Tuy nhiên, quá trình điều tra vụ án tiến triển rất chậm. Lúc đầu người ta hy vọng rằng, vụ án này tương tự như vụ án mạng ở Hà Lan, xảy ra 3 tuần trước vụ Adam. Một phần thi thể không có đầu, chân tay của một bé gái da trắng khoảng 5 - 7 tuổi đã được phát hiện ở một hồ nước vùng Nulde, còn phần đầu thì được ngư dân phát hiện cách xa nhiều dặm ở Hook của Hà Lan. Nhưng vì quá trình điều tra còn dò dẫm nên người ta chưa tìm ra mối liên hệ giữa hai vụ án.
Adam chính là cậu bé Ikpomwosa, được Osiagede nhận diện. |
Lại có thêm hy vọng, chỉ sau vài ngày sau khi phát hiện xác của Adam, cảnh sát tìm thấy những ngọn nến cháy dở được gói trong mảnh vải trắng cùng với một cái tên Nigiêria, cách hai dặm so với vị trí tìm thấy xác Adam. Những vật chứng đó được cho là một phần trong lễ tạ ơn của một gia đình Nigiêria vì người thân của họ đã thoát chết trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại New York.
Gần 1 năm sau, tháng 7/2002, một nhân viên Bộ Dịch vụ Xã hội ở Glasgow đã báo cáo với Sở Cảnh sát Luân Đôn rằng, một khách hàng của bà là một phụ nữ Nigiêria 31 tuổi cho biết, một nhóm giáo phái hành nghề Muti đã âm mưu giết hại con trai bà. Người phụ nữ tên Joyce Osiagede này cho hay, chị ta từ Đức tới Anh và đã trốn khỏi một giáo phái của bộ tộc Yoruba (ở vùng Benin, Nigiêria), nơi quen thuộc với những vụ giết người hiến tế.
Phóng viên Ronke Philips của “London Tonight” phỏng vấn Joyce Osiagede (phải). |
Khi các thám tử đến được Xcốtlen để thẩm vấn Joyce Osiagede thì mới phát hiện trong số quần áo của các con của Joyce có một chiếc quần soóc màu da cam cùng hãng sản xuất với chiếc quần của Adam. Họ tin rằng đã có một bước đột phá ở đây. Nhưng điều đó chưa đủ kết tội Osiagede, vì bà ta đã sống một thời gian ngắn ở Đức và đã mua cùng một loại quần áo với Adam. Osiagede bác bỏ có liên quan đến cái chết của cậu bé.
Do không đủ chứng cứ kết tội Osiagede, nhà chức trách Anh đã ra lệnh trục xuất người phụ nữ này. Bà ta cùng với các con của mình sau đó đã phải trở lại quê nhà ở Nigiêria.
Nhưng vận may chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn. Bằng việc điều tra bà Osiagede, cảnh sát đã lần ra người chồng của người phụ nữ này là Sam Osiagede, trước đó đã bị cảnh sát Dublin (Ailen) bắt giữ theo lệnh truy nã của Đức. Năm 2001, tòa án Đức đã kết án vắng mặt Sam Osiagede 7 năm tù giam vì liên quan đến buôn người. Osiagede đã được xét nghiệm ADN để xem hắn có phải là cha đẻ của Adam hay không. Tuy nhiên mẫu ADN của cả hai vợ chồng hắn đều không phù hợp với mẫu của Adam.
Căn cứ vào lời khai của Sam Osiagede, cảnh sát Luân Đôn đã đột kích vào 9 địa chỉ ở phía đông và đông nam thành phố, bắt 21 người, trong đó có11 phụ nữ, bị tình nghi liên quan đến hoạt động buôn bán trẻ em.
Phần lớn trong số 21 người bị bắt đều đến từ Benin (Nigiêria), chính là địa điểm mà các thám tử từng chỉ ra rằng Adam có nhiều khả năng đã sống ở đó. Benin cũng là nơi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng có nhiều trẻ em từ Tôgô, Mali, Buốckina Phaxô và Gana bị buôn lậu và đưa tới đây.
Khi cảnh sát đột kích vào các ngôi nhà và chung cư khác, họ đã tình cờ phát hiện một đầu thú cùng với một móng vuốt đâm xuyên qua chiếc đầu, chứng tỏ vài loại thuốc Muti đã được sử dụng tại đây. Trưởng thanh tra William Oreilly cho biết: “Chúng tôi đã bắt những tên có khả năng đã buôn lậu Adam vào nước này. Adam có lẽ đã bị giết để mang lại may mắn cho những kẻ buôn lậu em”.
Mặc dù vậy không ai trong số 21 người bị bắt bị buộc tội có liên quan đến Adam. Có vẻ như là không một ai sẽ bị đưa ra xét xử trước pháp luật trong tội ác kinh hoàng này. Người ta đi đến ý tưởng đình chỉ vụ án vì nhiều lý do khác nhau.
Adam được chôn cất trong một nhà thờ ở Luân Đôn, không tên tuổi, không người thân thích. Không ai bị bắt hay bị kết tội trong cái chết của em sau cuộc điều tra phức tạp, liên quan đến các nhân viên điều tra trên khắp châu Phi và châu Âu, với chi phí lên tới 1 triệu bảng Anh.
Mãi gần đây, tháng 3/2011, 10 năm kể từ khi vụ án bắt đầu, danh tính của Adam mới được xác định. Một nhóm phóng viên Anh đã tìm lại Joyce Osiagede, người duy nhất bị bắt tại Anh trong cuộc điều tra vụ án Adam, tại một ngôi làng ở Nigiêria. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình London Tonight của Đài truyền hình ITV, Osiagede đã nhận ra đứa trẻ trong bức ảnh mà cơ quan điều tra nghi là Adam, và cho biết, tên thật của đứa bé là Ikpomwosa. Chính Osiagede đã chăm sóc cậu bé khi cậu sống ở Đức trong 1 năm trước khi chị ta tới Anh vào năm 2001. Osiagede cũng kể lại, chị ta đã giao lại đứa trẻ cho một người đàn ông là Bawa. Người này sau đó thông báo với Osiagede rằng đứa trẻ đã chết và dọa giết chị ta nếu không biết giữ mồm. Theo nhân chứng quan trọng này, cậu bé Ikpomwosa đã bị một nhóm người giết hại trong một nghi lễ hiến tế.
Các nhà điều tra Luân Đôn đã tiếp tục trở lại Nigiêria để lật lại những chi tiết về vụ án 10 năm trước nhưng cho đến nay vẫn chưa có thêm nghi phạm nào bị bắt giữ. Vụ án Adam được cho là vụ đầu tiên trong số những vụ giết người kiểu Muti ở Luân Đôn, nhưng có lẽ không phải là vụ cuối cùng.
Bạch Đàn