3. Cú hích từ cuộc gặp với Nikita Khrushchev
Tháng 5/1956, Nikolov đã bắc cầu để Hernu tham gia đoàn đại biểu Hội đồng Hòa
bình Thế giới sang thăm Liên Xô và bí mật gặp nhà lãnh đạo tối cao của Liên
bang Xô viết - ông Nikita Khrushchev. Đó là một cuộc gặp gỡ tương đối dài. Tới
tận 4 giờ sáng hôm sau, Hernu mới trở về nơi ở. Nhằm che đậy hành động bất bình
thường này, Hernu nói với trưởng đoàn rằng khi lên xe taxi thì bị gái đứng
đường lôi đi. Vào thời điểm đó, đây là chuyện thường xảy ra ở Mátxcơva, cho
nên, không ai nghi ngờ chuyện Hernu đi qua đêm.
Tàu Rainbow Warrior bị đánh đắm ở cảng Aucland dẫn tới việc Hernu phải từ chức. |
Tháng 11/1956, Nikolov bị triệu hồi về nước. Người thay thế Nikilov giữ liên
lạc với Hernu là Tham tán Đại sứ quán Liên Xô ở Pari, Vladimir Ivanovich
Erofeev. Nhằm tránh gây ra sự chú ý của cơ quan phản gián Pháp, ngoài việc chi
trả cho Hernu số tiền thù lao như đã định, Mátxcơva còn đồng ý theo định kỳ,
chuyển vào tài khoản bí mật của Hernu mở ở một ngân hàng Thụy Sĩ một số tiền
bồi dưỡng khác.
Tháng 7/1961, một tổ chức cánh hữu bí mật đã tổ chức ám sát Hernu. Lựu đạn nổ,
Hernu may mắn thoát chết. Nhưng từ đó Hernu được cảnh sát bảo vệ 24/24 giờ. Sự
kiện bất ngờ này đã dẫn tới một kết quả bất ngờ khác. Do đi lại bất tiện, Hernu
đã yêu cầu ngừng mọi hoạt động tiếp xúc với người Liên Xô, đồng thời cắt đứt
liên hệ với cơ quan tình báo Đông Âu.
Tuy nhiên, tục ngữ có câu “lên thuyền thì dễ, xuống thuyền rất khó”. Qua bao
năm chăm bẫm, cơ quan tình báo Đông Âu mới có được một “con cá bự” như Hernu,
nên không dễ dàng bỏ qua. Sau sự kiện bị ám sát hụt không lâu, Hernu “bất ngờ”
gặp Tham tán Đại sứ quán Rumani tại Pháp Mihail Caraman. Thân phận thật của
Caraman là cán bộ tình báo thuộc Cục An ninh Quốc gia Rumani.
Với ngoại hình ưa nhìn, lại được chau chuốt bởi vỏ bọc của nhà ngoại giao,
Caraman trông rất phong độ. Nhưng quan trọng hơn, Caraman là người rất có nghề,
đã lập được nhiều chiến công trong việc lôi kéo quan chức thuộc khối Hiệp ước
Bắc Đại Tây Dương (NATO) rời bỏ hàng ngũ làm việc cho Đông Âu. Sau cuộc gặp
này, Hernu đồng ý cung cấp tư liệu tổng hợp về tình hình các mặt của Pháp để
đổi lại những khoản thù lao hậu hĩnh. Mật danh mới của Hernu là “Dinou”.
Vào những năm 1960, cuộc đối đầu Đông - Tây càng trở nên quyết liệt. Các nước
thuộc phe Đông như Bungari hoặc Rumani tuy có lợi ích quốc gia riêng, nhưng
trong bối cảnh đối địch với phương Tây, đều phải phục tùng sự lãnh đạo của “anh
cả” Liên Xô. Thực trạng này càng thể hiện rõ trong lĩnh vực tình báo. Xem xét
những thông tin đầy giá trị mà Hernu cung cấp cho Cục An ninh Quốc gia Rumani,
KGB quyết định sẽ lại đích thân chỉ đạo Hernu, không thông qua cơ quan tình báo
các nước vệ tinh nữa.
Bắt đầu từ tháng 3/1963, Hernu nhận lệnh trực tiếp từ lãnh đạo tối cao của KGB.
Kể từ đó, cơ quan tình báo Bungari và Rumani không biết Hernu làm gì cho KGB và
mối quan hệ giữa Hernu và KGB kéo dài tới khi nào, có bị gián đoạn nay không và
mang lại kết quả gì. Bởi tất cả được KGB liệt vào hàng “tuyệt mật”. Ngay cả khi
Đông Âu tan vỡ, tài liệu mà cơ quan tình báo các nước vệ tinh của Liên Xô cung
cấp cho Pháp cũng không đề cập tới giai đoạn hoạt động gián điệp sau này của
Hernu. Nhưng dẫu thế nào, với thân phận là quan chức có thời gian dài nắm giữ
trọng trách trong chính phủ Pháp, nếu Hernu quả thực là gián điệp của KGB,
những tin tức mà Hernu cung cấp cho KGB chắc chắn vượt qua rất nhiều giá trị
tiền bạc mà KGB trả cho nhân vật này.
4. Lộ tẩy muộn màng
Về phần Cục An ninh Quốc gia Rumani, sau khi chuyển giao Hernu cho KGB, họ không
ngờ rằng sau này Hernu vươn lên tới chức Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, phụ trách
chính sách hạt nhân, chiến lược quốc phòng và chỉ đạo cơ quan tình báo quốc
phòng. Nhưng khi nhìn thấy thực tế đó, họ đã phản ứng rất nhanh chóng. Ngày
1/9/1982, Cục An ninh Quốc gia Rumani trình lên Tổng thống nước này, ông
Nicolae Ceauşescu, một bản báo cáo toàn diện về Hernu. Trong bản báo cáo của
mình, Cục An ninh Quốc gia Rumani kiến nghị phải có “phương pháp sử dụng”
Hernu.
Hiển nhiên, Cục An ninh Quốc gia Rumani muốn bắt liên lạc trở lại với Hernu để
lợi dụng cương vị Bộ trưởng Quốc phòng phục vụ công tác tình báo. Vấn đề là khi
đó Caraman, người trước đây đảm trách việc tiếp xúc với Hernu, đã qua đời. Cục
An ninh Quốc gia Rumani từng tính tới việc tiếp cận Hernu khi nhân vật này sang
Geneva (Thụy
Sĩ). Nhưng sau khi cân nhắc thấy kế hoạch này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cho
nên, Cục An ninh Quốc gia Rumani đã từ bỏ ý định trên.
Hồ sơ lưu trữ cẩn thận của cơ quan tình báo Đông Âu cho thấy, Hernu chí ít đã
làm gián điệp để lấy tiền công từ năm 1953 tới đầu những năm 1960. Cho dù cho
tới lúc chết, Hernu vẫn không bị cơ quan phản gián Pháp phát hiện, nhưng kho hồ
sơ của cơ quan tình báo Đông Âu vẫn lưu giữ hàng loạt biên lai về việc Hernu
nhận tiền từ họ. Các sĩ quan tình báo Đông Âu khi đó có thói quen yêu cầu điệp
viên được tuyển dụng phải viết biên lai khi nhận tiền. Đây không chỉ là nguyên
tắc tài chính, mà còn là “quân bài” họ sử dụng khi điệp viên có ý định “trở
mặt”. Tuy nhiên, nó cũng làm cho điệp viên lúc nào cũng có cảm giác như “kiếm
treo trên đầu”.
Ngày 10/7/1985, hai quả bom phát nổ trên tàu Rainbow Warrior của tổ chức Hòa
bình Xanh (Greenpeace). Khi đó, tàu Rainbow Warrior đang đậu ở cảng Aucland
thuộc Niu Dilân nhằm chống đối việc Pháp tiến hành thử nghiệm hạt nhân ở bờ
biển Nam Thái Bình Dương. Tình báo Pháp bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công làm
một nhà nhiếp ảnh Hà Lan gốc Bồ Đào Nha thiệt mạng. Làn sóng chỉ trích dấy lên
khắp thế giới. Với trách nhiệm là Bộ trưởng Quốc phòng, hai tháng sau, Hernu
buộc phải từ chức. Tháng 1/1990, Hernu qua đời trong một cơn đau tim bất ngờ
khi đang dự một cuộc míttinh quần chúng. Sáu năm sau, đồng minh chính trị và
bạn thân của Hernu, cựu Tổng thống Pháp Mitterrand cũng qua đời.
Hernu và Mitterrand thành người thiên cổ, tưởng chừng đã mang theo bí mật tầy
đình về nơi suối vàng, nhưng rốt cuộc lại bị hai phóng viên của tuần san
L’Express khui ra. Dẫu Par Dupuis Jérôme và Pontaut Jean - Marie cho rằng họ có
đủ căn cứ chứng minh Hernu làm gián điệp cho Đông Âu, nhưng đối với Jean -
Pierre Chevènement (Bộ trưởng Quốc phòng Pháp giai đoạn 1988 - 1991), tất cả các
thông tin cáo buộc Hernu làm gián điệp cho Đông Âu là không có cơ sở và nếu ông
Hernu làm gián điệp thì đó là gián điệp của Tổng thống Francois Mitterrand. Một
cựu quan chức chính phủ Pháp, người có ba năm làm việc với Hernu, cũng cho rằng
nếu có ai đó đưa tiền để Hernu làm gián điệp thì họ sẽ không nhận được lợi
nhuận từ khoản đầu tư trên. Phát biểu với mạng lưới truyền hình LCI, Patrice,
con trai của Hernu, không tin cha mình làm gián điệp cho Liên Xô và tất cả tài
liệu cho rằng cha Patrice làm gián điệp đều đáng ngờ.
Gia Hân (Tổng hợp)