Gagarin - người mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ

Gagarin, người đầu tiên bay vào không gian. Ảnh: Internet

Cách đây 79 năm, ngày 9/3/1934, khi Yuri Alekseievich Gagarin cất tiếng khóc chào đời, không ai có thể tưởng tượng cậu bé người Nga sẽ là người đầu tiên bay vào không gian, mở đầu cho kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại.

 

Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô Gagarin ra đời tại ngôi làng Klushino, cách thủ đô Mátxcơva 180 km về phía tây. Ông là con thứ 3 trong một gia đình công nhân có 4 người con. Tuổi thơ của ông đã chứng kiến sự khốc liệt của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, khi ngôi làng Klushino bị quân Đức chiếm đóng.


Gagarin đã mơ ước về bầu trời từ thời niên thiếu. Trong một tấm ảnh được người nhà của ông lưu giữ, có một người thanh niên đứng bên cánh máy bay, giơ tay vẫy chào thân mật. Khi đó Gagarin mới tốt nghiệp ngành đúc, trường kỹ thuật công nghiệp Saratov, đồng thời tham gia khóa huấn luyện của một câu câu lạc bộ hàng không. Tốt nghiệp loại giỏi, Gagarin được điều động về một trường hàng không và trở thành phi công quân sự. Năm 1955, sau 4 năm luyện tập, Gagarin thực hiện chuyến bay một mình đầu tiên.


Tháng 11/1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo thứ hai đem theo chú chó Laica, Gagarin lần đầu tiên mơ về vũ trụ: Có lẽ sắp tới con người sẽ bay vào vũ trụ và tại sao người đó không phải là mình? Khi nghe tin tuyển phi công để nắm bắt kỹ thuật mới, anh đã đề nghị được ứng cử. Trong số 3.500 tình nguyện đáp ứng đòi hỏi bắt buộc: Cao không quá 1,65 m (Gagarin cao đúng 1,65 m) và cân nặng không quá kg, cuối cùng chỉ có 20 người được chọn, trong đó có Gagarin.


 

Tờ Huntsville Times đăng tin về chuyến bay lịch sử của Gagarin lên trang nhất ngày 12/4/1961.

Vào năm 1960, kiến trúc sư trưởng thiết kế các con tàu vũ trụ của Nga Sergei Korolev mời các nhà du hành vũ trụ tương lai đến xem con tàu vũ trụ. Khi được ông mời vào buồng lái và ngồi thử vào chiếc ghế của con tàu vũ trụ thật sự, chỉ có Gagarin lên tiếng “cho phép tôi”. Anh bước đến con tàu, sờ vào lớp vỏ bọc, nắm tay vịn và bỗng nhiên chậm rãi tụt xuống sàn và cởi đôi giày ra. Một thái độ thật sự trân trọng đối với lao động. Ngay khi đó, Korolev nói với các cộng sự: “Đây chính là người đầu tiên sẽ bay”. Ông hài lòng khi phát hiện ở Gagarin những phẩm chất cao đẹp của con người, đặc biệt những ưu điểm bẩm sinh như sự tự chủ, bình tĩnh, chân thành, giản dị và tin vào chính mình. Khi gần gũi Gagarin hơn, ông nhận xét rằng con người này có sự kết hợp giữa bản chất dũng cảm, sự thông minh mang tính phân tích, sự lao động khác thường.


Ngày 7/4/1961, thiếu tá phi công Gagarin được chọn làm nhà du hành vũ trụ đầu tiên trong lịch sử loài người, một vinh dự lớn lao kèm theo một trách nhiệm nặng nề. Vào lúc 9 giờ 7 phút ngày 12/4/1961, tàu Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ Gagarin xuất phát. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo, với tốc độ 18 nghìn dặm một giờ và Gagarin trở thành người đầu tiên nhìn thấy Trái đất từ bên ngoài vũ trụ. Anh thấy Trái đất màu xanh da trời dìu dịu, bên cạnh là bầu trời tối thẫm, điểm muôn vàn vì sao rất sáng. Gagarin không nhìn thấy mặt trăng nhưng mặt trời thì rất sáng, sáng gấp hàng chục lần khi nhìn từ mặt đất. Và người ta không bao giờ quên được câu nói đầu tiên từ vũ trụ của Gagarin chuyển về Trái đất. Anh nói: “Từ vũ trụ, tôi không còn nhìn thấy biên giới các quốc gia! Trái đất xanh một màu xanh vĩnh cửu”. Đây cũng chính là thông điệp hòa bình bất diệt mà Liên Xô thời đó đã chuyển tới con người trên khắp hành tinh.


Sau khi bay một vòng quanh Trái đất hết 108 phút, tàu vũ trụ Phương Đông hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Volga. Chuyến bay đầu tiên của con người vào vũ trụ đã kết thúc thắng lợi. Sau này, trong cuốn “Đường vào vũ trụ”, Gagarin đã viết lại cảm xúc của mình khi đó: “Tất cả xảy ra như trong một giấc mơ: Từ không gian bao la tôi đã quay về an toàn nơi tôi cất cánh lần đầu trên mặt đất”. Chuyến bay thành công của Gagarin đã mang lại niềm hân hoan phấn khởi cho mọi người trên khắp thế giới. Thế là ước mơ ngàn đời của nhân loại là thoát ra khỏi sức hút của Trái đất bay vào khoảng không vũ trụ đã trở thành hiện thực.
Pavel Popovich, một trong số 6 nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Nga, phát biểu: “Không có nhiều thành tựu có thể so sánh với những gì Gagarin đã làm được. Dường như Gagarin sinh ra là để cho những điều vĩ đại. Rất nhiều người khác cũng cố gắng làm nhiều điều trong vũ trụ song không một ai có được tiếng vang như Gagarin lúc bấy giờ”. Điều đáng tiếc là chỉ 7 năm sau chuyến bay đã đi vào lịch sử nhân loại, ngày 27/3/19, người anh hùng Gagarin đã hy sinh trong một chuyến bay thử nghiệm, khi mới 34 tuổi.


Với những đóng góp lớn lao cho ngành vũ trụ Liên Xô và thế giới, Gagarin được thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cũng được Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu công dân danh dự của các thành phố tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách sứ giả của hòa bình và hữu nghị.


Tin Tức/TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN