Ngày 1/5/1960, chiếc máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã “biến mất” khi đang bay trong không phận Liên Xô. Sự cố này đã phá tan kế hoạch thảo luận nhằm làm dịu bớt căng thẳng giữa hai nước. Ít ai biết được điều gì đã xảy ra với chiếc U-2 được coi là niềm tự hào của Không quân Mỹ khi đó.
Kỳ 1: Mất tích bí ẩn
Đầu thập niên 1950, với những căng thẳng đang gia tăng của Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ rất cần một thiết bị trinh sát chiến lược tốt hơn để thăm dò các kế hoạch của quân đội Liên Xô. Trong khi đó, máy bay trinh sát ở thời điểm ấy chủ yếu là những chiếc máy bay ném bom được chuyển đổi, dễ bị pháo phòng không, tên lửa và các máy bay chiến đấu của đối phương bắn hạ. Vì vậy, Mỹ cho rằng một chiếc máy bay hoạt động ở độ cao trên 20 km sẽ vượt quá tầm với của các máy bay chiến đấu, tên lửa và thậm chí là cả radar của Liên Xô. Nó sẽ cho phép thực hiện các chuyến bay xâm nhập vào không phận nước khác để trinh sát.
Cũng trong thời gian này, Liên Xô tuyên bố đã chế tạo thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Mỹ. Điều này khiến cho Washington hết sức đau đầu và gấp rút tìm cách kiểm tra tình hình thực tế. Ngay lập tức, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã chỉ thị cho Allen Dulles, Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bắt tay nghiên cứu chế tạo loại máy bay trinh sát tầm cao.
Sau một cuộc gặp với Tổng thống Eisenhower, Tập đoàn Lockheed Aircraft nhận được một hợp đồng trị giá 22,5 triệu USD cho 20 chiếc máy bay đầu tiên. Những chiếc máy bay này sau đó được đặt tên là U-2, với biệt danh “Thiên sứ”. Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của U-2 được triển khai vào tháng 8/1955 và loại máy bay này chính thức được đưa vào hoạt động năm 1956 dưới sự quản lý của CIA. Ban đầu, Mỹ nói rằng nó được sản xuất để nghiên cứu thời tiết phục vụ cho Không quân Mỹ. Tuy nhiên sau đó, báo chí phát hiện ra các nhiệm vụ của U-2 ở bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.
Những chiếc U-2 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ở độ cao “không tưởng” (khoảng 21 km, gấp đôi độ cao của các máy bay thương mại) và làm nhiệm vụ không kể ngày đêm. Về thiết kế, U-2 là loại máy bay do thám một chỗ ngồi, một động cơ, thân dài, cánh rộng cùng với hệ thống cảm biến, camera độ nét cao, làm nhiệm vụ trinh sát.
Sơ đồ tuyến đường trinh sát và vị trí chiếc U-2 bị bắn hạ. |
Thiết kế độc nhất vô nhị đã khiến U-2 có những tính năng đáng khâm phục nhưng cũng khiến nó trở thành chiếc máy bay khó điều khiển. U-2 rất nhạy cảm với gió và rất khó hạ cánh. Để hỗ trợ phi công hạ cánh, một chiếc xe chuyên dụng cùng với người chỉ dẫn sẽ thông báo mức hạ độ cao của máy bay khi nó giảm tốc độ. Vì hoạt động ở tầm rất cao nên phi công phải mặc bộ quần áo bay theo kiểu chuyên dụng cho phi hành gia vũ trụ. Bộ đồ này có thể cung cấp khí ôxy và bảo hộ khẩn cấp trong trường hợp bị mất áp suất cabin ở trên cao.
Trên thực tế, U-2 chưa bao giờ được chế tạo để đo đạc thời tiết. Nó được trang bị những camera độ nét cao để chụp ảnh và hệ thống điện tử tinh vi nhằm thu thập các thông tin tình báo. Mục tiêu chính của U-2 lúc đó là Liên Xô, đối thủ lớn nhất của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Mỹ sẽ dựa vào những thông tin này để đánh giá các tiến bộ trong khoa học và công nghệ của Liên Xô, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Ngoài ra, U-2 cũng được sử dụng để thu thập thông tin tình báo liên quan đến các hoạt động quân sự trong các cuộc xung đột ở Syria, Iraq, Saudi Arabia, Lebanon và Yemen lúc đó.
Ngày 4/7/1956, U-2 bắt đầu thực hiện sứ mệnh gián điệp đầu tiên tại vùng trời Liên Xô. Vì Liên Xô khi đó chưa chế tạo được loại vũ khí nào có khả năng bắn rơi máy bay gián điệp bay cao như vậy nên chỉ biết "nhìn trời và than thở", mặc cho U-2 tự tung tự tác suốt 4 năm sau đó. Cũng trong thời gian này, U-2 đã thu thập được rất nhiều tin tức có giá trị và nhờ vào đó mà Tổng tống Eisenhower tuyên bố rằng Liên Xô không hoàn toàn chiếm ưu thế về vũ khí hạt nhân so với Mỹ.
Nhưng đến ngày 1/5/1960, tình hình đã thay đổi. Vào đêm trước kỳ nghỉ ngày Quốc tế Lao động, phi công Francis Gary Powers của CIA cùng chiếc U-2 cất cánh từ một căn cứ ở Pakistan và bay tới một căn cứ quân sự khác tại Na Uy. Với đường bay như kế hoạch ban đầu, Powers sẽ bay qua 5.000 km thuộc không phận Liên Xô. Việc bay do thám như thế này Powers đã thực hiện vài lần. Những lần trước Powers chỉ bay đến khu vực gần Moskva, nhưng trong nhiệm vụ lần này, Powers sẽ phải vào sâu hơn nữa, tới vùng trời trên eo biển Baren để làm nhiệm vụ trinh sát. Cùng phối hợp với hành động với Gary Powers còn có một chiếc U-2 khác cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ, bay dọc theo biên giới Liên Xô nhằm đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý của các trạm rađa Liên Xô.
Powers không thể ngờ rằng đây là chuyến bay gián điệp cuối cùng của anh ta bởi với thiết kế đặc biệt, U-2 có thể dễ dàng trốn thoát sự kiểm soát của các radar và tên lửa phòng không của đối phương. Khi đến gần thành phố Sverdlovsk Oblast ở dãy núi Ural, Powers đã đụng độ với những chiến đấu cơ của Liên Xô nhưng anh ta vẫn yên tâm rằng các máy bay tiêm kích này không thể làm gì như những lần trước.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau, những tiếng nổ chát chúa bất thình lình vang lên, 14 tên lửa SAM-2 đã đồng loạt xuất kích nhằm vào chiếc U-2. Powers trong lúc hoảng hốt chỉ kịp nhấn nút thoát hiểm, còn chiếc U-2 đã bị trúng đạn và nổ tung. Khi vừa chạm đất, Powers đã bị lực lượng an ninh Liên Xô tóm gọn.
C.T (Theo WorldSocialist/CAND)
Đón đọc kỳ cuối: Vén màn
bí mật