Dự kiến vị cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam này sẽ đảm nhận chức Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, cơ quan có quyền bao quát tất cả mọi vấn đề an ninh quốc gia, trong đó có cả ngân sách của Bộ Quốc phòng và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà ông Obama đang theo đuổi.Thượng nghị sĩ John McCain (phải) và Tổng thống Obama. |
Trả lời phỏng vấn báo giới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, TNS 78 tuổi này tuyên bố: “Tôi muốn Ủy ban (Quân lực) hoạt động tích cực, đó là cái hay của phe đa số. Chúng tôi có thể chỉ định, cấp phép cho một số chương trình và cũng có thể cắt giảm các chương trình khác. (Cơ chế đó là) Tổng thống đề nghị, Quốc hội xử lý”.
Nhà Trắng có vẻ đã sẵn sàng cho những rắc rối mà ông McCain có thể mang tới, khi một quan chức cấp cao của chính quyền thừa nhận: “Chúng tôi chắc chắn rằng TNS McCain sẽ là một ứng viên hoàn hảo cho ghế Chủ tịch Ủy ban Quân lực” và hy vọng Tổng thống Obama và TNS McCain sẽ có thể “xây dựng một mối quan hệ tích cực”.
Với cái búa quyền lực của Ủy ban Quân lực gần như chắc chắn sẽ nằm trong tay, cùng cả hệ thống truyền thông đồ sộ vốn rất có cảm tình với mình, TNS McCain có đủ công cụ để can dự tích cực vào chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông sẽ có thể lên lịch cho các buổi điều trần với giới tướng lĩnh Mỹ điều hành chiến dịch quân sự tại Iraq và Syria, buộc họ trả lời liệu có chắc sẽ đánh bại IS mà không sử dụng bộ binh Mỹ, chủ trương mà Nhà Trắng đang theo đuổi.
Liên quan tới cuộc chiến chống IS, tuần trước, tại một cuộc họp về chính sách ở California, ông McCain nói: “Thành thực mà nói với chiến lược hiện nay, tôi biết không có chuyên gia quân sự nào tin là chúng ta sẽ đánh bại được IS. Ta có thể hạn chế chúng với chiến lược này, nhưng để đánh bại IS sẽ cần có binh lính trên thực địa, cần thêm các vụ không kích mãnh liệt, thêm lực lượng đặc nhiệm, cung cấp thêm vũ khí cho Peshmerga (lực lượng quân sự người Kurd) và thiết lập vùng cấm bay, vùng đệm tại Syria”. Với vị trí Chủ tịch Ủy ban Quân lực, ông McCain có thể sẽ chuyển những thông điệp này thành chính sách mới.
Một trong những động thái phản đối mạnh mẽ nhất của ông McCain đối với chính quyền Washington trong những tháng gần đây đó là đã kêu gọi toàn bộ nhóm cố vấn về an ninh quốc gia của Tổng thống từ chức, cáo buộc họ thất bại trong nhiệm vụ giữ Iraq ổn định. Ông cũng nhấn mạnh rằng bộ binh Mỹ cần phải được cử sang Syria và Iraq để chiến đấu chống IS và thẳng thừng chỉ trích chiến lược không kích của ông Obama là “một thảm họa”.
Nhiều người còn cho rằng TNS McCain là một nhân tố gây áp lực chính cho quyết định triển khai chiến dịch không kích IS vì trước đó không lâu, ông nghị này đã lên tiếng chất vấn đề tính hiệu quả trong phương pháp xử lý mối đe dọa IS của tổng thống. Không ít lần trong các cuộc điều trần tại Thượng viện, ông đã chỉ trích thẳng và rất cay nghiệt việc Tổng thống Obama từ chối sử dụng vũ lực để hạ bệ chính quyền Damascus, thậm chí gọi chính quyền Mỹ đương nhiệm là “hèn nhát”.
Roger Zakheim, từng làm việc tại Ủy ban Quân lực Hạ viện, cho biết chủ tịch của Ủy ban này tại Thượng viện “có quyền triệu tập các cuộc điều trần, chỉ đạo các cuộc điều tra, thúc đẩy và hoạch định các chính sách mà ông ta thấy cần thiết”.
Bước vào chính trường từ năm 1982 sau khi rời bỏ quân ngũ, J.McCain từng có 2 nhiệm kỳ Hạ nghị sĩ và 4 nhiệm kỳ làm TNS và được xếp thuộc phe cứng rắn trong chính sách đối ngoại. Trong chiến tranh Việt Nam, J.McCain từng 23 lần lái máy bay ném bom và bị bắt làm tù binh trong vòng hơn 5 năm tại miền Bắc. Tuy nhiên, sau đó, cùng với Ngoại trưởng John Kerry, TNS McCain là người ủng hộ chủ trương bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt. Ông cũng là người được giới truyền thông ưa thích nhờ cách nói chuyện thẳng thắn. |
Và theo như TNS McCain từng tuyên bố, vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình sẽ là cải cách vấn đề chi tiêu cho quốc phòng, cách thức Lầu Năm Góc mua sắm các loại vũ khí và công nghệ mà quân đội Mỹ cần. Ông từng chỉ trích việc quá hạn và bội chi trong dự án máy bay tiêm kích F-35, cũng như kịch liệt lên án kế hoạch mua sắm tàu chiến của Hải quân, thế hệ tàu có thể tác chiến trên đại dương và vùng nước nông ven bờ nhưng chi phí lên tới hơn 700 triệu USD mỗi chiếc.
Tóm lại, ông cho rằng các chương trình mua sắm của Lầu Năm Góc quá tốn kém, đặc biệt là việc bội chi cho dự án phát triển Gerald R. Ford, thế hệ hàng không mẫu hạm nguyên tử tiếp theo của Mỹ. Ông nói: “Tàu sân bay USS Gerald R. Ford dự toán là 10 tỷ USD, nhưng chi phí cuối cùng của nó lên tới 13 tỷ. Tôi không thể kể hết những điều mà bang Arizona có thể làm với 3 tỷ này. Chúng ta đã đánh mất sự tín nhiệm khi ủng hộ cho việc chi tiêu quốc phòng”.
Ông McCain cũng có quan điểm khá cứng rắn trong cách xử lý cuộc khủng hoảng tại Ukraine khi yêu cầu Washington cung cấp trang thiết bị, vũ khí cho Ukraine để chống lại sự gây hấn của Nga. Từ nhiều năm nay, ông đã kêu gọi Mỹ cần cảnh giác với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà ông gọi là “một đại tá KGB cộng sản”.
Tuy nhiên, thăm dò dư luận Mỹ tới nay đều cho thấy phần lớn công chúng nước này đang phản đối sự can dự sâu hơn của Mỹ vào tình hình Iraq và Syria, trừ một bộ phận dân cư tại Nam Carolina và một số ít những người Cộng hòa diều hâu. Ngoài ra, ông McCain cũng không có được nhiều sự ủng hộ từ các đồng nghiệp trong đảng về cách xử lý cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Dẫu vậy, với kinh nghiệm hơn 30 năm làm việc tại Quốc hội Mỹ, và đây có thể sẽ là nhiệm kỳ TNS cuối cùng của mình, John McCain chắc hẳn sẽ làm hết sức mình hòng để lại dấu ấn của riêng mình trên lĩnh vực mà ông được các đồng nghiệp đánh giá cao.
(Còn tiếp)
Thái Nguyễn