Theo hãng tin Reuters, cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel ngày 7/10 là chưa từng có xét về cả quy mô và kế hoạch. Đây là một minh chứng cho thấy Hamas tăng sức mạnh quân sự từ khi giành quyền kiểm soát Gaza năm 2007.
Mở rộng quy mô
Ông Ali Baraka, một quan chức cấp cao của Hamas, cho biết Hamas từ lâu đã dựa vào Iran và các nhóm như Hezbollah ở Liban về vấn đề tài chính và huấn luyện, đồng thời củng cố lực lượng ở Gaza.
Theo ông Baraka, những khó khăn trong việc nhập khẩu vũ khí có nghĩa là trong 9 năm qua, Hamas đã phát triển năng lực riêng và có thể sản xuất tại Gaza.
Trong cuộc chiến tranh Gaza năm 2008, tên lửa của Hamas có tầm bắn tối đa 40 km, nhưng con số này đã tăng lên 230 km vào cuộc xung đột năm 2021.
Ngày nay, Hamas đã phát triển thành tổ chức bí mật và rộng lớn, lột xác hoàn toàn tới mức không thể nhận ra. Cách đây 36 năm, Hamas mới chỉ là một nhóm nhỏ người Palestine đi phát những tờ rơi đầu tiên phản đối hành vi chiếm đóng của Israel.
Một nguồn tin thân cận với Hamas ở Dải Gaza cho biết: “Họ là một đội quân mini”. Theo người này, Hamas có một học viện quân sự đào tạo nhiều chuyên ngành, trong đó có cả an ninh mạng và có một đơn vị đặc công hải quân trong lực lượng quân sự 40.000 người. Ngược lại, vào những năm 1990, Hamas có chưa tới 10.000 tay súng.
Từ đầu những năm 2000, Hamas đã xây dựng một mạng lưới đường hầm dưới Gaza để giúp các tay súng phân tán, xây dựng các nhà máy sản xuất vũ khí và mang vũ khí từ nước ngoài về. Các quan chức Hamas cho biết nhóm này đã mua được nhiều loại bom, súng cối, rocket, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không.
Khả năng mở rộng của Hamas đã khiến Israel ngày càng thiệt hại về người. Israel mất 9 binh sĩ trong cuộc tấn công năm 2008. Năm 2014, con số này tăng lên 66. Năm 2023, trong đợt tấn công vừa rồi, số binh sĩ Israel thiệt mạng lên tới vài trăm.
Ông H.A. Hellyer, một thành viên cấp cao tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh, cho rằng Israel có khả năng tiêu diệt Hamas trong cuộc tấn công trên bộ mà nước này có thể phát động nhằm vào Gaza. Ông nói: “Câu hỏi không phải là liệu điều đó có khả thi hay không. Câu hỏi là những dân thường sẽ phải trả cái giá nào, bởi vì Hamas không sống trên một hòn đảo giữa đại dương hay trong một hang động trên sa mạc”.
Sau cuộc chiến tranh Gaza gần đây nhất vào năm 2021, Hamas và một nhóm liên kết có tên là Thánh chiến Hồi giáo Palestine đã duy trì được 40% kho tên lửa, tức là có khoảng 11.750 tên lửa so với 23.000 trước cuộc xung đột.
Thành lập từ năm 1988, hiến chương của Hamas là kêu gọi tiêu diệt Israel. Hamas bị Israel, Mỹ, Liên minh châu Âu, Canada, Ai Cập và Nhật Bản xếp vào nhóm tổ chức khủng bố.
Hỗ trợ từ Iran
Theo các quan chức phương Tây, đối với Iran, Hamas đã giúp nước này hiện thực hóa tham vọng kéo dài nhiều năm là bao vây Israel bằng các nhóm bán quân sự, như các phe phái Palestine khác và nhóm Hezbollah ở Liban. Được trang bị vũ khí tinh vi, tất cả đều có chung mối thù truyền kiếp về việc Israel chiếm đóng đất Palestine.
Các thủ lĩnh của Hamas hoạt động rộng khắp Trung Đông ở các quốc gia như Liban và Qatar, nhưng cơ sở quyền lực của nhóm vẫn là Gaza. Hamas đã kêu gọi người dân Gaza không chú ý đến lệnh sơ tán mà Israel đưa ra. Theo lệnh này, người Gaza cần di chuyển tới khu vực miền Nam trong vòng 24 giờ để được an toàn.
Trong cuộc tấn công Israel vào ngày 7/10, Hamas đã chọc thủng hệ thống phòng thủ của Israel với mức độ mạnh mẽ nhất trong 50 năm, bắn hàng nghìn quả rocket. Trong khi đó, các tay súng sử dụng dù lượn, xe máy và xe bốn bánh áp đảo hệ thống phòng thủ của Israel.
Mặc dù Iran huấn luyện, trang bị vũ khí và tài trợ cho Hamas nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Iran chỉ đạo hoặc cho phép thực hiện vụ tấn công ngày 7/10. Iran thừa nhận họ giúp tài trợ và huấn luyện Hamas nhưng phủ nhận vai trò trong vụ tấn công ngày 7/10.
Lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Al Jazeera năm ngoái rằng, Hamas đã nhận được 70 triệu USD viện trợ quân sự từ Iran. Ông nói thêm: “Chúng tôi có rocket được sản xuất tại chỗ nhưng rocket tầm xa thì đến từ nước ngoài, từ Iran, Syria và các nước khác thông qua Ai Cập”.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2020, Iran cung cấp khoảng100 triệu USD hàng năm cho các nhóm người Palestine, trong đó có Hamas, Thánh chiến Hồi giáo Palestine và Bộ Tư lệnh Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine.
Iran đã tăng đáng kể nguồn tài trợ cho lực lượng quân sự của Hamas trong năm qua từ 100 triệu USD lên khoảng 350 triệu USD/năm.
Hamas thời kỳ đầu
Cách đây 36 năm, một ngày sau khi một chiếc xe tải của quân đội Israel đâm vào một chiếc ô tô chở 4 công nhân Palestine, khiến toàn bộ thiệt mạng, ý tưởng về Hamas bắt đầu hình thành. Ngày 10/12/1987, một số thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã tập hợp lại, tiếp theo là các cuộc biểu tình ném đá, tấn công và đóng cửa ở Gaza.
Gặp nhau tại nhà của Sheikh Ahmed Yassin, một giáo sĩ Hồi giáo, họ quyết định phát tờ rơi vào ngày 14/12, kêu gọi phản kháng trong cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống Israel (hay còn gọi là Intifada đầu tiên). Đó là hành động công khai đầu tiên của nhóm.
Sau khi Israel rút khỏi Gaza vào năm 2005, Hamas bắt đầu nhập khẩu rocket, chất nổ và các thiết bị khác từ Iran. Những thức này được vận chuyển qua Sudan, vận chuyển bằng xe tải qua Ai Cập và tuồn vào Gaza thông qua một mê cung các đường hầm hẹp bên dưới Bán đảo Sinai.
Dòng vũ khí, huấn luyện và tài trợ cũng được chuyển từ Iran đến các nhóm đồng minh bán quân sự khác trong khu vực, cuối cùng giúp Iran hiện diện thông qua vai trò chỉ đạo ở Liban, Syria, Iraq, Yemen và Gaza.
Một số đồng minh này tạo thành một phần của “trục Shi'ite” kéo dài từ lực lượng bán quân sự người Shi'ite ở Iraq, đến Hezbollah ở Liban cho đến nhóm thiểu số cầm quyền Alawite ở Syria, một nhánh của Hồi giáo Shi'ite.
Nhóm quan trọng nhất trong mạng lưới là Hezbollah - được hình thành tại Đại sứ quán Iran ở Damascus vào năm 1982 sau khi Israel đưa quân vào Liban trong cuộc nội chiến 1975-1990.
Hezbollah đã ném bom các mục tiêu của Mỹ và thực hiện chương trình bắt giữ và cướp con tin, đẩy Israel ra khỏi Liban vào năm 2000 và sau đó dần dần có ảnh hưởng ở Liban.
Nguồn tin thân cận với Hamas cho biết Iran đã nắm bắt cơ hội để thu nạp Hamas vào năm 1992 khi Israel trục xuất khoảng 400 thủ lĩnh Hamas về Liban. Iran và Hezbollah đã tiếp đón các thành viên Hamas, chia sẻ công nghệ quân sự và huấn luyện họ chế tạo bom tự chế cho các cuộc tấn công liều chết.
Theo ông Baraka, mục đích cuối cùng của cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10 là nhằm giải phóng tất cả 5.000 tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Israel, ngăn chặn các cuộc đột kích của Israel vào nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa (địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi) và dỡ bỏ lệnh phong tỏa Gaza kéo dài 16 năm.
Ông cảnh báo rằng nếu cuộc tấn công trên bộ của Israel tiếp tục được Mỹ và Anh ủng hộ, cuộc chiến sẽ không chỉ giới hạn ở Gaza mà có thể lan sang một cuộc xung đột khu vực. Ông nói: “Đây không chỉ là cuộc chiến của Israel ở Gaza, mà còn có một cuộc chiến tranh Đại Tây Dương ở Gaza với tất cả các thế lực. Sẽ có những tiền tuyến mới”.