Theo Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Georgia (DNR), một thanh niên 23 tuổi vừa chết đuối vào ngày 2/9 sau khi trượt chân và rơi khỏi bến tàu xuống hồ Lanier ở bang Georgia. Đây là cái chết thứ tư tại hồ này trong vài tuần trở lại đây và là cái chết thứ 8 chỉ riêng trong năm 2023. Đây là một con số gây giật mình đối với một điểm đến vui chơi giải trí phổ biến.
Đón trên 11 triệu du khách mỗi năm, vùng nước rộng 152km2 này có hàng trăm km bờ và là hồ nổi tiếng nhất ở Đông Nam nước Mỹ. Đây cũng là nơi nguy hiểm nhất trong khu vực.
Theo USA Today và Georgia DNR, trên 200 người đã chết ở hồ Lanier từ năm 1994 đến năm 2022, trong đó hầu hết các trường hợp tử vong là do đuối nước.
Mặc dù một số chuyên gia chỉ ra rằng du khách uống rượu quá mức và lượng du khách quá đông là lý do khiến số người chết ở hồ này ngày càng tăng, nhưng nhiều người dân Georgia nhanh chóng cho rằng hồ nước này bị ma ám do lịch sử chủng tộc phức tạp và đẫm máu.
Nằm ở phía Đông Bắc Atlanta với mực nước sâu 48m, hồ Lanier hình thành trên khu vực từng là nơi sinh sống của một cộng đồng người da đen, tuy nhỏ nhưng phát triển thịnh vượng vào đầu những năm 1900, cho đến khi những người dân đó bị ép phải chạy trốn một cách thô bạo.
Ông Mark Huddle, Giáo sư tại Đại học Bang Georgia chuyên về lịch sử người Mỹ gốc Phi, nhận định với Yahoo News: “Tôi không cần phải tin vào ma quỷ thì mới tin rằng một nơi như hồ Lanier có thể bị ám. Điều ám ảnh là đây là nơi diễn ra cuộc đấu tranh chủng tộc đen tối và đẫm máu ở Mỹ”.
Nhiều thập kỷ sau khi thanh lọc chủng tộc, vùng đất tươi tốt và màu mỡ, nơi từng có nhiều cơ sở làm ăn và nhà cửa của người da đen, đã bị ngập lụt và hình thành nên vùng mà ngày nay là hồ Lanier.
Ông Huddle nói: “Chúng tôi là những người bị ám ảnh bởi những gì đã xảy ra và không ai thực sự muốn đối đầu với lịch sử đó”.
Ngay trước khi hồ Lanier hình thành, vùng đất này là nơi sinh sống của một cộng đồng nhộn nhịp tên là Oscarville, xuất hiện vào cuối những năm 1800 trong thời kỳ tái thiết (1865–1877). Người dân ở thị trấn Oscarville chủ yếu là người da trắng nhưng có một nhóm dân số da đen nhỏ nhưng có ảnh hưởng. Họ là những người thợ mộc, thợ rèn, thợ nề và nông dân thành đạt trong khu vực mà đại đa số người dân ở bang phải chật vật kiếm sống.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào năm 1912 khi người ta tìm thấy một phụ nữ da trắng 18 tuổi tên là Mae Crow bị đánh đập, cơ thể đẫm máu và bất tỉnh trong khu rừng gần Oscarville một cách bí ẩn.
Sau đó, Crow đã chết vì vết thương nặng. Ba thanh niên da đen bị cáo buộc cưỡng hiếp và giết hại Crow. Ba người này là những người duy nhất ở khu vực đó vào thời điểm xảy ra vụ việc. Hầu như không có bằng chứng ngoài lời thú tội của một trong ba người. Sau đó, ba người bị hành quyết công khai tại quảng trường thị trấn.
Vào cuối năm, tất cả người dân da đen của Oscarville, cũng như 1.098 cư dân da đen của hạt Forsyth (tương đương 10% dân số), đã bị ép rời đi một cách thô bạo và lịch sử của cộng đồng này cũng phần lớn bị xóa bỏ.
Ông Dee Gillespie, Giáo sư lịch sử tại Đại học Bắc Georgia, nói với Yahoo News: “Trường hợp của Oscarville rất phức tạp. Cộng đồng người da đen này không biến mất vì hồ nước hình thành. Thay vào đó, các cộng đồng người da đen tại Oscarville và khắp hạt Forsyth đã biến mất sớm hơn nhiều vì bạo lực”.
Theo trang web của hạt Gwinnett, vào năm 1956, những gì còn lại của Oscarville đã bị nhấn chìm khi Công binh Lục quân Mỹ xây đập trên sông Chattahoochee để tạo ra một hồ nước kiểm soát lũ lụt và phát điện cho Atlanta cũng như các hạt xung quanh. Ban đầu hồ này không nhằm mục đích giải trí.
Hồ được đặt theo tên của Sidney Lanier, một nhà thơ ở Georgia thế kỷ 18. Chi phí cho công trình này là khoảng 45 triệu USD, trong đó có tiền chi cho việc mua đất và di dời các gia đình, cơ sở kinh doanh và nghĩa trang.
Tuy nhiên, một số thứ vẫn còn tồn tại, như một số ngôi mộ không rõ của ai, các phần của đường đua ô tô và nền bê tông của các tòa nhà. Trong những thập kỷ gần đây, khi mực nước giảm xuống trong thời kỳ hạn hán, lốp xe ô tô và những thứ khác đã lộ ra ngoài. Nhiều người cho rằng những vật này đã khiến nhiều người đuối nước khi vướng phải. Mặc dù các kỹ sư đã loại bỏ mọi thứ nguy hiểm trong quá trình phá dỡ ban đầu, nhưng các chuyên gia cho biết các khu vực rừng có cây cao tới 18m và các vật thể khác như hàng rào thép gai và chuồng gà cũ có thể là những vật gây trở ngại cho mọi người vui chơi trên hồ.
Ông Kimberlie Ledsinger, người phát ngôn của Đội cứu hỏa hạt Hall, đơn vị đã vớt thi thể từ hồ Lanier gần đây nhất, cho biết: “Thật đáng buồn, có nhiều yếu tố có thể gây ra một vụ đuối nước ở hồ Lanier”.
Chỉ riêng số lượng du khách cũng không phải là lời giải thích thỏa đáng cho những cái chết, vì hồ Allatoona, nằm cách Lanier khoảng 64km về phía Tây, có số lượng du khách tương tự mỗi năm nhưng số người tử vong chỉ bằng 1/3. Ông Ledsinger nói: “Là những người cứu hộ, chúng tôi cũng không có cách nào để thực sự biết nguyên nhân những cái chết là gì”.
Vào tháng 7, Tamika Foster, một nhà thiết kế thời trang và là vợ cũ của ca sĩ R&B Usher, đã đăng một bản kiến nghị trực tuyến, kêu gọi rút cạn, làm sạch và khôi phục hồ Lanier. Con trai 11 tuổi của Foster đã thiệt mạng tại hồ này vào mùa hè năm 2012 sau khi bị một vật thể va vào lúc cậu bé đang ở trong phao trên hồ.
Bản kiến nghị đã được trên 8.200 người ký tên và có đoạn: “Hồ Lanier có một quá khứ đen tối và bẩn thỉu, xảy ra nhiều sự cố bi thảm dẫn đến cái chết của những người vô tội”.
Cộng đồng Oscarville giờ đây chỉ còn là một ký ức xa xôi. Tác giả và nhà sử học Lisa Russell, nói với kênh CNN: “Nỗi ám ảnh thực sự trong câu chuyện này là lịch sử đã khiến người ta không thể bỏ qua những gì đã xảy ra với vùng đất này ở Bắc Georgia. Từng là vùng đất của những dòng sông tự nhiên, Bắc Georgia giờ đây bị phá vỡ khi có nhiều đập và các vùng nước do con người tạo ra, đã làm thay đổi hệ sinh thái. Từng là vùng đất thuộc về người bản địa, giờ đây nơi này đã bị chôn vùi dưới nước, khiến việc khôi phục nền văn hóa đã mất là điều không thể”.
Giờ đây, Hồ Lanier lại trở thành nơi vui chơi cho một số người tìm kiếm cảm giác mạnh nhưng với một số người, sự hiện diện của hồ nước vẫn là lời nhắc nhở đau đớn về quá khứ.