Sau
ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công
được điều ra Trung ương công tác; được Đảng tín nhiệm cử giữ nhiều trọng trách:
Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Thường trực Ban Bí thư, Chủ
tịch Hội đồng Nhà nước. Ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều hoàn thành
xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng, xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đồng chí giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh
tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành hải sản
hoạt động. Nhận rõ được ưu thế đất nước có bờ biển dài, nhiều tiềm năng phát
triển kinh tế thủy sản, đồng chí đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã
nghề cá lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ.
Đồng chí Võ Chí Công (thứ 3, trái sang) thăm công trường xây dựng cầu qua sông Hương tại cảng Thuận An, trong chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Bình Trị Thiên từ ngày 16 đến ngày 20/5/1989. Ảnh: Minh Điền – TTXVN |
Đồng
chí đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho
ngành hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, Nhà nước xóa bỏ
bao cấp. Do có sự đổi mới về quản lý và cách tổ chức, ngành hải sản đã từng bước
vươn lên trở thành một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Khi phụ trách ngành nông nghiệp, với tác phong sâu sát cơ sở, đồng chí đã đi xuống
nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp bà con xã viên thăm hỏi
công việc sản xuất. Đồng chí đã thấy nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm
và người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho xã viên, như
Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hà Nam,...
Từ thực tế đó, đồng chí đã
đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị
100 về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động.
Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp;
phù hợp với lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở tổng kết
Chỉ thị 100, Trung ương đã ra Nghị quyết 10 (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản
lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất, làm tăng năng suất và sản phẩm
lao động, đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực đến đủ ăn và từng bước có dư để
xuất khẩu.
Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã
phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản
lý kinh tế chung của đất nước. Là Trưởng Ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý
kinh tế, đồng chí đã tích cực xuống các cơ sở kinh tế, mở nhiều cuộc hội thảo,
tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các viện nghiên cứu. Sau đó, hoàn
thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản
xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế (bao gồm cả nông nghiệp, công nghiệp và phân
phối lưu thông).
Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh
tế, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng
ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng
vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp.
Với chức trách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, dưới sự lãnh đạo
chặt chẽ của Bộ Chính trị, sự góp ý của Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công
đã cùng Ủy ban tập hợp ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; tập trung được
nhiều chuyên gia; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng Hiến pháp của một số nước, vận
dụng vào thực tiễn Việt Nam; kiên trì đấu tranh với những quan điểm sai trái
trong việc sửa đổi Hiến pháp, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ, về pháp
quyền xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi
mới, được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc
đổi mới toàn diện của đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống
pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Trong thành công chung đó có
sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực góp ý
kiến với Đảng và Ban Chấp hành Trung ương trong những vấn đề lớn, quan trọng về
tăng cường sự lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Là người chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà lãnh đạo xuất chúng, đồng chí Võ
Chí Công luôn tâm niệm: “... Người chiến sĩ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm
chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,
phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết như Bác Hồ đã dạy.
Có như vậy mới được nhân dân tin yêu, kính trọng. Trong giai đoạn cách mạng mới,
tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng vững bước trên con đường cách mạng
mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp được hình thành trong lịch sử lâu dài của
dân tộc, nhân dân ta nhất định sẽ đi tới ấm no, hạnh phúc” (Võ Chí Công “Trên
những chặng đường cách mạng” (Hồi ký), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001).
Nguồn: Trung tâm Tư liệu TTXVN