Hành trình chết chóc trong rừng rậm Miến Điện

Khi 18 tuổi, Joe Simpson một lần vào phòng bếp gia đình ở Đức và nhìn thấy cha, ông Ian, đang chép lại cuốn nhật ký thời chiến của ông tại bàn ăn. Ông Ian, trung tá Pháo binh Hoàng gia, đang xem các trang nhật ký viết bằng bút chì dưới dạng mật mã, ghi chép và vẽ một bản đồ. Đó là năm 1978, khi Joe phát hiện ra cha mình là một trong những anh hùng Chiến tranh thế giới thứ Hai bị lãng quên.

Phát hiện ra điều đó khiến ông Joe, hiện 55 tuổi, mong mỏi lần theo dấu chân cha mình. Tuy nhiên, khi đó Myanmar dưới quyền cai trị của quân đội nên ông Joe đã tạm gác hi vọng. Ông trở thành người leo núi và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp này.

Thế nhưng, cho đến tận lúc nghỉ hưu, ông Joe vẫn chưa quên mong muốn tới Myanmar để thực hiện hành trình theo dấu chân cha. Năm 2015, ông và Ed Stafford, cựu sĩ quan lục quân Anh, cuối cùng đã hoàn thành mục tiêu đó. Hành trình đã được kênh truyền hình BBC của Anh ghi hình trong một bộ phim tài liệu mang tên “Cuộc chiến bí mật trong rừng Miến Điện” phát sóng đầu tháng 5 vừa rồi.

Hành trình xuyên rừng

Ông Ian Simpson là một nha sĩ tập sự 17 tuổi khi Chiến tranh thế giới thứ Hai bùng nổ. Ông gia nhập trung đoàn Black Watch khi tròn 18 tuổi. Sau đó, ông chuyển tới trung đoàn bộ binh Gurkha. Mắt ông rất kém nên đã phải gian lận các cuộc kiểm tra để được nhập ngũ. Lúc đó, ông cũng như toàn nước Anh đang rất quyết tâm chống quân phát xít.

Tấm ảnh cuối cùng mà cha con ông Joe chụp cùng nhau.

Mùa xuân năm 1944, khi 22 tuổi, ông được thuyên chuyển tới Chindits - lực lượng có 1.350 quân, chuyên đánh du kích quân Nhật ở Myanmar. Chindits được triển khai để thực hiện ba nhiệm vụ, một trong số đó là cản bước tiến của quân Nhật tới Ấn Độ qua Miến Điện.

Lực lượng Chindits đã phải đi bộ ròng rã 4 tháng trong khu rừng phía sau chiến tuyến của quân Nhật, đối mặt với các trận đánh giáp lá cà với binh sĩ Nhật đi tuần tra, chịu đựng tình cảnh kiệt sức, đói khát cũng như dịch bệnh như thương hàn, bạch hầu, viêm gan, sốt rét và kiết lỵ.

Trong suốt 17 tuần, họ ngủ trên đất rừng, đắp chăn mỏng. Bên trên chỉ là một tấm bạt phủ hoặc một nơi ở dựng tạm thô sơ để trú mưa. Họ hiếm khi được ăn thức ăn tươi và khẩu phần ăn chẳng mấy chốc đã cạn kiệt sau hai tuần, khiến họ bị suy dinh dưỡng nặng. Trung bình mỗi người sụt gần 20 kg. Có những lần các bác sĩ đi theo đoàn phải bắn những người bị thương vì không thể di chuyển họ đi được và không muốn họ rơi vào tay quân Nhật. Chính ông Ian đã từng phải làm điều khó khăn này.

Hiếm khi ông Ian nói về những gì đã trải qua ở rừng rậm Miến Điện. Sau chiến tranh, ông gia nhập Pháo binh Hoàng gia và đồn trú tại Malaysia, Gibraltar, Bắc Ireland và Đức. Ông qua đời năm 2010, để lại toàn bộ các cuốn nhật ký và bản đồ cho Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc. Đây cũng là những thứ duy nhất mà ông Joe biết về quá khứ chiến tranh của cha.

Theo dấu chân

Hành trình lần theo dấu chân cha đối với ông Joe có một điều may mắn là cha ông đã đánh dấu chính xác kinh độ và vĩ độ của 82 địa điểm mà ông và đồng đội đã đóng quân trên bản đồ. Ông Joe và bạn đồng hành chỉ mất 5 tuần, thay vì 17 tuần như cha ông, khi đi dọc tuyến đường 500 km của lực lượng Chindits qua các vùng miền Myanmar.

Ông Joe (phải) và bạn đồng hành trong chuyến đi theo dấu chân cha mình ở Myanmar.

Họ bắt đầu từ Innwyar, một ngôi làng nhỏ trên bờ sông Irrawaddy của Myanmar, sau đó hướng về phía đông ở chân dãy Himalayas, tiến về phía bắc và kết thúc gần thành phố Mytikyian. Điểm dừng chân đầu tiên là đường băng Chowringee, nơi bắt đầu của một trong những chiến dịch trên không lớn nhất thời Chiến tranh thế giới thứ Hai. Chiến dịch này cực kỳ nguy hiểm khi hơn 20.000 binh sĩ được huấn luyện đặc biệt, 3.000 con la và hàng tấn hàng đã được thả xuống giữa rừng lúc nửa đêm. Ông Ian là một trong số đó.

Ông Ian viết về đêm trước khi nhảy dù xuống rừng rậm trong nhật ký: “Thứ 5 ngày 9/3/1944. Rời đi lúc 20 giờ 25 để tới Chowringee lúc 21 giờ 45. Một địa điểm khá thoải mái và có nhiều đồ ăn ngon, sau đó ngủ một mạch tới 7 giờ 30. Mọi người đều ổn và không có điều gì thất vọng”.

Sau đó, ông Joe và Stafford đi bộ 15 km qua các trại thời chiến của ông Ian, vượt sông Shweli rộng hơn 500 mét. Trong đội hình 400 người của ông Ian hồi đó, nhiều người không biết bơi nên họ mất gần cả ngày mới qua được con sông này. Khi ông Joe tới được nơi đóng quân thứ 10, ông đã ở sâu trong rừng tới 20 km.

Hành trình tiếp theo của họ là từ Bhamo tới thung lũng sông Taipang - nơi lực lượng Chindits tiến về phía bắc. Khi nhóm của ông Ian tìm cách qua sông Taipang ngày 25/4/1944, họ biết rằng bơi qua sông là điều không thể nên đã phải đi xa hơn tới một cây cầu nhỏ bắc qua sông ở phía hạ nguồn. Qua sông, họ phải đi 2 km qua một ngọn đồi cao hơn 300 mét giữa mùa mưa. Mưa như trút khiến hành trình trở thành địa ngục khi vừa phải mang vác nhiều vật nặng, vừa phải lo đối phó với kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội.

Sau khi vượt quả đồi, đoàn quân tiến xuống đồng bằng sông Irrawaddy và vào thành phố Maingna North. Ông Ian viết: “Thứ ba, ngày 30/5. Đoàn người chật vật mất cả ngày thoát ra khỏi Maingna North”. Sau đó, ông Ian mô tả cảnh một chiếc C - 47 bị 6 chiếc chiến đấu cơ Nhật Bản bắn hạ đang bốc cháy ngùn ngụt.

Cũng trong ngày đó, lực lượng của ông Ian tấn công ngôi làng đầu tiên là Waimaw. Họ vào khu vực đồng bằng, đi bộ theo một hàng tiến thẳng vào làng. Cuộc giao tranh ở làng này khiến rất nhiều người chết. Tiếp đó là một trận chiến đẫm máu nhất tại địa điểm mà ông Ian đánh số trên bản đồ. Ông Ian và đồng đội vấp phải một ổ phục kích của quân Nhật. Ông đã bị thương khi một lính Nhật lao ra và dùng kiếm đâm ông.

Trong vòng một tuần, ông Ian nhiễm bệnh sốt mò. Nhiệt độ cơ thể lên hơn độ C và được trực thăng đưa về. Ông may mắn vì là một trong 25 người còn sống sót và hồi phục trong khi đa số đồng đội đều nằm lại đài tưởng niệm chiến tranh ở Yangon. Sau khi về Anh, ông đã kết hôn và có 5 người con.

Khi tới đài tưởng niệm này, ông Joe cho biết cảm giác rất lạ khi nhận ra những cái tên và ngày tháng chính xác như những gì cha mình đã viết trong nhật ký. Ông nói: “Tôi rất tự hào về cha mình nhưng tôi đã thấy khó nói điều đó với ông. Đó là điều tôi lúc nào cũng sẽ thấy hối tiếc”.
Thùy Dương
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN