nườm nượp, nhìn thấy cảnh đó và không ai nói lời nào. Người ta nhiễm bệnh im lặng và điều đó làm bạn mệt mỏi tận tâm hồn”.
Về phần ông Ted, ông quay sang rượu khi chật vật trong cuộc chiến với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý kể từ khi hai anh trai John và Robert Kennedy lần lượt chết trong 5 năm. Khi ông John Kennedy bị ám sát, trời đất như sụp đổ với người em trai. Đối với ông Ted, chuỗi ngày rực rỡ nhất là khi ông còn anh trai. Khi anh trai không còn, ông cảm thấy mọi việc đã kết thúc.
Mặc dù tại thời điểm đó, Patrick mới một tuổi nhưng cậu bé vẫn cảm nhận được mối liên hệ với bác John khi chứng kiến phản ứng của cha. Thời gian dần trôi, cả gia đình Patrick như biến thành xác sống vì không ai nói với nhau về những vấn đề họ gặp phải. Cái chết của ông John Kennedy vẫn mang lại cảm xúc nguyên vẹn như vừa mới xảy ra và dường như cảm xúc ấy không được một thành viên nào trong gia đình ông Ted Kennedy “chế biến”. Ông Patrick kể lại: “Chúng tôi sống trên mảnh đất bấp bênh, nơi mà mọi sự hỗn độn, xáo trộn cảm xúc đang diễn ra. Và chúng tôi chỉ biết sống với nó”.
Tiêu tan tiền đồ chính trịThói quen uống rượu của ông Ted trở nên mất kiểm soát đến mức năm 1991, các con ông buộc phải can thiệp dù không thành công. Ba đứa con đã trưởng thành của ông gồm Teddy, Kara và Patrick gần như quỳ xuống van xin: “Bố, chúng con lo ngại, chúng con lo lắng về bố và chúng con nghĩ là bố đang uống quá nhiều. Bố cần hỗ trợ. Điều đó đang ảnh hưởng đến chúng con. Điều đó ảnh hưởng tới gia đình”. Rồi tất cả cùng khóc. Trong khi đó, ông Ted mắt vẫn ráo hoảnh và giận dữ. Ông phản ứng trái ngược với những gì ba đứa con mong chờ.
Ted Kennedy và con trai Patrick năm 1979. |
Ông đứng dậy khỏi chiếc ghế, mở cửa phòng và ra ngoài. Ông nghĩ rằng các con sẽ bỏ rơi ông khi ông cảm thấy dễ bị tổn thương nhất thế giới và các con cho rằng ông không còn xứng làm cha, làm thượng nghị sĩ. Đối với ông Ted, các con đã đột nhiên trở thành một phần của dàn hợp xướng chỉ trích ông, cô lập ông và làm cho cuộc sống của ông khốn khổ hơn. Sau đó, ông Ted viết cho Patrick một lá thư nói rằng lúc này đừng có nghĩ đến chuyện thăm ông. Đối với ông, các con không có quyền chất vấn ông.
Ảnh hưởng của rượu tới sự nghiệp chính trị của ông Ted trở nên rõ ràng hơn năm 1991. Khi ấy, ông đi uống rượu ở Palm Beach với con trai Patrick và cháu trai William K. Smith. Trong lần đó, Smith bị cáo buộc hành vi cưỡng hiếp. Mặc dù cháu trai được xử trắng án nhưng ông Ted cho biết sự việc đã khiến ông không thể mở lời phản đối việc bổ nhiệm Clarence Thomas - một người bị cáo buộc tội quấy rối tình dục - vào vị trí thẩm phán trong Tòa án Tối cao cuối năm đó.
Trong sự nghiệp chính trị, ông Ted vốn được coi là một ứng cử viên tổng thống tiềm năng, có thể trở thành một người nhà Kennedy tiếp theo đặt chân vào Nhà Trắng. Thế nhưng, tham vọng đó đã bị rượu đặt dấu chấm hết. Ông vướng vào một vụ bê bối ở đảo Chappaquiddick, bang Massachusetts năm 1969. Trong vụ đó, ông lái xe chở một phụ tá trẻ tên Mary Jo Kopechne rời đảo sau một bữa tiệc và lao cả ô tô qua lan can cây cầu nhỏ xuống biển. Ông bơi vào bờ và 9 tiếng sau mới báo cảnh sát về vụ tai nạn, bỏ mặc Kopechne chết đuối. Dù có dính hơi men hay không thì vụ bê bối đã khiến uy tín của ông Ted suy giảm đáng kể, làm tiêu tan giấc mộng thành Tổng thống Mỹ.
Vết xe đổ của chaĐiều đáng buồn là bản thân ông Patrick cũng không thể thoát khỏi vết xe đổ của bố. Ông Patrick cho biết khi vấn đề của gia đình trầm trọng hơn, ông đã không thể tìm kiếm sự giúp đỡ hay nói chuyện với ai. Ông cho biết mình bị ràng buộc bởi quy tắc của gia đình là không nói bất kỳ điều gì vì đó là không trung thành. Để đối phó với căng thẳng không được giải tỏa, ông Patrick buộc phải tìm đến rượu. Cậu bé Patrick khi đó mới 13 tuổi và cũng không ai nói gì, làm gì vì uống rượu là chuyện quá bình thường.
Ông Patrick đã lên mặt báo vài lần vì rượu. Khi ông được bầu vào quốc hội năm 1994, ông không chỉ chật vật với rượu mà còn với bất ổn về tinh thần, cụ thể là chứng hay lo lắng, trầm cảm và rối loạn lưỡng cực. Ông uống rượu và lén lút uống thuốc trong văn phòng. Trên chiếc Không lực Một chở Tổng thống Bill Clinton, ông Patrick đã say khướt đến mức dành phần lớn chuyến bay để nôn thốc nôn tháo trong nhà vệ sinh.
Năm 2006, ông Patrick nhập viện để chữa chứng nghiện rượu và thuốc Oxycontin sau khi lao ô tô vào rào chắn an ninh ngoài quốc hội. Ông đã mất nhiều năm để cân bằng vai trò là một chính khách trong tình trạng nghiện rượu.
Sau 16 năm làm nghị sĩ, ông đã rời Hạ viện năm 2010 và bắt đầu chiến dịch cai rượu cứng rắn nhất. Đến nay, ông vẫn không uống rượu trở lại, luôn thẳng thắn về cuộc chiến với thói nghiện rượu và nhiều năm ủng hộ các quỹ từ thiện giúp cai rượu.