Jack London và những tác phẩm để đời

Văn hào Jack London, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng thế giới như Gót sắt (Iron Heel), Tiếng gọi nơi hoang dã (The Call of the Wild), Tình yêu cuộc sống (Love of life)... được coi là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của nền văn học tiến bộ Mỹ.

Mặt nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông là vốn sống thực tế và những bi kịch của cuộc sống. Cho đến nay, Jack London vẫn là một trong những tác giả được bạn đọc khắp hành tinh ưa thích nhất.

Jack London tên thật là John Griffith London, sinh ngày 12/1/1876 tại San Francisco trong một khu phố nghèo. Tuổi thơ của ông đã phải nếm trải đủ vị cay đắng của cuộc sống. Năm 1895, ông học trường Đại học Oakland. Đời sống sinh viên quá khó khăn nên ông phải vừa học, vừa làm gác cổng để kiếm tiền.
Jack London đã bộc lộ năng khiếu văn học rất sớm. Từ thời sinh viên, ông đã có một số truyện ngắn về đề tài những người lang thang kiếm sống. Năm 1896, do mong muốn làm giàu nhanh chóng, Jack London đã theo chân những người tìm vàng đến vùng Krondike thuộc Canada. Tại đây, Jack London trải qua nhiều buổi tối ngồi thu mình trong góc chòi, nghe những kẻ tha phương kể lại câu chuyện về đói ăn, mất của, bão tuyết và về những con chó trung thành. 

Nhà văn Jack London.

Tất cả những mẩu chuyện này đã ám ảnh Jack London, để rồi sau này, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm để đời như: “Đứa con của chó sói” (viết năm 1902), “Răng nanh trắng” (năm 1906), “Ánh sáng ban ngày cháy đỏ” (năm 1910) và đặc biệt là tác phẩm “Tiếng gọi nơi hoang dã”, khiến thế giới phải tụng ca khi được xuất bản lần đầu năm 1903. Trong vòng 24 giờ sau khi xuất bản, những ấn bản đầu tiên đã được bán hết. Cho đến nay, "Tiếng gọi nơi hoang dã" vẫn là ấn phẩm cuốn hút bạn đọc trên toàn thế giới. Nhà phê bình xã hội học nổi tiếng H.L. Mencken đã nhận xét rằng: “Không có bất cứ nhà văn nào cùng thời với Jack London có thể viết hay hơn những gì mà ông đã viết trong Tiếng gọi nơi hoang dã. Tác phẩm quả thật đã chứa đựng tất cả những yếu tố của trí tưởng tượng phi thường nhất”.

Có lẽ hiếm một nhà văn nào hiểu sâu xa về loài vật, nhất là về loài chó như Jack London. Đó là hành trình của con chó Bấc từ phương Nam nắng ấm, được nuôi dạy rất sung sướng trải qua cuộc hành trình về phương Bắc, giá lạnh, và gia nhập vào cuộc sống khác hoàn toàn. Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến các tác phẩm này như một bản giao hưởng giữa cái hoang dã, giữa cái bản năng với văn minh đô thị. Mọi quan sát, mọi cuộc hành trình được miêu tả rất sinh động. Từ một con chó rất ngoan ngoãn, cuối cùng bản năng của nó thức dậy.

Năm 1907, Jack London cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Gót sắt”. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nền văn học Mỹ đề cập đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Mỹ. Gót sắt là sự thống trị của chủ nghĩa tư bản. Cuốn tiểu thuyết không tưởng này đã thể hiện những tư tưởng ước mơ xã hội của Jack London về cuộc khởi nghĩa của quần chúng nhằm đập tan gót sắt. Jack London đã trở thành một trong những nhà văn hiện thực lớn của Mỹ thế kỷ XIX. Thông qua tác phẩm, ông đã lên án xã hội tư bản, ca ngợi người lao động, phản ánh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa giai cấp vô sản và tư bản, giữa con người và thiên nhiên.

Jack London là nhà văn hiện thực lớn của Mỹ, bên cạnh Mark Twain, O’Henry, hoặc E.A. Poe. Ông được các nhà nghiên cứu coi như một nhà văn nhân đạo, ông hay đề cập đến những triết lý, đặt giữa sự cao thượng và sự thấp hèn, làm cho nhân cách con người bộc lộ trong những xung đột rất gay gắt. Jack London muốn đề cao triết lý sống bởi vì trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu 20, ông đã tiếp xúc rất nhiều học thuyết như học thuyết của Darwin, học thuyết của Marx, bản thân cuộc đời ông cũng là cuộc phiêu lưu lớn.

Bìa tác phẩm “Tiếng gọi nơi hoang dã”.

Năm 1908, Jack London cho ra đời cuốn “Martin Eden” có giá trị hiện thực ở Mỹ hồi đầu thế kỷ XX. Truyện phản ánh về “giấc mơ Mỹ” - đi từ nghèo hèn lên đài danh vọng, đồng thời cho thấy những căng thẳng nội tâm của Martin Eden, khi là người của tầng lớp trên nhưng chối bỏ các giá trị vật chất của tầng lớp quý tộc.

“Văn phòng ám sát” là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp văn học của Jack London nhưng ông đã không sống được cho đến ngày hoàn thành tác phẩm. Ông đã mãi ra đi vào ngày 22/11/1916 khi mới 40 tuổi. Nhà văn Robert Fish đã dựa trên các ghi chú chi tiết của ông để viết nốt phần kết của câu chuyện. 47 năm sau ngày ông mất, tác phẩm mới được ra mắt độc giả Mỹ. Không lâu sau đó, tác phẩm đã được dựng thành phim và nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả khắp nơi trên thế giới.

Thời gian cầm bút của Jack London ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn 16 năm, nhưng với sức làm việc phi thường, ông đã cho ra đời 19 cuốn tiểu thuyết, 18 cuốn bình luận và truyện ngắn, cùng rất nhiều cuốn sách liên quan đến tự thuật và xã hội học. Ông là nhà văn Mỹ được quần chúng công nhân trong và ngoài nước yêu chuộng, có ảnh hưởng lớn đến các nhà văn tiến bộ sau đó.

Cho đến nay, các tác phẩm văn học của Jack London vẫn được dịch ra nhiều thứ tiếng, thậm chí trong đó có rất nhiều tác phẩm đã được dựng thành phim. Điều đó cho thấy, tên tuổi Jack London vẫn sống mãi cùng thời gian.
PV
Những tiếng vang lớn của nhà văn Jack London
Những tiếng vang lớn của nhà văn Jack London

Trong kiệt tác “Tiếng gọi nơi hoang dã”, Jack London đã dùng đến lý thuyết “kẻ sống còn là kẻ biết thích nghi nhất, trong các điều kiện khắc nghiệt nhất, và bản năng sống còn là thứ mạnh mẽ nhất trong con người và con vật”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN