Có tiếng từ lâu như một “pháo đài bí mật” cùng với lời đồn đại gửi tiền ở ngân hàng Thụy Sĩ thì không ai có thể động vào, từ năm 1934, Thụy Sĩ đã áp dụng quy định chủ ngân hàng phải đảm bảo bí mật thông tin cho khách hàng. Ngân hàng nào vi phạm bị phạt tiền rất nặng và người quản lý ngân hàng phải chịu án tù.
Bradley Birkenfeld – người phá tan luật bí mật thông tin nổi tiếng của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ. |
Luật pháp của Thụy Sĩ phân biệt rạch ròi các hành vi tránh thuế, trốn thuế và gian lận thuế. Nhưng không giống ở Mỹ, trốn thuế không phải là tội hình sự ở Thụy Sĩ.
Sức hấp dẫn
Theo luật Thụy Sĩ, ngân hàng phải biết bạn là ai trước khi chấp thuận mở tài khoản cho bạn. Tài khoản ẩn danh (anonymous account) ở ngân hàng Thụy Sĩ chỉ là chuyện đồn đại, nhưng tài khoản số (numbered account) thì hoàn toàn có.
Thay vì mang tên khách hàng, tài khoản mang số nào đó. Tài khoản số hạn chế sự hiểu biết về chủ nhân của nó trong phạm vi một nhóm nhỏ nhân viên ngân hàng. Ngoài điều này, tài khoản số không có ưu đãi gì khác trong việc đảm bảo bí mật so với tài khoản thông thường.
Không biết có bao nhiêu tài khoản số ở các ngân hàng, nhưng đảm bảo bí mật khách hàng và những giao dịch của họ đã trở thành một trong những động lực dẫn đến sự thành công và uy tín của các ngân hàng Thụy Sĩ từ hàng trăm năm nay. Mọi sự can thiệp đến tài khoản khách hàng, nếu có, phải theo đúng luật, còn bình thường thông tin về tài khoản chỉ chủ nhân, những người thụ hưởng và ngân hàng có quyền được biết.
Hầm chứa tài sản tại chi nhánh Ngân hàng liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. |
Bên cạnh đó, một số nhân viên ngân hàng còn chiều lòng khách hàng bằng việc hủy các loại chứng từ và cất giấu các tài sản quý như trang sức và các tác phẩm nghệ thuật mà khách hàng mua bằng tiền gửi trong các tài khoản số đó vào những địa chỉ gửi đồ tin cậy tại Thụy Sĩ. Khách hàng còn có thể sử dụng thẻ tín dụng của Thụy Sĩ để cơ quan thuế không thể theo dõi việc mua sắm của họ.
Tuy nhiên, nguyên tắc bí mật ngân hàng ở Thụy Sĩ không hoàn toàn tuyệt đối. Luật pháp nước này quy định chi tiết trường hợp nào thì bí mật ngân hàng phải được hé mở một phần. Cụ thể là nếu công dân Thụy Sĩ bị nghi phạm tội hình sự thì các cơ quan điều tra có thể trình cho ngân hàng quyết định của tòa án để lấy những thông tin cần thiết. Điều khoản này cũng áp dụng đối với công dân nước ngoài, song mức độ đến đâu thì còn do hiệp định ký với từng nước quy định. Thụy Sĩ có luật chống rửa tiền và các ngân hàng không tham gia chuyển ngân lậu hay có liên quan đến tội phạm.
Bước ngoặt
Bradley Birkenfeld - nguyên Giám đốc quản lý tài sản của Union de Banques Suisses (UBS), một trong những ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ, nơi chứa nhiều tài sản của các tỷ phú giàu nhất hành tinh - đã phá tan luật bí mật thông tin nổi tiếng của hệ thống ngân hàng Thụy Sĩ khi công bố cho Mỹ danh sách 250 khách hàng bị nghi ngờ trốn thuế. Chính nhân vật này, trước đó, đã từng giúp các khách hàng, trong đó có nhiều người Mỹ, gian lận những khoản thuế khổng lồ.
Các tài liệu mật mà Bradley Birkenfeld cung cấp cho giới chức Mỹ đã buộc ngân hàng UBS và cả chính phủ Thụy Sĩ phải có những nhượng bộ. Nghị viện Thụy Sĩ, sau đó, đã phê chuẩn nghị quyết cho phép cung cấp thông tin của 4.450 tài khoản khách hàng bị nghi ngờ là trốn thuế tại ngân hàng UBS cho cơ quan tư pháp Mỹ. Năm 2011, 11 ngân hàng của Thụy Sĩ đã bị Mỹ đưa vào danh sách cần điều tra, sang năm 2012, danh sách này được bổ sung thêm một số ngân hàng nữa.
Giáo sư về Luật Thuế của Trường Đại học Freiburg (Thụy Sĩ), ông Hennri Torrione, cho rằng năm 2009 đánh dấu một bước ngoặt đối với bí mật ngân hàng của Thụy Sĩ trong lĩnh vực thuế. Thực ra, đối với những người sống trên đất Thụy Sĩ thì không có gì thay đổi, các cơ quan thuế chỉ được hỏi ngân hàng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, nhưng những thông tin về những người không sống trên đất Thụy Sĩ thì có thể bị cung cấp cho các cơ quan thuế liên quan, ngay cả trong những trường hợp trốn thuế đơn giản như quên không khai báo một khoản thu nhập. Những quy định mới này gây ra tâm lý lo ngại của nhiều khách hàng không sống trên đất Thụy Sĩ.
Hậu quả là chỉ trong vòng 2 năm, số lượng khách hàng giao dịch với ngân hàng UBS đã giảm sút nghiêm trọng. Ngành tài chính Thụy Sĩ có thể mất 20.000 việc làm trong năm tới do tác động của "cuộc chiến kinh tế" mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tiến hành chống lại các ngân hàng lớn của nước này. Dưới sức ép từ dư luận nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và EU, tới nay Thụy Sĩ đã buộc phải đưa ra cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước để điều tra những trường hợp nghi ngờ trốn thuế và hơn thế nữa, đó là ngăn chặn các dòng “tiền bẩn” tuồn vào hệ thống ngân hàng nước này.
Từ năm 2007 tới 2011, giá trị tài sản của khách hàng ngoại quốc gửi trong các két sắt ngân hàng ở “pháo đài tiền tệ” Thụy Sĩ đã giảm khoảng 1/4, còn 2.000 tỷ franc Thụy Sĩ. Sự suy giảm này kéo theo tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng ở nước này đi xuống. Credit Suisse cho biết, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng quản lý tài sản trong quý 3 năm 2011 là 114%, giảm nhiều so với mức 131% vào năm 2007. Hiện Credit Suisse là ngân hàng có mảng quản lý tài sản lớn thứ nhì trong số các ngân hàng Thụy Sỹ.
Năm 2011, doanh thu của các ngân hàng Thụy Sỹ bị giảm khoảng 1,1 tỷ franc Thụy Sĩ, tương đương 4% so với năm 2010, do khách hàng phải rút 47 tỷ franc tài sản trước khi các thỏa thuận về thuế giữa nước này với Đức và Anh bắt đầu có hiệu lực từ năm 2013. Ngoài ra, đồng franc mạnh cũng xói mòn lợi nhuận mà các ngân hàng Thụy Sĩ kiếm được ở nước ngoài.
Trên thế giới cũng tồn tại chỉ số bí mật tài chính để tính độ minh bạch của các hệ thống ngân hàng, từ hết sức minh bạch đến vô cùng đen tối. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của chỉ số này là mức độ bí mật của các khu vực pháp lý trước cơ quan thuế của các nước. Luýchxămbua, quần đảo Cayman, Xinhgapo và Hồng Công (Trung Quốc) đứng đầu về mức độ bí mật của các ngân hàng.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)
Đón đọc kỳ cuối: Cạnh tranh toàn cầu