Cuốn nhật ký lột trần bí mật nhà tù Guantanamo-Kỳ 2

HÀNH TRÌNH TỚI NHÀ TÙ

Slahi sinh năm 1970 ở Rosso, thành phố lớn thứ hai Mauritana, nằm ở biên giới phía nam với Senegal. Anh là con thứ 9 trong một gia đình 12 con. Bố anh làm nghề chăn lạc đà và bò, qua đời khi anh mới 13 tuổi. Gia đình Slahi sau đó dọn đến thủ đô Nouakchott.

Cuốn nhật ký tiết lộ nhiều bí mật về nhà tù Guantanamo.


Em trai Slahi là Yahdih kể lại rằng Slahi từng gom 6 anh em trong nhà để thành lập một đội bóng và dùng tên các cầu thủ Đức đặt tên cho từng người, nào là Rudi Voller hay Karl-Heinz Rummenigge. Slahi cũng làm hẳn một rạp chiếu phim tự chế nhỏ sau khi đọc về rạp chiếu phim trong tạp chí. Slahi muốn các anh em của mình biết thế nào là rạp chiếu phim khi mà Mauritania không hề có.

Slahi là một học sinh xuất sắc ngoại lệ. Năm 1988, anh giành học bổng và sang học tại Đức, lấy bằng cử nhân kỹ sư tại trường Đại học Duisburg. Anh ổn định cuộc sống tại thành phố Duisburg rồi kết hôn với một cô gái đến từ Mauritania.

Năm 1991, Slahi tới Afghanistan và trải qua khóa huấn luyện quân sự ở một trại gần Kandahar. Anh kể lại: “Khi tôi huấn luyện, tôi buồn chán rồi tôi thề trung thành với al-Qaeda”. Lúc đó, al-Qaeda là một trong những phe phái đối lập với chính phủ Afghanistan. Slahi được al-Qaeda điều ra tiền tuyến chiến đấu chống lại chính phủ Afghanistan. Anh hầu như không nã một viên đạn nào. Cần lưu ý là lúc đó Mỹ cũng phản đối chính quyền Afghanistan và al-Qaeda thời đó khác với bây giờ.

Khi quay lại Đức, Slahi làm kỹ sư điện và ở lại nước này 7 năm sau đó. Anh cũng sống và làm việc trong một thời gian ngắn ở Montreal (Canada) và tại đây, anh được mời tới thánh đường Hồi giáo trong thành phố để hướng dẫn mọi người cầu nguyện vì anh thuộc lòng kinh Koran.

Slahi khai mình đã đoạn tuyệt lòng trung thành với al-Qaeda năm 1992. Anh cũng bác bỏ cáo buộc là người tuyển mộ cho al-Qaeda khi sống ở Đức và Canada, đồng thời nói rằng mình không liên quan tới âm mưu đánh bom sân bay Los Angeles vào đêm giao thừa năm 1999.

Dù vậy, Slahi không bao giờ thoát được mối liên hệ với al-Qaeda và vẫn liên lạc với một số thành viên nhóm này, trong đó có một người anh em họ - người từng được coi là cố vấn tinh thần cho trùm khủng bố Osama bin Laden. Rồi tháng 10/1999 ở Đức, Slahi gặp 2 trong số những kẻ cướp máy bay gây ra vụ khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ là Marwan al-Shehhi và Ziad Jarrah, và gặp cả một người bị cáo buộc hỗ trợ vụ khủng bố là Ramzi bin al-Shibh.

Nỗ lực truy tố Slahi trước ủy ban quân sự bất thành khi một thành viên nhóm công tố viên từ chối tham gia. Đó là trung tá Stuart Couch, bạn của Mike Horrocks - cơ phó chuyến bay bị khủng bố cướp rồi đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Khi ở Guantanamo, Couch biết rõ những lời khai của Slahi đều là kết quả của tra tấn. Về sau, một quan tòa Mỹ kết luận rằng vụ chống lại Slahi quá nhiều điểm yếu, không đủ bằng chứng kết luận anh là khủng bố và khó có thể truy tố hình sự anh thành công.

Một tù nhân ở Guantanamo bị đưa đi thẩm vấn năm 2002.


Cuốn nhật ký được xuất bản không lâu sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo gây sốc về các chương trình tra tấn tù nhân của CIA, và được công bố trong thời điểm phe Cộng hòa tăng cường ngăn chặn Tổng thống Barack Obama hoàn thành lời hứa đóng cửa nhà tù Guantanamo trong năm 2015. Mới đây, thêm 5 tù nhân rời Cuba tới Oman và Estonia. Nhà tù hiện còn 122 tù nhân, trong đó có Slahi.

Luật sư của Slahi, bà Nancy Hollander, nói: “Slahi chưa bao giờ bị cáo buộc điều gì. Đó là chưa nói đến chuyện chính phủ không tìm thấy bằng chứng nào chống lại anh. Anh đang ở trong tình trạng pháp lý lấp lửng kinh hoàng và bi kịch. Anh cần phải về nhà”. Nói về quyển nhật ký, bà Nancy cho rằng đó là cuốn sách mà mọi người đều nên đọc để có thể cảm nhận, ngửi, nếm những đòn tra tấn mà Slahi từng chịu đựng.

Nhà xuất bản Canongate cho biết cuốn nhật ký là một trong những cuốn sách quan trọng nhất mà mình từng xuất bản, coi Slahi là một nhà văn thực sự có tài bẩm sinh. Nhiều nhà xuất bản quốc tế khác cũng hi vọng việc họ xuất bản câu chuyện của Slahi sẽ góp phần chấm dứt chuỗi năm tháng tù đày, chịu đựng tra tấn của tù nhân này.

Nhưng làm thế nào mà một cuốn nhật ký viết tay của một nghi can khủng bố ở Guantanamo có thể đến được tay bạn đọc, rồi trở thành cuốn sách bán chạy trên Amazon? Hãy cùng khám phá hành trình gian nan từ nhà tù Guantanamo tới Amazon của những trang nhật ký.   

Đón đọc kỳ cuối: Từ Guantanamo tới Amazon


Thùy Dương

Cuốn nhật ký lột trần bí mật nhà tù Guantanamo - Kỳ cuối
Cuốn nhật ký lột trần bí mật nhà tù Guantanamo - Kỳ cuối

Suốt hơn 6 năm trời, các luật sư của Slahi đã đàm phán, kiện tụng không mệt mỏi để yêu cầu quyền công bố cuốn nhật ký ra công chúng. Cuối cùng, bản thảo của Slahi cũng được ra ánh sáng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN