Trung úy Carl Hans Lody thuộc lực lượng dự bị hải quân Đức, được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động gián điệp ở Anh và Ailen từ khi bắt đầu Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Anh ta có mối quan hệ riêng với giám đốc đầu tiên của Cơ quan tình báo của hải quân Đức, Fritz Prieger. Tháng 5/1914, Lody tình nguyện phục vụ cho lực lượng này. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Anh đã nhanh chóng phát hiện ra chân tướng của Lody.
Chuẩn bị cho sự nghiệp của Lody ở Anh, phía Đức cung cấp cho anh ta một số tiền lớn và một hộ chiếu Mỹ dưới cái tên Charles A. Inglis. Ngày 14/8/1914, Lody rời Hamburg (Đức) đến Na Uy - lúc này vẫn là một nước trung lập. Từ đó, anh ta đi tàu thủy đến Newcastle; sau đó đến Edinburgh và dừng chân ở đó.
Cửa sông Forth, cửa sông nằm về phía bắc của Edinburgh, là một vị trí có tầm quan trọng chiến lược; đồng thời cũng là hướng tiếp cận chính vào thủ phủ của Xcốtlen và cầu Forth từ phía biển, được sử dụng làm nơi neo đậu của hàng chục tàu thuyền của lực lượng hải quân hoàng gia Anh. Khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt bằng các khẩu đội pháo và bãi mìn để chống lại các cuộc tấn công từ hướng biển. Tình báo Đức rất muốn thu thập thông tin về các hạm đội và các biện pháp bảo vệ, cũng như kết cục của bất kỳ đợt giao tranh nào. Tuy nhiên, Lody không được huấn luyện nhiều về nghiệp vụ tình báo nên những tin tức mà Lody thu thập được về khu vực cửa sông này chưa khiến Đức hài lòng.
Tháp Luân Đôn, nơi Carl Hans Lody từng bị giam giữ và xử bắn. |
Phương pháp liên lạc chính của anh ta với chỉ huy ở Đức là thông qua các bức điện và lá thư gửi đến các nước trung lập. Lody gửi hàng loạt các bức điện được mã hóa đơn giản. Anh ta không biết rằng, MI5 được quyền kiểm soát thư từ và điện tín gửi ra nước ngoài.
Lody bị phát hiện ngay từ lá thư đầu gửi đi. Đó là lá thư gửi cho Adolf Buchard ở Xtốckhôm, Thụy Điển. MI5 biết rằng, địa chỉ này là một vỏ bọc của tình báo Đức. Bất kỳ lá thư nào gửi đến địa chỉ đó đều bị chặn lại và tình báo Anh biết rõ rằng một gián điệp Đức đang hoạt động ở Anh. Lúc đó, người ta vẫn chưa thể phát hiện ra được danh tính của Lody, bởi anh ta ký dưới các lá thư là “Charles” hoặc “Nazi”. Sau này người ta mới phát hiện ra rằng, Lody sử dụng một hộ chiếu Mỹ dưới cái tên Charles A. Inglis để đi lại.
Trong thời gian ở Edinburgh, Lody gửi các lá thư được viết bằng tiếng Anh và tiếng Đức đến các địa chỉ liên lạc ở Xtốckhôm. Vài trong số các lá thư được phép gửi đi bởi vì chúng chứa đựng các thông tin sai lệch mà có thể đánh động cho quân Đức nhưng lại không gây thiệt hại gì cho nước Anh. Chẳng hạn, Lody đã gửi các lá thư về một cuộc đổ bộ của một số lượng lớn lính Nga lên Xcốtlen, lặp lại một tin đồn rằng có hàng nghìn lính Nga, với những đôi giày vẫn còn dính tuyết, đã được cử đến tham chiến ở mặt trận phía tây. Chẳng có lấy một chút sự thật nào trong câu chuyện này nhưng nó đã gây ra một mối lo lớn đối với quân đội Đức.
Tàu khu trục của phát xít Đức được đặt theo tên của Carl Hans Lody. |
Lody đến thủ phủ Đablin của Ailen vào ngày 29/9/1914 qua đường cảng Liverpool. Nhân dịp này, anh ta viết một lá thư bằng tiếng Đức kể lại tỉ mỉ các con tàu ở trong cảng và những cuộc nói chuyện giữa anh ta với một số người. Không giống như một số lá thư của Lody trước đây, bức thư này chứa đựng các thông tin có giá trị thực sự về mặt quân sự đối với Đức, nhưng nó lại không được mã hóa chút nào. Các nhân viên kiểm duyệt thư tín đã phát hiện ra lá thư này và MI5 quyết định bắt giữ Lody.
Cảnh sát Edinburgh tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp và phát hiện ra khách sạn, nơi Lody đang sống ở Đablin. Cảnh sát Ailen tiếp tục bám theo anh ta đến Killarney ở County Kerry, nơi Lody dự định “biến mất một thời gian”, do cảm nhận rằng mình đang bị theo dõi. Cuối cùng, Lody bị bắt tại khách sạn vào ngày 2/10/1914. Cảnh sát phát hiện ra danh tính thật của Lody khi họ tìm thấy giấy hẹn của một cửa hàng may mặc với tên và địa chỉ thật của anh ta ở Béclin.
Được đưa trở lại Luân Đôn, Lody bị đưa ra xét xử với tội “phản quốc”, tội danh hiếm khi được dùng để cáo buộc các gián điệp như là tội phạm chiến tranh và có thể phải chịu hình phạt tử hình. Trước tòa, Lody thừa nhận rằng mình là gián điệp được cử đến Anh để hoạt động. Lody từ chối khai ra cái tên Fritz Prieger, người đã tuyển dụng anh ta.
Không giống với những điệp viên bị bắt sau này, Lody bị đưa ra xét xử trước công chúng và tin tức về vụ án này được đăng tải rộng rãi trên báo chí. Lody bị đưa đến Tháp Luân Đôn để thi hành án tử hình vào buổi sáng 6/11/1914.
Như vậy, Lody là gián điệp nước ngoài đầu tiên bị xử tử ở Anh và là người đầu tiên bị xử tử ở Tháp Luân Đôn trong hơn 150 năm. Sau khi đảng Phát xít lên nắm quyền ở Đức, Hải quân Đức đã lấy tên của Lody đặt cho một con tàu khu trục. Và điều nực cười là, chính con tàu này lại đầu hàng nước Anh trong Thế chiến hai.
Đình Vũ (Tổng hợp)