Từng là thuộc địa giàu có nhất ở châu Mỹ, Haiti hiện là quốc gia nghèo nhất Tây bán cầu, với hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ, theo Ngân hàng Thế giới. Sự can thiệp và nợ nần nước ngoài, bất ổn chính trị và thiên tai từ lâu đã cản trở những nỗ lực phát triển ở Haiti, nơi hệ thống quản lý vẫn bị tê liệt do vụ ám sát tổng thống và tình trạng bất ổn dân sự đầy bạo lực.
Rất ít quốc gia phải vật lộn với sự phát triển như Haiti. Kể từ khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp hơn hai thế kỷ trước, quốc gia vùng Caribe này đã trải qua nhiều sự can thiệp của nước ngoài, bất ổn chính trị, xã hội kinh niên và thiên tai tàn khốc. Tổng hợp các vấn đề này đã biến nơi từng là thuộc địa giàu có nhất ở châu Mỹ thành quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu.
Trong khi đó, Mỹ đã có một lịch sử can dự lâu dài và đầy rắc rối với Haiti, bao gồm cả thời gian chiếm đóng gần 20 năm, đôi khi đẫm máu, vào đầu thế kỷ 20. Bất chấp mối quan hệ thường xuyên rạn nứt, hai nước vẫn duy trì hợp tác kinh tế và xã hội chặt chẽ, mặc dù quan hệ song phương ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tìm cách hạn chế nhập cư từ Haiti, đưa hàng nghìn người Haiti trở lại trên các chuyến bay trục xuất. Mặc dù Tổng thống Mỹ hiện nay Joe Biden cam kết một cách tiếp cận mới, nhưng Washington vẫn tiếp tục trục xuất hàng loạt người Haiti xin tị nạn ngay cả khi tình hình trên đảo quốc đó ngày càng nguy hiểm, thách thức chính sách của Mỹ trên nhiều mặt.
Tình hình kinh tế yếu kém
Haiti hiện là quốc gia nghèo nhất ở Tây bán cầu. Hơn một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ, khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản bị hạn chế và nhiều người dựa vào hoạt động nông nghiệp tự cung tự cấp để nuôi sống gia đình. Nước này cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ bên ngoài: từ năm 2010 đến năm 2020, Liên hợp quốc đã phân bổ hơn 13 tỷ USD viện trợ quốc tế cho Haiti, hầu hết trong số đó đã tài trợ cho các sứ mệnh cứu trợ thiên tai và các chương trình phát triển.
Trong khi đó, lượng kiều hối của Haiti đã tăng đều đặn trong hai thập kỷ qua, đạt tổng cộng 4,5 tỷ USD vào năm 2022, tương đương 22% GDP của Haiti, do hòn đảo này vẫn bị tê liệt bởi nhiều cuộc khủng hoảng.
Kể từ năm 2010, thương mại chiếm trung bình 41% GDP của Haiti với các ngành công nghiệp chính là luyện đường, sản xuất xi măng và dệt may (dệt may chiếm 1,15 tỷ USD, chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2021). Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Haiti, tiếp theo là Canada và Mexico.
Trong những năm gần đây, thiên tai, bệnh tật, bất ổn chính trị, quản lý yếu kém hoạt động cứu trợ nhân đạo và sự mất giá của đồng nội tệ đã gây căng thẳng cho nền kinh tế. Du lịch, từng là một lĩnh vực sôi động, đã suy giảm. So với kỷ lục 1,3 triệu khách du lịch vào năm 2018, thu về 620 triệu USD, Haiti chỉ đón 148.000 khách du lịch vào năm 2021, tạo ra lợi nhuận khoảng 80 triệu USD. Để so sánh, cùng năm đó, CH Dominica láng giềng đã đón 5 triệu khách du lịch.
Haiti vẫn còn nợ nần chồng chất. Ví dụ, trong khi các nhà cho vay quốc tế hủy khoản nợ của Haiti sau trận động đất lớn vào năm 2010, kể từ đó tổng nợ công của nước này đã tăng lên chủ yếu do các khoản giải ngân liên quan đến PetroCaribe - liên minh khu vực do Venezuela dẫn đầu cung cấp dầu trợ giá cho các thành viên của mình. Vào cuối năm tài chính 2021, nợ công của Haiti lên tới 5 tỷ USD, tương đương gần 30% GDP.
Những biến động tiếp theo, bao gồm phong trào phản kháng leo thang, vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moïse năm 2021, các thảm họa thiên nhiên liên tiếp vào tháng 7 và tháng 8/2021, cùng bạo lực băng đảng tràn lan đã gây thêm căng thẳng cho tình hình kinh tế của Haiti.
Khó khăn để phát triển
Kể từ khi giành được độc lập từ Pháp, sự phát triển của Haiti đã bị đe dọa bởi các thế lực khác nhau, bao gồm sự can thiệp của các thế lực nước ngoài, những bất ổn chính trị trong nước, thiên tai, bất ổn xã hội và dịch bệnh.
Về can thiệp của nước ngoài và nợ nần, việc thoát khỏi Pháp năm 1804 không có nghĩa là chấm dứt sự can thiệp của các thế lực nước ngoài vào Haiti. Pháp chỉ công nhận Haiti độc lập vào năm 1825 sau khi thuộc địa cũ của họ đồng ý trả khoản bồi thường ước tính trị giá 21 tỷ USD tính theo tỷ giá đô la Mỹ ngày nay. Trong 122 năm tiếp theo, có tới 80% doanh thu của Haiti được dùng để trả khoản nợ này.
Mỹ cũng chỉ công nhận Haiti vào năm 1862. Các chính quyền Mỹ sau đó đã nhìn Haiti qua lăng kính chủ yếu là chiến lược. Cảnh giác trước sự xâm lấn ảnh hưởng của Đức tại vùng Caribe ngay từ đầu Thế chiến thứ nhất, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã ra lệnh cho Thủy quân lục chiến tới Haiti vào năm 1915, với mục đích khôi phục sự ổn định chính trị. Trong 5 năm trước đó, 7y tổng thống Haiti đã bị phế truất hoặc bị ám sát.
Trong gần hai thập kỷ chiếm đóng, Mỹ kiểm soát an ninh và tài chính của Haiti; đồng thời gây ra sự phân biệt chủng tộc, lao động cưỡng bức và kiểm duyệt báo chí, cũng như phế truất các tổng thống và cơ quan lập pháp phản đối sự hiện diện của Mỹ. Khoảng 15.000 người Haiti đã thiệt mạng trong các cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Mỹ, cuộc nổi dậy đẫm máu nhất xảy ra vào năm 1919 và 1929. Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã rút quân khỏi Haiti vào năm 1934 như một phần trong "Chính sách Láng giềng Thân thiện".
Về bất ổn chính trị, việc rút quân của Mỹ kéo theo một loạt chính phủ bất ổn, lên đến đỉnh điểm vào năm 1957 với việc thành lập chế độ chuyên quyền dưới thời François Duvalier và con trai ông, Jean-Claude. Sự cai trị 29 năm của họ được đặc trưng bởi tình trạng tham nhũng làm cạn kiệt ngân sách quốc gia và vi phạm nhân quyền khiến ước tính có khoảng 30.000 người chết hoặc mất tích. Năm 1986, các cuộc biểu tình rầm rộ và áp lực quốc tế đã buộc gia đình Duvalier phải trốn khỏi đất nước, nhường chỗ cho hiến pháp mới.
Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị vẫn tiếp diễn. Jean-Bertrand Aristide, tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của nước này, đã hai lần bị lật đổ trong các cuộc đảo chính vào năm 1991 và 2004. Cả hai đều thúc đẩy sự can thiệp quân sự của Mỹ với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc. Năm 2004, Liên hợp quốc đã phát động sứ mệnh gìn giữ hòa bình kéo dài 13 năm, Phái bộ Ổn định Liên hợp quốc do Brazil đứng đầu ở Haiti (MINUSTAH), nhằm tìm cách lập lại trật tự sau sự sụp đổ của chính quyền Aristide.
Năm 2011, cuộc bầu cử tổng thống với chiến thắng của ông Michel Martelly đã bị phủ bóng bởi những cáo buộc về việc Mỹ thay mặt ông can thiệp. Sau đó, ông Martelly từ chức sau khi hoãn bầu cử tổng thống hai lần và cầm quyền bằng sắc lệnh trong hơn một năm. Haiti rơi vào "khoảng trống" chính trị năm 2016, khi những cáo buộc gian lận chống lại người kế nhiệm ông Martelly, ông Jovenel Moïse, dẫn đến việc hoãn cuộc bầu cử chính thức cho đến đầu năm 2017.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Moïse đã chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ và kêu gọi ông từ chức trước việc giá nhiên liệu tăng và việc chính phủ loại bỏ trợ cấp, cáo buộc tham nhũng, khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ và tranh cãi về tính hợp pháp của chính quyền. Tình trạng bất ổn xã hội lan rộng lên đến đỉnh điểm là vụ ám sát ông Moïse vào tháng 7/2021. Chính quyền Mỹ ban đầu bắt giữ một số lính đánh thuê, nhiều người trong số họ đã được quân đội Mỹ huấn luyện, vì nghi ngờ có liên quan đến vụ ám sát.
Ariel Henry, được bổ nhiệm làm thủ tướng chỉ vài ngày trước vụ ám sát, đã lên làm tổng thống và từ đó bị nghi ngờ sau khi Trưởng công tố Haiti cáo buộc rằng ông Henry đang liên lạc với một nghi phạm chính. Vào tháng 1/2022, Tổng thống Henry sống sót sau một vụ ám sát. Sau nhiều lần trì hoãn, chính quyền đã cam kết tổ chức cuộc tổng tuyển cử trước tháng 8/2025. Với tình trạng bạo lực băng đảng trên đảo ngày càng trầm trọng, Haiti và Kenya đã đạt được thỏa thuận vào tháng 3/2024 cho phép triển khai một nghìn sĩ quan cảnh sát Kenya đến Haiti như một phần của kế hoạch Nhiệm vụ ổn định đa quốc gia do Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Về thảm họa thiên nhiên, nằm trên một đường đứt gãy địa chất ở khu vực thường xuyên xảy ra bão lớn, Haiti hứng chịu nhiều thiên tai hơn hầu hết các quốc gia khác vùng Caribe. Nạn phá rừng lan rộng đã khiến đất nước này đặc biệt dễ bị lũ lụt và lở đất, đồng thời hòn đảo này cũng dễ bị lốc xoáy, cuồng phong, bão nhiệt đới và động đất.
Ví dụ, một trận động đất lớn gần thủ đô Port-au-Prince năm 2010 đã khiến khoảng 220.000 người Haiti thiệt mạng và khiến 1,5 triệu người khác phải di dời. Chi phí tái thiết cơ bản sau thảm họa ở mức 8 tỷ USD đã vượt qua GDP hàng năm của Haiti. Từ năm 2015 đến năm 2017, hạn hán đã khiến 70% mùa màng bị mất và vào năm 2016, bão Matthew đã tàn phá nhà ở, vật nuôi và cơ sở hạ tầng của nước này. Haiti sau đó lại hứng chịu những thảm họa liên tiếp vào tháng 8/2021, khi một trận động đất mạnh 7,2 độ richter làm rung chuyển vùng phía Nam, phá hủy 30% nhà cửa tại khu vực, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác phải di dời. Vài ngày sau, bão nhiệt đới Grace làm tăng thêm sức tàn phá, gây mưa lớn, lũ quét và lở đất. Thời tiết khắc nghiệt và nguy hiểm tiếp tục tấn công Haiti khi mối đe dọa biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Một số yếu tố làm tăng thêm tác động của những thảm họa này, bao gồm quy hoạch đô thị kém; cơ sở hạ tầng và nhà ở không đạt tiêu chuẩn; dân số ven biển lớn; và sự phụ thuộc lớn vào canh tác tự cung tự cấp, có thể làm suy thoái môi trường nếu bị khai thác quá mức.
Tình trạng dịch bệnh và quản lý viện trợ sai lầm còn khiến những vấn đề trở nên phức tạp hơn. Sốt xuất huyết và sốt rét lan tràn, trong khi bệnh tả do lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ Nepal lây sang sau trận động đất năm 2010 đã khiến gần 10.000 người thiệt mạng và lây nhiễm cho gần 1 triệu người khác.
Cách tiếp cận của chính quyền Mỹ
Mục tiêu đã nêu của Washington là mang lại sự ổn định chính trị và kinh tế cho nước láng giềng phía Nam đồng thời giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo của Haiti. Chính quyền Barack Obama đã tập trung vào việc tăng cường lực lượng cảnh sát quốc gia Haiti, tăng cường an ninh kinh tế, cải thiện các dịch vụ y tế và giáo dục cũng như củng cố cơ sở hạ tầng. Dưới thời Obama, Mỹ đã dẫn đầu các phản ứng quốc tế đối với các cuộc khủng hoảng ở Haiti, gọi quốc gia này là “ưu tiên hỗ trợ nước ngoài quan trọng” ở Caribe và tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh MINUSTAH của Liên hợp quốc. Kể từ trận động đất năm 2010, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã là nhà tài trợ hàng đầu của Haiti, đóng góp hơn 5 tỷ USD, trong đó có hàng triệu USD hỗ trợ các chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Về thương mại, một loạt hiệp định do Tổng thống George W. Bush ký kết và được gia hạn dưới thời Obama đã mang lại cho hàng dệt may Haiti quyền được miễn thuế vào Mỹ. Tính đến năm 2020, hơn 83% tổng lượng hàng xuất khẩu của Haiti là sang Mỹ.
Nhập cư là vấn đề trọng tâm trong mối quan hệ Mỹ - Haiti. Từ năm 1990 đến năm 2015, số người nhập cư Haiti ở Mỹ đã tăng gấp ba lần khi người Haiti chạy trốn bất ổn chính trị và thiên tai, mặc dù một số chính quyền Mỹ trước đây đã phản ứng bằng các chính sách giam giữ và hồi hương khắc nghiệt. Sau trận động đất năm 2010, Chính quyền Obama đã cấp quy chế được bảo vệ tạm thời cho người Haiti (TPS), cho phép những người di cư không có giấy tờ từ các quốc gia gặp khó khăn có quyền sống và làm việc tại Mỹ trong thời gian có thể gia hạn lên đến 18 tháng. Theo Khảo sát Cộng đồng Mỹ mới nhất , hơn một triệu người gốc Haiti toàn bộ hoặc một phần đã cư trú tại Mỹ vào năm 2021, khiến quốc gia này trở thành quốc gia có dân số Haiti lớn nhất ở nước ngoài.
Tuy nhiên đến thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ đã cắt giảm gần 18% viện trợ nhân đạo và phát triển của USAID cho Haiti trong năm 2017 như một phần trong kế hoạch cắt giảm viện trợ nước ngoài của Mỹ trên phạm vi rộng hơn, nhưng vẫn bảo toàn nguồn tài trợ cho các sáng kiến giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ cũng như thúc đẩy các thể chế dân chủ. Một số hiệp định thương mại từ thời Obama cũng vẫn được duy trì, bao gồm cả việc Haiti được miễn thuế tiếp cận thị trường Mỹ, một trong những hiệp định được chính quyền Trump gia hạn. Nhưng ông Trump khác biệt với những người tiền nhiệm trước đó về vấn đề nhập cư, đặc biệt là liên quan đến TPS, vấn đề mà ông tìm cách chấm dứt đối với nhiều quốc gia. Vào cuối năm 2017, ông đã từ chối gia hạn quy chế bảo vệ cho khoảng 59.000 người Haiti, dẫn đến việc trục xuất hơn 2.500 trong số họ từ năm 2018 đến năm 2020.
Đến thời chính quyền Tổng thống Biden, để đối phó với tình hình an ninh và chính trị ngày càng xấu đi của Haiti, Mỹ đã khôi phục TPS cho khoảng 155.000 người Haiti. Mỹ cũng đóng góp thêm 50 triệu USD vào quỹ phục hồi của Haiti cùng với các thành viên khác của Liên hợp quốc trong một hội nghị viện trợ quốc tế do Liên hợp quốc chủ trì vào tháng 2/2022. Washington sau đó đã chỉ định Haiti là quốc gia ưu tiên theo Đạo luật mong manh toàn cầu năm 2022, nhằm mục đích cung cấp tài chính để ngăn chặn và giảm bớt xung đột bạo lực và thúc đẩy sự ổn định ở năm quốc gia và khu vực có nguy cơ bất ổn. Vào tháng 3/2023, như một phần của quá trình thực thi Đạo luật, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch chiến lược 10 năm nhằm thúc đẩy sự ổn định ở Haiti.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden vẫn duy trì một số khía cạnh trong chính sách biên giới thời chính quyền Trump. Lo ngại làn sóng di cư gia tăng, chính quyền Biden đã công bố một chính sách mới nhằm từ chối tị nạn đối với những người di cư trước đây không nộp đơn xin tị nạn ở nước thứ ba và những người vượt biên bất hợp pháp. Trong số những người bị ảnh hưởng bởi chính sách này có hàng nghìn người Haiti xin tị nạn và kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, hơn 27 nghìn người xin tị nạn đã bị trục xuất về Haiti. Trong khi đó, để khuyến khích di cư hợp pháp, chính quyền Mỹ đã tạo ra các chương trình tạm tha nhân đạo mới cho công dân của bốn quốc gia Mỹ Latinh, bao gồm cả Haiti.
Cho đến nay Nhà Trắng tiếp tục loại trừ việc gửi quân hoặc hỗ trợ quân sự bổ sung tới Haiti, dù Washington đã phê duyệt hơn 110 triệu USD viện trợ nhân đạo cho nước này năm 2023 và cam kết hỗ trợ tài chính cho việc triển khai lực lượng đa quốc gia do Kenya lãnh đạo để giúp cảnh sát địa phương chống lại các băng nhóm ở Haiti. Khi tình hình an ninh ở Haiti xấu đi nhanh chóng, chính quyền Biden đã kêu gọi tất cả công dân Mỹ rời khỏi nước này, ngay cả khi các chuyến bay trục xuất vẫn tiếp tục.