Ca nhiễm bệnh than đầu tiên ở thủ đô Oasinhtơn xảy ra vào giữa tháng 10 tại Trung tâm xử lý và phân phối thư Brentwood. Ông Leroy Richmond, một nhân viên 56 tuổi của trung tâm, đã bắt đầu bị các triệu chứng như cúm và tình hình trở nên nghiêm trọng sau đó 3 ngày.
28 nhân viên làm việc tại Capitol cho kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh than. |
Nỗi lo sợ về căn bệnh của ông Richmond trở nên lớn hơn sau khi có thông tin, một bức thư chứa bào tử bệnh than đã được gửi tới văn phòng của Thượng nghị sĩ (TNS) Tom Daschle. Điều đáng ngại là bức thư này đã đi qua trạm xử lý nơi ông Richmond làm việc. Vợ ông Richmond, bà Gary Dorsey, đã đưa chồng tới bệnh viện vào ngày 19/10 và rất may quyết định đó đã cứu mạng ông, bởi Richmond được xác nhận nhiễm dạng bệnh than nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, hai người bạn và đồng nghiệp của ông thì không may mắn như vậy. Trong thời gian nằm viện, Richmond nhận một tin đau buồn là một đồng nghiệp của ông ở trạm Brentwood là Thomas Morris Jr. đã chết vì bệnh than đường hô hấp vào ngày 21/10. Chỉ một ngày sau, một người bạn khác của Richmond là Joseph Curseen Jr. cũng qua đời vì dạng bệnh than nguy hiểm này.
Cái chết của Curseen và Morris đã phát đi những cơn chấn động khắp nước Mỹ. Nhiều người bắt đầu đặt dấu hỏi về khả năng của FBI, CDC và ngành bưu chính trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng. Áp lực đè nặng lên giới chức Mỹ, đòi hỏi họ phải làm một điều gì đó, thật cấp thiết để ngăn chặn thêm những cái chết và những ca nhiễm bệnh mới.
Lá thư gửi TNS Daschle được cho là đã làm 3 nhân viên của Trung tâm xử lý thư Brentwood, Oasinhtơn D.C thiệt mạng. |
Nhưng thời điểm đó, mọi đầu mối còn mù mịt. Không có nghi phạm chính, không dấu vân tay, không động cơ rõ ràng. Các nhà điều tra đã làm việc ngày đêm để tìm kiếm bất cứ đầu mối nào có thể đưa họ tới gần hơn với người nào đó, hoặc nhóm người nào đó liên quan tới những vụ đầu độc bệnh than. Trong lúc này, các văn phòng chính phủ lại trở thành những mục tiêu mới, và cuộc điều tra có thêm động lực mới trong nỗ lực gần như tuyệt vọng nhằm bắt được hung thủ.
Ngày 15/10, một nhân viên làm việc tại văn phòng TNS Daschle đã mở một phong thư bí ẩn, bên trong chứa một lá thư với nội dung hằn thù và ít bột màu trắng. Bức thư có những dấu hiệu tương tự với lá thư từng được gửi tới tòa soạn New York Post hồi tháng 9, khiến ông Huden nhiễm bệnh và lá thư gửi cho Tom Brokaw nhưng đã lây bệnh than cho O’Connor. Không còn nghi ngờ gì nữa, chất bột đó chứa bào tử bệnh than và cùng được gửi từ một người bí ẩn.
Bức thư “tử thần” gửi cho TNS Daschle đã khiến cảnh sát phải tiến hành sơ tán nhiều văn phòng chính phủ, trong đó có tòa nhà Hart Senate Office (tòa văn phòng của Thượng viện Mỹ tại Capitol, trụ sở quốc hội), nơi văn phòng TNS Daschle nằm ở tầng 6. Bức thư đề ngày 11/9/2001, được viết bằng chữ in hoa, hết một câu lại xuống dòng: “Các người không thể ngăn chặn được chúng tao. Chúng tao có bệnh than này. Chết chóc cho Ixraen. Thánh Allah vĩ đại”.
Thật ngạc nhiên là, khi người ta đã biết rằng bức thư “tử thần” được trung chuyển qua trạm thư tín Brentwood thì trung tâm này vẫn mở cửa trong 2 ngày sau khi các nhà quản lý được cảnh báo về trường hợp bị bệnh của Richmond. Tờ Baltimore Sun khi đó bình luận rằng: “Giới chức đã cay đắng nhận ra rằng, nước Mỹ không hề có bất cứ kế hoạch điều phối nào nhằm ngăn chặn khủng bố sinh học”. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm sửa sai thiếu hụt này đã bắt đầu ngay lập tức. Các cuộc rà soát, kiểm tra nhanh chóng được tiến hành tại nhiều khu vực, hầu hết ở Florida và một lượng lớn bào tử bệnh than đã được phát hiện, thu gom và phân tích tại các phòng thí nghiệm. Tất cả các mẫu lấy được từ các ca bệnh than ở Florida, New Jersey, New York và Oasinhtơn D.C đều tương đồng về gene.
Trước vụ 11/9/2001, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chủ yếu tập trung giải quyết các vụ án. Mặc dù mảng chống khủng đã được bổ sung một số đặc vụ, nhưng nhân sự vẫn tương đối hạn chế. Sau ngày 11/9, tất cả đã thay đổi, và FBI nhanh chóng tập trung cho mặt trận chống khủng bố. Giống như các cơ quan khác của chính phủ, FBI không được chuẩn bị tốt lắm cho thách thức mới. Khi sự việc đã rõ dần là một tên hoặc một nhóm khủng bố sinh học đang hành động, thì cơ quan này vẫn còn đang phác thảo cách thức xử lý một khối lượng công việc khổng lồ do hậu quả của vụ 11/9. Thách thức mới thậm chí đã kéo căng FBI đến mức gần như tê liệt!
Là một cơ quan lớn, có khuynh hướng nguyên tắc, FBI không thể xoay xở trong một cái lồng chật hẹp, trong khi các mối đe dọa lại đòi hỏi phản ứng ngay lập tức. Các cựu chuyên gia về vũ khí sinh học thì mất hết kiên nhẫn khi phải chờ đợi quá lâu để được tham vấn cho FBI. Khi nước Mỹ từ bỏ chương trình vũ khí sinh học vào năm 1969, một số “bộ óc” lớn của chương trình này buộc phải rời bỏ công việc mà họ tin là vô cùng quan trọng với đất nước. Khủng bố bệnh than xảy ra, một số đã liên hệ với FBI để tình nguyện đóng góp những hiểu biết của họ, nhưng Cục Điều tra lại quá chậm chạp trong việc đi theo những lời khuyên này.
Với những người Mỹ hằng ngày nóng lòng theo dõi mọi tin tức về tình hình khủng bố bệnh than, các thông tin từ FBI dường như rất chậm được công bố. Đôi khi thông tin lại trái chiều, gây ấn tượng là các thiết bị, vật liệu cần thiết để tạo ra bệnh than cấp độ vũ khí rất dễ có được. Nhưng dần dần, các báo cáo của FBI lại cho rằng, vũ khí bệnh than trong cuộc khủng hoảng này có chất lượng cao đến mức chỉ một số ít nhà khoa học mới có thể tạo ra nó.
Bạch Đàn
Đón đọc kỳ tới: Đầu mối từ những bức thư