Giải mã biểu tượng lừa và voi của hai đảng Mỹ

Con lừa là con vật vụng về, chậm chạp và cứng đầu. Con voi thì to lớn và cũng vụng về không kém. Chắc hẳn không ai thích bị so sánh với đặc điểm của một trong hai con vật này. Thế nhưng, suốt hơn một thế kỷ qua, lừa và voi đã là biểu tượng nổi tiếng của hai chính đảng lớn của Mỹ. Lừa là biểu tượng của đảng Dân chủ, voi là biểu tượng của đảng Cộng hòa. Tại sao lại như vậy?

Nguồn gốc biểu tượng

Tất cả bắt đầu từ một lời xúc phạm. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1828 giữa ứng cử viên John Quincy Adams của đảng Cộng hòa (không phải đảng Cộng hòa ngày nay) và ứng cử viên Andrew Jackson của đảng Dân chủ được coi là một trong những cuộc bầu cử có chiến dịch tranh cử gay gắt nhất trong lịch sử chính trị Mỹ. Ứng cử viên Jackson và người ủng hộ gọi ông Adams là kẻ tham nhũng, mục nát, phóng đãng, thiếu kiềm chế về mặt đạo đức và thường dính vào các vấn đề tình dục.

Người ủng hộ ông Adams công kích tính khí bạo lực của ông Jackson, cho rằng ông này không tôn trọng chính quyền và công kích vợ ông Jackson là đã lấy ông này trước khi ly hôn “đúng đắn”. Ông Jackson từng giết một người vì lời xúc phạm tương tự. Họ cũng gọi ông Jackson là “con lừa”, ví ông với con lừa ngu ngốc, cứng đầu. Ông Jackson nổi tiếng là người theo chủ nghĩa dân túy và khẩu hiệu của ông là “hãy để người dân phán quyết”. Những người Cộng hòa tuyên bố nếu người dân phán quyết, sẽ có một bầy lừa quản lý đất nước.

Hình ảnh con voi xuất hiện trên báo chí thời nội chiến.

Tuy nhiên, vốn là một chính trị gia hiểu biết, ông Jackson đã biến con lừa thành một biểu tượng tích cực. Ông chỉ ra các giá trị của việc là một “con lừa” trong các bài phát biểu tranh cử: tính bền bỉ, trung thành, có thể mang một lượng đồ rất nặng. Con lừa cũng tượng trưng cho nguồn gốc bình dân và đức tính giản dị. Gắn mình với biểu tượng con lừa, ứng cử viên Jackson đã tách mình xa thêm với ông Adams vốn có nguồn gốc quý tộc. Ông Jackson muốn trở thành tổng thống mà mọi người dân bình thường lựa chọn. 

Không lâu sau, ông Jackson đã đưa hình ảnh con lừa lên các áp phích vận động tranh cử và đề cập tới nó trong các bài phát biểu. Ông tiếp tục được gắn với hình ảnh con lừa thậm chí cả khi đã hết nhiệm kỳ tổng thống. Khi đó, một nhà vẽ tranh biếm họa chính trị đã vẽ ông Jackson đang cố dắt theo một con lừa ngang bướng không chịu đi theo. Bức tranh thể hiện rằng đảng Dân chủ (con lừa) sẽ không bị tổng thống trước (ông Jackson) dẫn dắt. Sau đó, mãi tới cuối thế kỷ, hình ảnh con lừa mới trở thành biểu tượng của đảng Dân chủ.

Còn hình ảnh con voi với tư cách là biểu tượng của đảng Cộng hòa (tức là đảng Cộng hòa thời hiện đại) lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1864 trên tờ báo ủng hộ ứng cử viên Abraham Lincoln mang tên Father Abraham. Tờ báo đã in tranh vẽ một con voi mang theo một biểu ngữ và ăn mừng chiến thắng của Liên bang miền bắc trong nội chiến. Tại thời điểm đó, câu nói phổ biến “gặp chú voi” có nghĩa là tham gia chiến trận.

Người “nâng tầm” voi và lừa

Vậy voi và lừa đã trở thành biểu tượng của hai đảng như thế nào? Tất cả là nhờ họa sĩ tranh biếm họa chính trị nổi tiếng Thomas Nast. Ông Nast bắt đầu nổi tiếng ngay từ lúc cuộc nội chiến bắt đầu năm 1861. 

Bức biếm họa “Lừa sống đá sư tử chết”.

Ông làm việc cho tờ Harper’s Weekley tại thời điểm đó và đã vẽ hơn 55 tranh về các trận đánh và cuộc nội chiến. Tháng 12/1862, ông Nast ra mắt phiên bản ông già Noel, một ông già béo vui vẻ mặc bộ đồ màu đỏ. Trước bức họa của Nast, ông già Noel luôn được khắc họa là một nhân vật nghiêm nghị và mang tính tôn giáo trang nghiêm. Ngày nay, hình ảnh ông già Noel luôn là hình ảnh tươi cười theo phong cách của họa sĩ Nast.

Sau này khi tham gia chính trị, Nast đã huy động cả bộ máy chính trị của chính trị gia Boss Tweed, hỗ trợ Ulysses Grant được bầu làm tổng thống và đưa ra ánh sáng sự tàn bạo của nhóm Ku Klux Klan trong các chiến dịch chống người Mỹ gốc Phi. Ông chính là người biến hình ảnh con lừa trở thành biểu tượng nổi tiếng cho người Dân chủ và con voi cho người Cộng hòa.

Trong bức biếm họa mang tên “A Live Jackass Kicking a Dead Lion” (Lừa sống đá sư tử chết) đăng trên một số báo của tờ Harper’s Weekly năm 1870, ông đã dùng hình ảnh con lừa làm đại diện cho nhóm “Copperhead Democrats” - những người Dân chủ là người miền Bắc nhưng có cảm tình với phe miền Nam thời nội chiến. Nhóm này là một phe phái trong nhóm những người Dân chủ miền bắc phản đối nội chiến. Trong bức tranh, con sư tử chết là hình ảnh của Bộ trưởng Chiến tranh Edwin M. Stanton mới qua đời. Ông Nast cho rằng nhóm Copperhead Democrats có tư tưởng chống Liên bang miền bắc và cho rằng cách báo chí đối xử với ông Stanton là bất kính.

Bức tranh “Hoảng loạn nhiệm kỳ ba”.

Năm 1871, con voi của những người Cộng hòa lại xuất hiện lần nữa, lần này là trong một tranh biếm họa cũng của họa sĩ Nast trên tờ Harper’s Weekly, để nhắc những người Cộng hòa rằng cuộc đấu đá nội bộ có thể khiến họ thua trong bầu cử. 

Ulysses S. Grant (bạn tốt của họa sĩ Nast) đã làm tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ, được bầu năm 18 và 1872. Vị tổng thống đảng Cộng hòa này đang định tranh cử nhiệm kỳ ba. Tờ The New York Herald rất phản đối ông Grant tranh cử lần nữa và đã viết vài bài báo về “chủ nghĩa Caesar”, ngầm ý chỉ chế độ độc tài hoàng gia, quân sự.

Trong bối cảnh đó, năm 1874, bức tranh có tiêu đề “Third Term Panic” (Hoảng loạn nhiệm kỳ ba” đã thực sự củng cố hình ảnh đại diện của voi và lừa. Bức tranh “Third Term Panic” vẽ một con lừa mặc bộ da con sư tử với dòng chữ “chủ nghĩa Caesar” trang trí trên đó. Con lừa này gây hoảng sợ cho các động vật khác, trong đó có con voi đang lảo đảo, loạng choạng. Con voi được dán nhãn “lá phiếu Cộng hòa”, sắp ngã xuống một cái hố được đề tên lạm phát và hỗn loạn.

Mặc dù ông Grant không tranh cử nhưng bức họa của ông Nast không đủ mạnh để ngăn chặn tác động của bài báo về “chủ nghĩa Caesar”. Đảng Cộng hòa đã mất quyền kiểm soát Hạ viện trong bầu cử và ông Nast đã thể hiện sự thất vọng với một tranh biếm họa khác tháng 11 năm đó - một con voi bị mắc cái bẫy do con lừa đặt.

Nhờ họa sĩ Nast, con lừa và voi đã trở thành biểu tượng được các họa sĩ biếm họa và tác giả khác của cả hai đảng chấp nhận và hình ảnh này gắn với hai đảng từ đó.
Thùy Dương
Những chiêu gian lận trong bầu cử Mỹ những năm 1880
Những chiêu gian lận trong bầu cử Mỹ những năm 1880

Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa (Mỹ) Donald Trump gần đây lo ngại cơ hội vào Nhà Trắng của ông có thể bị ảnh hưởng nếu xảy ra tình trạng gian lận bầu cử. Dù khả năng này bị coi là khó có thể xảy ra nhưng trong thế kỷ 19, nước Mỹ từng xảy ra tình trạng gian lận bầu cử tràn lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN