Kennedy từng ngăn Tưởng Giới Thạch phản công Đại lục

Thật khó có thể thống kê hết số bài báo, cuốn sách, thậm chí là những bộ phim đề cập tới sự kiện Vịnh Con lợn (bãi biển Giron) ở Cuba ra đời trong gần 50 năm qua, nhưng rất ít người biết được về mối quan hệ giữa sự kiện Vịnh Con lợn và việc Tưởng Giới Thạch phản công Trung Quốc Đại lục. Những tiết lộ mới nhất cho thấy sự thất bại thảm hại của chiến dịch đổ bộ lên Vịnh Con lợn của lực lượng phản động lưu vong Cuba do CIA hậu thuẫn đã củng cố thêm quyết tâm không để Tưởng Giới Thạch tiến hành phản công Đại lục của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là J. Kennedy.


Kennedy


Tưởng Giới Thạch

 

Sau khi Kennedy lên nắm quyền vào tháng 1/1961, Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Alan Dulles đã gặp và báo cáo trực tiếp với ông chủ mới của Nhà Trắng rằng CIA đã vạch một kế hoạch có khả năng thành công rất lớn. Đó là hậu thuẫn cho lực lượng phản động Cuba đổ bộ lên Vịnh Con lợn ngày 17/4/1961. Kennedy đã hoàn toàn bị thuyết phục và nhanh chóng phê chuẩn kế hoạch này. Tuy nhiên, trên thực tế, sự kiện Vịnh Con lợn đã làm người Mỹ mất mặt. Ngày 19/4/1961, lực lượng vũ trang Cuba đã đập tan cứ điểm cuối cùng của bọn lính đánh thuê đổ bộ lên Vịnh Con lợn, làm thất bại hoàn toàn âm mưu dựng ngọn cờ, tạo cớ xâm lược của Mỹ. Sau này, trong lần trò chuyện với một nhà báo, Kennedy thổ lộ rằng sự kiện Vịnh Con lợn đã cho ông một bài học quan trọng bởi "nếu như không có sự kiện Vịnh Con lợn thì chúng tôi có thể bây giờ đã đưa quân sang Campuchia hoặc để Tưởng Giới Thạch tiến hành phản công Đại lục rồi".


Trở lại năm 1960, trong lúc tiến hành tranh luận với đối thủ R. Nixon suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, Kennedy chủ trương để Tưởng Giới Thạch bỏ quần đảo Kim Môn và Mã Tổ. Sau khi giành chiến thắng, Kennedy tỏ thái độ thận trọng, thường xuyên đau đầu suy nghĩ hai vấn đề: là liệu có nên công nhận và để nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào Liên hợp quốc hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là Kennedy quyết không để Tưởng Giới Thạch vượt biển phản công Đại lục. Kennedy cho rằng việc Tưởng Giới Thạch sử dụng vũ lực tấn công Đại lục không chỉ gây ra sự mất ổn định ở châu Á cũng như trên toàn thế giới, mà còn dẫn tới xung đột quân sự giữa phương Đông và phương Tây. Hơn nữa, Kennedy không tin Tưởng Giới Thạch sẽ đánh thắng Đại lục cũng như việc người dân Đại lục sẽ ủng hộ hành động của Tưởng Giới Thạch. Quan trọng hơn là về căn bản, Oasinhtơn không muốn bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp giữa hai bờ eo biển Đài Loan.


Kennedy biết rất rõ Tưởng Giới Thạch rất muốn phản công Đại lục. Chính vì vậy, tháng 4/1961, Tưởng Giới Thạch đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt để vạch kế hoạch phản công Đại lục (kế hoạch Quốc Quang). Cựu Tổng tư lệnh lục quân Đài Loan, người được chỉ định làm Tổng tư lệnh liên quân phản công Đại lục, ông Lưu An Kỳ gần đây tiết lộ Tưởng Giới Thạch quyết định sẽ phản công Đại lục vào năm 1962. Ý đồ này được Tưởng Giới Thạch biểu thị một cách mãnh liệt trong những cuộc tiếp các "bạn" Mỹ và đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách cánh hữu ở Mỹ. Khi đó Đài Loan thuyết phục các quan chức Mỹ rằng một khi quân Quốc dân Đảng đổ bộ lên khu vực duyên hải của Đại lục, đồng bào Đại lục nhất định sẽ đứng lên tham gia khởi nghĩa, tạo thế "trong ứng ngoài hợp". Tuy nhiên, vấn đề là Nhà Trắng hoàn toàn không tin những lời du thuyết đó.


Ngày 8/3/1962, nhân thời gian tham dự hội nghị các đặc sứ Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tổ chức ở Philíppin, Heathman, Chủ nhiệm Văn phòng tình báo và nghiên cứu chính phủ, đã tranh thủ bay sang Đài Bắc gặp Tưởng Kinh Quốc. Trong khi hội đàm, Tưởng Kinh Quốc đã dẫn ra rất nhiều thông tin tình báo lấy từ vùng địch hậu (Đại lục) để lý giải nguyên nhân Đài Loan chọn năm 1962 mở màn chiến dịch phản công Đại lục. Đáp lại, Heathman cho rằng việc phản công Đại lục không chỉ đơn thuần như những gì Tưởng Kinh Quốc phán đoán. Ngày 14/3, Heathman và Trợ lý Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề Viễn Đông Harriman thăm Đài Loan, tấn kiến Tưởng Giới Thạch và đã thẳng thừng bày tỏ sự phản đối với kế hoạch phản công Đại lục của chính quyền Tưởng Giới Thạch. Không nhụt chí, Tưởng Giới Thạch vẫn kiên trì du thuyết người Mỹ. Chỉ huy trưởng Tổ tình báo CIA tại Đài Bắc Kellen cũng nói hộ cho Tưởng gia, nhưng vấn đề là ông chủ Nhà Trắng, John Kennedy, vẫn không thay đổi chủ ý. Thất bại trong sự kiện Vịnh Con lợn đã khiến Kennedy không thể mạo hiểm thêm một lần nữa. Kết quả, sau khi tháo chạy ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch vĩnh viễn không thể dẫn quân quay lại phục hận Đại lục được nữa.



Minh Thành (Theo THX)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN