Hệ thống cơ quan tình báo dày đặc của Mỹ

Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) chỉ là vài cái tên phổ biến trong hệ thống tình báo dày đặc của Mỹ. Trong thực tế, Mỹ có tới 17 cơ quan tình báo và ngành tình báo đã trải qua lịch sử lâu đời.

Quỹ Mật vụ

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington. Ảnh: Wikipedia

Tháng 1/1790, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của nước Mỹ, Tổng thống đầu tiên George Washington đã đề nghị Quốc hội cấp ngân sách để thu thập thông tin tình báo nước ngoài. Ông muốn loại bỏ mối đe dọa từ nước ngoài nhằm vào Mỹ bằng cách biết thông tin về mối đe dọa trước khi nó có thể xảy ra. 

Quốc hội đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Washington và thành lập Quỹ Giao dịch Nước ngoài Dự phòng hay còn gọi là Quỹ Mật vụ. Số tiền được rót cho quỹ này hàng năm là 40.000 USD, trong đó Tổng thống có thể dùng theo ý mình mà hầu như không bị giám sát. 

Chỉ trong vòng 3 năm, số tiền quỹ nhận được hàng năm đã lên tới 1 triệu USD. Hiện nay, ngân sách cho các hoạt động tình báo Mỹ khoảng 70 tỷ USD/năm.

Trong 70 năm đầu hoạt động, Quỹ Mật vụ là mô hình giống “cơ quan tình báo nhất” mà Mỹ có, mặc dù đó chỉ là một quỹ, không phải là một cơ quan. Quỹ nhanh chóng được sử dụng cho cả những mục đích khác ngoài thu thập thông tin tình báo.

Năm 1801, Tổng thống Thomas Jefferson đã sử dụng quỹ này để lần đầu tiên thực hiện âm mưu lật đổ lãnh đạo của một chính phủ nước ngoài: ông Yusuf Karamanli, Tổng trấn Tripoli - một bang của Nam Phi khi đó. Chiến dịch này do Hải quân Mỹ, lính đánh thuê Hy Lạp và Arab thực hiện nhằm thay thế Tổng trưởng Karamanli bằng một người thân thiện với Mỹ hơn. Tuy nhiên, chiến dịch thất bại.

Từ năm 1810-1812, Tổng thống James Madison đã dùng quỹ này để hỗ trợ các chiến dịch tuyên truyền và bán quân sự nhằm chiếm khu vực Florida do Tây Ban Nha kiểm soát. Các chiến dịch này cũng thất bại. Sau này, vào năm 1819, Mỹ cũng có được Florida.

Đầu những năm 1840, Tổng thống John Tyler và Ngoại trưởng Daniel Webster đã dùng tiền của Quỹ Mật vụ để ủng hộ nỗ lực tuyên truyền mà họ hy vọng sẽ giúp giải quyết tranh chấp biên giới Mỹ-Canada. Họ hối lộ tổng biên tập và phóng viên các báo để đăng bài viết có lợi cho quan điểm Mỹ. Lần này, Mỹ đã thành công.

Cơ quan tình báo chính thức đầu tiên

Chú thích ảnh
Ông George H. Sharpe. Ảnh: US Army

Mỹ thành lập cơ quan tình báo chính thức đầu tiên vào năm 1863, khoảng 2 năm khi xảy ra nội chiến. Khi đó, quân đội Liên bang miền Bắc đã thành lập Cục Thông tin Quân sự (BMI). Cả hai bên tham chiến đều tham gia hoạt động tình báo, đặc biệt là sử dụng trinh sát và gián điệp ngay từ đầu cuộc chiến để thu thập thông tin về động thái của kẻ thù. Tuy nhiên, những nỗ lực này có kết quả mâu thuẫn và tổ chức kém.

BMI đã thay đổi dưới thời lãnh đạo đầu tiên là ông George H. Sharpe, một luật sư, nhà ngôn ngữ, nhà ngoại giao và đại tá quân đội tình nguyện ở New York. BMI đã trở thành một đơn vị thu thập thông tin tình báo thực sự và hiện đại hơn. Cơ quan này có gần 70 trinh sát dân sự và quân sự làm việc toàn thời gian, điều hành các đường dây gián điệp, chặn thư từ và liên lạc, xây dựng chiến dịch bẻ mật mã và viết mật mã, thực hiện các chương trình thẩm vấn. Ông Sharpe đã thành lập các đơn vị để tổ chức thông tin thu thập được thành các báo cáo và được chuyển ngay tới các chỉ huy quân đội liên quan.

Nhờ những việc đó, BMI đã có công trong tăng cường chiến dịch tình báo của quân đội Liên bang miền Bắc và đóng vai trò quan trọng trong một số chiến thắng lớn của cuộc nội chiến. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn là một chương trình tạm thời trong thời chiến và bị giải tán khi nội chiến kết thúc năm 1865.

Sau nội chiến, người Mỹ quan tâm tới tái thiết đất nước và không quan tâm tới quân đội. Kết quả là quy mô cả lục quân và hải quân giảm đáng kể. Đầu những năm 1880, người dân Mỹ bắt đầu để ý tới một xu hướng đáng lo. Khi quy mô quân đội Mỹ giảm thì các nước khác như Anh, Pháp, Nga và Nhật Bản lại xây dựng, hiện đại hóa và tăng cường quân đội, đặt ra mối quy hiểm tiềm tàng cho Mỹ. Điều tệ hơn là Chính phủ Mỹ không thể theo dõi những tiến triển của quân đội các nước vì công tác thu thập thông tin tình báo bị phi tập trung hóa và không có tổ chức.

Các cơ quan tình báo thời chiến

Chú thích ảnh
Sảnh Tổng hành dinh CIA ở Langley, Virginia, Mỹ. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, mọi chuyện sắp sửa thay đổi. Năm 1881, Tổng thống James Garfield bổ nhiệm ông William H. Hunt làm Bộ trưởng Hải quân và từ đó, tình trạng của Hải quân Mỹ cũng như hoạt động tình báo thay đổi hoàn toàn. Ông Hunt ra lệnh thành lập Văn phòng Tình báo Hải quân (ONI) – cơ quan tình báo chính thức và thường trực đầu tiên trong lịch sử Mỹ. ONI khác xa so với các cơ quan tình báo sau này. Trong 10 năm đầu tiên, ONI chỉ có trung bình 10 nhân viên. Năm 1885, Lục quân Mỹ học tập Hải quân và thành lập đơn vị tình báo riêng mang tên Sư đoàn Thông tin Quân sự (MID). 

Trong vài năm sau, hai đơn vị tình báo này phát triển hệ thống tùy viên, trong đó tùy viên lục quân và hải quân làm việc trong các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài, trở thành đại diện của quân đội Mỹ. Nhưng trong thực tế, họ là sĩ quân thuộc ONI và MID, chuyên thu thập thông tin tình báo về quân đội của quốc gia họ đang hoạt động. Cả ONI và MID đều phát triển chậm trong vài năm sau đó. Khi sắp bước sang thế kỷ mới, mọi thứ lại thay đổi lần nữa do chiến tranh.

Khi tham gia vào ngày càng nhiều cuộc chiến và có nhiều kẻ thù mới, nhu cầu thu thập thông tin tình báo gia tăng. Khi các chiến dịch quân sự của Mỹ mở rộng, quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ quan tình báo Mỹ cũng mở rộng theo. Bước vào thế kỷ 20, các cơ quan tình báo hiện đại hình thành nhưng nhiệm vụ vẫn bao gồm thu thập, phân tích thông tin tình báo; phản gián; hoạt động ngầm; gián điệp.

Đầu thế kỷ 20, hoạt động tình báo của Mỹ phát triển mạnh. Cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, Chính phủ Mỹ đã tuyển hàng chục nghìn người làm tình báo trong nhiều tổ chức.

Năm 1908, Cục Điều tra – tiền thân của Cục Điều tra Liên bang (FBI) - được thành lập và trực thuộc Bộ Tư pháp. Ban đầu là đơn vị điều tra hình sự liên bang, Cục Điều tra nhanh chóng trở thành cơ quan tình báo nội địa có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và do thám người dân tại Mỹ.

Năm 1919, Bộ Ngoại giao Mỹ và quân đội Mỹ cùng thành lập Phòng Đen (Black Chamber), một đơn vị phá mật mã. Black Chamber phá mật mã dùng trong điện tín ngoại giao của nước ngoài. Đây là cơ quan tình báo phi quân đội và thành lập trong thời bình đầu tiên của Mỹ. Cơ quan này đóng cửa năm 1929 nhưng được coi là tiền thân của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) ngày nay.

Năm 1942, Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS) được thành lập, là cơ quan tình báo thống nhất cho mọi binh chủng quân đội Mỹ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi kết thúc chiến tranh, OSS có hơn 24.000 nhân viên.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, các cơ quan tình báo Mỹ không thu hẹp mà còn mở rộng hơn khi Mỹ bước vào Chiến tranh Lạnh với Liên Xô. Khi đó, OSS tách thành hai: Một là Cục Tình báo và Nghiên cứu phục vụ Bộ Ngoại giao và vẫn hoạt động tới ngày nay. Hai là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Kỷ nguyên bê bối

Chú thích ảnh
Ủy ban Tình báo Hạ viện điều tra rủi ro của các chiến dịch tình báo Mỹ. Ảnh: AP
 

Đầu những năm 1970, các cơ quan tình báo dính hàng loạt bê bối. Nhiều thông tin tiết lộ cho thấy họ lạm dụng quyền lực. FBI thực hiện chiến dịch thâm nhập và do thám bất hợp pháp trên diện rộng nhằm vào các tổ chức chính trị trong nước từ những năm 1950. NSA do thám các lãnh đạo dân quyền như Martin Luther King. CIA bí mật mở và đọc thư của người Mỹ trên quy mô lớn và thường xuyên từ những năm 1950. CIA cũng tham gia lật đổ chính phủ nước ngoài và ám sát hay có âm mưu ám sát lãnh đạo nước ngoài.

Sau đó, Quốc hội Mỹ thực hiện hàng loạt cuộc điều tra và thông qua nhiều luật hạn chế hoạt động của cơ quan tình báo. Giữa những năm 1970, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thành lập các ủy ban thường trực để giám sát hoạt động tình báo. Đây là lần đầu tiên Quốc hội đặt chân vào thế giới tình báo Mỹ.

Theo trang todayifoundout, dù căng thẳng với Quốc hội nhưng các cơ quan tình báo tiếp tục mở rộng cả quy mô và số lượng. Ngày nay, có 17 cơ quan tình báo riêng biệt ở Mỹ do Giám đốc Tình báo Quốc gia giám sát và người này có trách nhiệm báo cáo trực tiếp tổng thống Mỹ. 

Thùy Dương/Báo Tin tức
DMZ trên Bán đảo Triều Tiên – Đường biên giới Chiến tranh Lạnh cuối cùng 
DMZ trên Bán đảo Triều Tiên – Đường biên giới Chiến tranh Lạnh cuối cùng 

Ngày Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un bắt tay tại Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt Hàn Quốc và Triều Tiên, ông chính là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ Triều Tiên khi bước qua đường ranh giới lịch sử. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN