Ra đời từ một tiệm bán hàng tạp hóa giá rẻ, chỉ trong một thời gian ngắn Wal-Mart đã trở thành dây chuyền siêu thị lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện thành công của một doanh nghiệp đầy sáng tạo trong kinh doanh là một cung cách làm ăn được cho là “làm giàu lén lút” của Wal-Mart.
Kỳ II: Đế chế toàn cầu
Nhờ bán hàng giá rẻ, “đế chế” Wal-Mart nở rộ như nấm sau mưa. Đầu năm 1990, Wal-Mart bắt đầu đưa các mặt hàng thực phẩm vào bán chung với các hàng hóa tiêu dùng khác. Mô hình này đòi hỏi phải có những cửa hàng siêu lớn mà Wal-Mart gọi là “supercenter” (đại siêu thị), cho phép khách hàng mua mọi thứ họ cần, từ đồ ăn vặt tới đồ giải trí. Liên tục trong vòng 10 năm tính đến năm 2000, trung bình mỗi tháng Wal-Mart khai trương 7 đại siêu thị như vậy. Chỉ hai năm sau, tập đoàn này đã vươn lên vị trí số 1 trong danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ của Fobes, với doanh thu 218,9 tỷ USD mỗi năm.
Asda - dây chuyền siêu thị của Wal-Mart tại Anh. |
Chưa bao giờ Wal-Mart thỏa mãn với những gì mình làm được. Trong 12 tháng tính đến tháng 1/2009, Wal-Mart đã bỏ ra 4,1 tỷ USD để mở thêm nhiều siêu thị trên toàn cầu, và dự tính sẽ tiêu thêm 4,4 tỷ USD nữa trong năm tài chính hiện nay cho mục đích bành trướng địa bàn. Số tiền đầu tư này chưa tính đến các thương vụ mua lại, tức thôn tính các đối thủ không đủ sức tồn tại. Người ta từng nhắc đến nhiều câu chuyện nói về việc ở nơi nào Wal-Mart đặt chân tới, ở đó có cửa hàng bán lẻ phải treo biển ngừng hoạt động hoặc co cụm lại. Trong danh sách các nạn nhân của Wal-Mart có cả những tên tuổi tầm cỡ như Winn-dixie, chuỗi cửa hàng trị giá 11 tỷ USD phải đóng cửa năm 2005.
Quan điểm của Wal-Mart là không kinh doanh nửa vời. Tập đoàn này sẽ chỉ đặt chân vào nơi mà nó biết chắc sẽ chiếm một trong những vị trí cao nhất. Giám đốc Tài chính Wan Ling Martello từng nói đại ý “Chúng tôi buộc phải nằm trong top 3 nếu không việc đặt chân vào một thị trường sẽ chẳng có ý nghĩa gì nữa”. Thị trường nước ngoài lớn nhất của Wal-Mart hiện nay là Mêhicô với 1.322 cửa hàng, tiếp đến là Braxin 373, Nhật Bản 371, Anh 3, Canađa 313 và Cuba 266. Mới đây, Wal-Mart vừa mua lại dây chuyền 2 cửa hàng ở Chilê. Nga và Ấn Độ đang là những mục tiêu tiếp theo của "đế chế" này.
Trong những thập kỷ đầu tiên hồi mới phát triển, cách mở rộng mạng lưới của Wal-Mart đơn giản chỉ là nhân bản các cửa hàng giá rẻ ra những địa điểm mới nằm xa khu vực đắt đỏ. Thời gian đầu cách làm này rất hiệu quả, song sau này Wal-Mart đã nhiều lần thất bại khi mở rộng mạng lưới ở các quốc gia khác. Khách hàng mỗi nơi có một tập quán sinh hoạt khác nhau, từ đi lại tới mô hình gia đình và điều đó ảnh hưởng tới thói quen mua sắm. Các siêu thị của Wal-Mart sau một thời gian khai trương ở Đức và Hàn Quốc đã bị sa lầy, thua lỗ nặng và phải rút khỏi thị trường vào năm 2006.
Wal-Mart xoay sang cách tiếp cận mới. Thay vì mở các siêu thị đồ sộ, tập đoàn này lập ra các cửa hàng quy mô nhỏ, giống như các cửa hàng tạp hóa hộ gia đình. Hàng hóa bán ra được lựa chọn sao cho phù hợp với tập quán tiêu dùng của địa phương. Chẳng hạn, các cửa hàng ở Trung Quốc bán đồ ăn kiểu Trung Quốc, cửa hàng ở Braxin bán nhiều đồ của Braxin. Tuy nhiên, toàn bộ khâu quản lý hậu cần được áp dụng theo mô hình kiểu Mỹ. Mitch Slape, Trưởng ban Phát triển Quốc tế của Wal-Mart, nói: “Dưới con mắt khách hàng, siêu thị của Wal-Mart cũng như bao cửa hàng bình thường khác. Nhưng mọi thứ phía sau như hệ thống quản lý, chế biến, thu mua... chúng tôi có thể điều phối toàn cầu”.
Wal-Mart áp dụng cách tiếp cận mới một phần nhờ vào kinh nghiệm rút ra ở Anh, nơi tập đoàn này mua lại chuỗi siêu thị Asda cách đây 10 năm với giá gần 11 tỷ USD. Dây chuyền siêu thị này khá thành công, song Wal-Mart vẫn chưa hài lòng vì không mở rộng được nhiều. Vụ mua lại Safeway sau đó của Wal-Mart thì thất bại hoàn toàn do bị cơ quan chống độc quyền Anh bác bỏ vì quy hoạch phát triển ngặt nghèo ở Anh không khuyến khích mở siêu thị tràn lan.
Vũ Hội (Tổng hợp)