Đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng giữa chiến trường

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (tiền thân của Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP Hồ Chí Minh), với những nhiệm vụ khác nhau đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng giao, góp phần to lớn vào thành công của sự nghiệp cách mạng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Nhân dân Sài Gòn kéo về dinh Độc Lập chào mừng quân giải phóng. Ảnh: Quang Thành- TTXVN


Lớn mạnh trong lòng địch

Đầu năm 1961, để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam và đối phó với các thủ đoạn tàn độc của kẻ thù, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam thay thế Xứ ủy Nam bộ. Sau đó, tại Hội nghị Trung ương Cục miền Nam, họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Từ chỗ chỉ có 150 người ban đầu, Ban Tuyên huấn đã được tăng cường lực lượng, phát triển lên đến 3.700 người, thuộc các bộ phận khác nhau như Văn phòng Ban, Thông tấn xã Giải phóng, Đài phát thanh Giải phóng, Nhà in Trần Phú, Đoàn Văn công Giải phóng, Bộ phận Tuyên huấn II... Ở mỗi giai đoạn khác nhau, Ban Tuyên huấn đã chủ động cử nhiều đoàn cán bộ, nhóm cán bộ có chuyên môn và giàu kinh nghiệm xuống địa phương, bám sát chiến trường, hoặc "xuống đường" vào các vùng ven đô và trong lòng đô thị để tổ chức tập huấn, mở hội nghị truyền đạt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Trung ương Cục.

Coi trọng 3 vùng chiến lược, đặc biệt là vùng chiến lược đô thị - một sự sáng tạo của Đảng ta trong chỉ đạo cách mạng miền Nam, nhằm khoét sâu tình hình khủng hoảng chính trị của chính quyền Sài Gòn. Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng hàng loạt các tổ chức, cơ sở hoạt động trong tôn giáo, học sinh, sinh viên, trí thức và nhân dân lao động ở các đô thị miền Nam. Kết hợp các lực lượng trí vận, binh vận, Hoa vận, thanh vận, các cán bộ của Ban Tuyên huấn tăng cường cho Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng miền Nam. Đồng thời, chủ động tiếp cận, vận động các nhân sĩ trí thức, các quan chức trong hàng ngũ chính quyền ngụy tham gia phong trào “Dân tộc tự quyết”, “ Bảo vệ hòa bình”, “Ủy ban vận động hòa bình” đòi thương lượng với Mặt trận thành lập chính phủ trung lập. Phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam và mở rộng chiến tranh xâm lược.

Ông Phạm Công Cánh, nguyên Phó văn phòng Ban Tuyên huấn, Trưởng ban liên lạc truyền thống Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nhớ lại: Hệ thống của tuyên huấn không phải chỉ có cán bộ trực tiếp của Ban Tuyên huấn trực tiếp xuống từng làng xóm, vùng giải phóng để tuyên truyền mà từng tỉnh và huyện đã có đầy đủ đội ngũ tuyên huấn. Lúc đó ta đã có một hệ thống tuyên truyền, công tác tư tưởng đi sâu vào quần chúng rất mạnh. Ban Tuyên huấn có những đơn vị đi thẳng xuống dân, ví dụ như đội chiếu phim lưu đông, đem phim cách mạng đi chiếu khắp vùng giải phóng, vô cả vùng ấp chiến lược, vùng ven Sài Gòn; đoàn văn công giải phóng đi các tỉnh, ấp chiến lược để phục vụ bà con, tuyên tuyền...

Kiên cường trong chiến đấu


Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận tư tưởng, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam cũng đã lập nhiều thành tích đặc biệt trong việc trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt lực lượng, phương tiện của địch.

Ông Phạm Công Cánh cho biết: “Trong chiến tranh, các cơ quan xung quanh Trung ương Cục miền Nam đều quân sự hóa cơ quan. Ban Tuyên huấn cũng không ngoại lệ, xây dựng lực lượng du kích. Tất cả các anh chị, làm bất kỳ vị trí công tác nào như văn thư, đánh máy, chị nuôi… đều được trang bị vũ khí, khi có động là sẵn sàng chiến đấu ngay. Điển hình nhà in Trần Phú đã dùng mìn ĐH 10 tiêu diệt cả trung đôi lính Mỹ, bắn cháy 5 xe tăng M113; đơn vị hậu cần của văn phòng cũng dùng mìn ĐH 10 đánh vào một trung đội, tiêu diệt sạch quân địch; Thông tấn xã Giải phóng bắn bắn cháy hai bọc thép M113…”


Quân ngụy Sài Gòn bị thu hồi vũ khí. Ảnh: Chính Vân- TTXVN

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các đơn vị thuộc Ban Tuyên huấn như Nhà in Trần Phú, Xưởng phim Giải phóng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước”. Riêng đối với Thông tấn xã Giải phóng được Trung ương Cục miền Nam tặng thưởng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”, đồng thời với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Thông tấn xã Giải phóng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc Thông tấn xã Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước”.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phóng viên tin, ảnh, điện báo của Thông tấn xã Giải phóng luôn bám sát các đơn vị ở các chiến dịch Đông Xuân, Mậu Thân 19, chống càn Junction City và đặc biệt là tuyên truyền phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Chiếm lĩnh mặt trật tư tưởng sau giải phóng

Đầu năm 1975, sau khi Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, Ban Tuyên huấn - Trung ương Cục miền Nam đã huy động tất cả lực lượng của các tiểu ban theo chân các mũi tiến công của quân giải phóng đồng loạt tiến về Sài Gòn, vừa chiến đấu, vừa tác nghiệp và tiếp quản các mục tiêu được phân công. Theo ông Phạm Công Cánh, cuộc hành quân này các đơn vị của Ban tuyên huấn không phải đi bộ như các cuộc hành quân trước, tất cả đều được vận chuyển bằng xe cơ giới… Ngoài các phương tiện, máy móc phục vụ công tác chuyên môn, lực lượng bảo vệ còn được trang bị súng AK và súng chống tăng B40 để sẵn sàng tham gia chiến đấu.

Đúng 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, đoàn Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đến trường Đại học Bách khoa Sài Gòn tại đường Lý Thường Kiệt theo quy định. Buổi chiều 30/4/1975, Ban Tuyên huấn tiếp quản Bộ Dân vận và chiêu hồi của địch ở 272 đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu); Đoàn cán bộ Đài phát thanh Giải phóng tiếp quản Đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn; Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản Việt tấn xã; báo Giải phóng tiếp quản tòa soạn báo Dân chủ,....

Ngày 1/5/1975, các chương trình phát thanh và truyền hình của cách mạng đã phát sóng trên Đài phát thanh và truyền hình Sài Gòn với tên mới: Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng và Đài Truyền hình Giải phóng đã làm cho một bộ phận quân đội và chính quyền Sài Gòn đang định cố thủ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải đầu hàng, buông vũ khí, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban tuyên giáo Trung ương tại TP Hồ Chí Minh, thành tích của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam thể hiện thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị và Trung ương Cục tại chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc Việt Nam.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, tháng 1/2015, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Hoàng Anh Tuấn

 

Kí ức vào của người lính xe tăng 390
Kí ức vào của người lính xe tăng 390

Vào đến Dinh Độc lập, Chính trị viên Toàn dồn tất cả nội các của Dương Văn Minh vào trong phòng lớn. Lúc này, trung úy Ngô Sỹ Nguyên cũng lên tới nơi và đứng gác ở cửa phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN