Một điều huyễn hoặc ư? Hoàn toàn không phải. Ernest Hemingway không chỉ biết đến như một trong những cây bút hàng đầu trong thời gian diễn ra hai cuộc chiến tranh thế giới, mà còn nổi tiếng bởi tính ưa mạo hiểm. Cuộc sống đầy phiêu lưu đã đưa Hemingway rất nhiều miền đất khác nhau, đem đến cho ông chất liệu, xúc cảm để tạo ra những tác phẩm để đời như: Giã từ vũ khí, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả…. Nhưng cũng chính nó là nguồn cội nảy sinh những ý tưởng điên rồ trong cuộc đời ông chủ của giải Pulizer năm 1953 và giải Nobel văn học năm 1954 này. Một trong số đó là việc sử dụng tàu đánh cá ra biển để săn tàu ngầm của phát xít Đức.
Một Hemingway viết văn viết báo. |
Năm 1942, khi nước Mỹ vừa chính thức tuyên bố tham gia vào cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Hemingway đang ở Cuba. Là một người yêu nước, Hemingway quyết tâm làm một điều gì đó cho Tổ quốc. Nghĩ vậy, Hemingway liền đến Đại sứ quán Mỹ ở La Havana gặp Đại sứ S. Braden và đưa ra ý tưởng dùng tàu đánh cá tiêu diệt tàu ngầm của phát xít Đức. Dù biết Hemingway là một người ưa mạo hiểm, rất thích câu cá, uống rượu và đặc biệt là khi làm việc không tính đến hậu quả, nhưng Đại sứ Braden vẫn quyết định để Hemingway thử một phen. Không những vậy, ông ta còn đồng ý cấp cho Hemingay mỗi tháng 500 USD phí hoạt động.
Một Hemingway ưa mạo hiểm. |
Hemingway nhanh chóng bắt tay vào xây dựng kế hoạch săn tàu ngầm của phát xít Đức mang tên “Đơn độc không cần sự trợ giúp”. Theo đó, Hemingway cùng các cộng sự của mình sẽ thường xuyên điều khiển chiếc tàu đánh cá hiệu Piller ra biển tìm kiếm tàu ngầm Đức. Một khi phát hiện tàu ngầm của phát xít Đức nổi lên mặt nước, họ sẽ sử dụng hỏa lực sẵn có để tấn công, đồng thời tìm cách áp sát ném lựu đạn vào cửa thông hơi trên tàu ngầm Đức. Ngày này qua ngày khác, chiếc Piller của Hemingway cứ hăm hở xuất kích rồi lại buồn bã trở về mà chẳng đem lại bất cứ chiến quả gì ngoài một lần duy nhất tao ngộ kẻ địch ở cự ly gần.
Hôm đó, viên thủy thủ phụ trách đài quan sát trên chiếc Piller phát hiện ra một chiếc tàu có hình thù kỳ lạ. Do thiếu kiến thức quân sự, cho nên, ban đầu viên thủy thủ này báo xuống là anh ta nhìn thấy một chiếc tàu sân bay, sau đó lại cho rằng đó là một chiếc tàu kéo. Nhưng khi chiếc Piller tiến lại gần chiếc tàu nọ, anh ta mới tá hỏa vì nó đích thị là một chiếc tàu ngầm của phát xít Đức đang nổi lên mặt nước. Lệnh báo động được phát ra, tất cả các thuyền viên lao đi lấy súng và lựu đạn, sẵn sàng cho cuộc chiến đầu tiên với tàu ngầm Đức. Tuy nhiên, điều làm họ thất vọng là chiếc tàu ngầm của Đức bất ngờ lặn xuống, mất hút vào lòng biển sâu.
Hemingway lập tức báo cáo việc này về trung tâm, nhưng không được ai chú ý. Hai ngày sau, thực tế đã chứng minh những gì Hemingway nói không phải là hoang báo: lực lượng tuần duyên Mỹ phát hiện một chiếc tàu ngầm Đức đã xâm nhập lãnh hải nước này, đưa một toán gián điệp Đức đổ bộ lên bờ biển. Tuy Hemingway vẫn kiên trì theo đuổi kế hoạch đã vạch ra, nhưng các cộng sự của ông lại khiến người ta không thể tin tưởng. Bởi trong số đó có kẻ từng buôn lậu vũ khí, có kẻ suốt ngày chỉ cờ bạc, tử tế ra thì làm kế toán nhà hàng. Chính vì vậy, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ngờ rằng đám người ô hợp này chỉ lợi dụng việc săn tàu ngầm Đức để moi tiền chính phủ, thỏa chí tang bồng (câu cá trên biển). Năm 1943, Đại sứ Braden quyết định cắt đứt nguồn tài trợ, chính thức đặt dấu chấm hết cho kế hoạch “Đơn độc không cần sự trợ giúp” do Hemingway đề ra.
Minh Thành(Theo China Defense)