Khủng hoảng nhập cư châu Âu

Số lượng lớn người chạy trốn khỏi các cuộc khủng hoảng tại châu Phi và Trung Đông xin nhập cư và tị nạn chính trị, đã đặt ra nhiều thách thức cho các nhà hoạch định chính sách châu Âu, trong bối cảnh Lục địa già vẫn đang phải vật lộn với tình trạng tăng trưởng èo uột và sự chia rẽ về chính trị.

Những tuyến đường biển người nhập cư đi vào châu Âu.


Theo một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), châu Âu hiện là điểm đến nhộn nhịp đối với hoạt động di cư trên thế giới và biển Địa Trung Hải trở thành tuyến vượt biên nguy hiểm nhất hiện nay. Số liệu của Cơ quan biên giới Liên minh châu Âu (EU) (Frontex) cũng cho thấy, trong năm 2014 đã có 150.000 người vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu. Số thuyền nhân đến Italy, Malta và Hy Lạp từ đầu năm đến nay là 36.000 người.

Tuy nhiên tới nay, phản ứng chung của EU trước cuộc khủng hoảng nhập cư ngày càng lan rộng này vẫn là các giải pháp tình thế và mới tập trung vào việc phong tỏa các đường biên giới hơn là bảo vệ quyền của người di cư và tị nạn. Trong khi các đảng dân tộc chủ nghĩa đang trỗi dậy ở nhiều nước EU, cùng với mối lo ngại về chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo đang bao trùm khắp khu vực, châu Âu vẫn bế tắc trong việc tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng này.

Người nhập cư từ đâu đến?

Biến động chính trị tại Trung Đông và châu Phi là nhân tố chính tạo nên làn sóng người tị nạn di cư sang châu Âu. Năm 2011, số lượng những vụ vượt biên trái phép vào EU đã tăng vọt sau cơn địa chấn mang tên “Mùa xuân Arab” khi hàng nghìn người Tunisia bắt đầu cập bến đảo Lampedusa của Italy, nơi chỉ cách Tunisia 113 km. Những người dân thuộc khu vực Hạ Sahara từng tới Libya trong những năm 2011-2012 cũng bắt đầu chạy trốn khỏi quốc gia hỗn loạn này để tìm nơi trú ẩn mới.

Ngoài ra, những nạn nhân khác của cuộc nội chiến tại Syria cũng đã góp phần làm tăng vọt số vụ vượt biên gần đây trên dọc tuyến biên giới biển của EU. Động lực duy nhất thúc đẩy họ mạo hiểm với mạng sống của mình là hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi quê nhà. Theo thống kê của Ủy ban châu Âu, trong năm 2014, EU đã tiếp nhận gần 626.000 đơn đề nghị được bảo vệ - con số đơn xin tị nạn chính trị cao nhất kể từ 12 năm qua.

Lộ trình vượt biên bất hợp pháp của người nhập cư trải trên một số tuyến đường chính ở khu vực Nam và Đông Âu. Khu vực Trung Địa Trung Hải, với Italy là cửa ngõ chính để tiếp cận, hiện là nơi mà những người nhập cư và tìm kiếm tị nạn chính trị từ Syria, Iraq, Eritrea, Ai Cập và Somalia thường lui tới. Tình hình an ninh ngày càng xấu đi tại Libya, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan cũng là nhân tố thúc đẩy dòng người tị nạn đổ sang châu Âu.

Dòng người nhập cư và tị nạn tới châu Âu ngày càng nhiều nhưng có một thực tế là sự phân biệt giữa những người tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị và di cư vì lý do kinh tế thực sự không rõ ràng, mặc dù hai nhóm này, theo quy định của luật pháp quốc tế, được hưởng những mức độ trợ giúp và bảo vệ khác nhau. Sự nhập nhèm này bị các quy định khác nhau về việc nộp đơn xin tị nạn chính trị của 28 quốc gia thành viên EU làm cho rối rắm hơn. Do vậy, EU không chỉ phải đối mặt với bài toán về số lượng người nhập cư mà còn với chính những vấn đề thuộc về thể chế của khối này trong việc chung tay đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư.

Quốc gia EU nào chịu tác động lớn nhất?

Đó là Hy Lạp, Chipre, Italy, Malta và Tây Ban Nha vì đây là những điểm nhập cảnh chính của những người nhập cư và tị nạn do có vị trí nằm sát bên bờ biển Địa Trung Hải.

Năm 2008, tuyến đường vượt biển qua Đông Địa Trung Hải là lựa chọn ưu tiên của những người nhập cư bất hợp pháp và đến năm 2012, 51% những người nhập cư vào châu Âu là đi qua ngả Hy Lạp. Xu hướng này chỉ thay đổi vào năm 2013 sau khi giới chức Hy Lạp tăng cường kiểm soát đường biên giới qua Chiến dịch Lá chắn, trong đó có việc xây dựng một hàng rào thép gai trên tuyến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong những năm gần đây, việc tăng cường kiểm soát vùng biển Tây Phi cũng giúp ngăn chặn hiệu quả dòng người nhập cư đi qua ngả Tây Địa Trung Hải để vào Tây Ban Nha. Nhưng năm 2014 đã chứng kiến sự tăng vọt số lượng người tìm cách vượt biên từ Cameroon, CH Trung Phi, Chad, Mali, Nigeria, Sudan và Nam Sudan vào quốc gia này. Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, số người nhập cư tìm cách vượt biên bất hợp pháp vào nước này năm 2014 đã lên tới 12.549 người, tức tăng gần 70% so với năm trước. Bất chấp nỗ lực tăng cường tuyến biên giới tại Melilla và Ceuta (hai thành phố phía Nam Tây Ban Nha), việc ở quá gần Maroc khiến dòng người tị nạn từ vùng Hạ Sahara tiếp tục đổ về đều đặn hai địa điểm này của Tây Ban Nha.

Dẫu vậy, tuyến đường buôn người tấp nập nhất vẫn là qua miền Trung Địa Trung Hải, từ Libya vào Italy, nơi gánh phần nặng nhất của làn sóng người nhập cư bất hợp pháp trong thời gian qua. Theo Frontex, có gần 40.000 lượt người vượt biên bất hợp pháp qua tuyến đường này năm 2013, gấp 4 lần số người vượt biên bị phát hiện trong năm 2012. Đây cũng là tuyến đường bị đánh giá là chết chóc nhất khi IOM cho biết phần lớn trong số 3.279 người nhập cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải năm 2014 là qua tuyến đường này. IOM dự báo tới cuối năm 2015, tổng số người chết có thể lên tới 30.000 người. Một số vụ lật thuyền nghiêm trọng, trong đó đáng kể nhất là việc 800 người nhập cư thiệt mạng vào tháng 4/2015, đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại và đồng loạt lên tiếng yêu cầu EU cần có giải pháp chung nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng này.

Về mặt thể chế, theo Quy định Dublin, các quốc gia là điểm đầu đón nhận người tị nạn phải có trách nhiệm đơn phương đối với những người này. Quy định trên được EU chỉnh sửa năm 2013, tiếp tục nhấn mạnh những người tìm kiếm quy chế tị nạn cần phải ở lại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đặt chân tới và quốc gia này có trách nhiệm xem xét đơn xin tị nạn của người nhập cư. Những người nhập cư nào đi sang quốc gia EU khác sẽ đối mặt với việc bị trục xuất trở lại nước thành viên EU đầu tiên mà họ tới.

Trước làn sóng người nhập cư quá đông như hiện nay, để giảm tải bớt gánh nặng cho các nước ở tuyến đầu tiếp nhận người nhập cư (đa phần thuộc vành đai phía Nam châu Âu), các quốc gia này kêu gọi tạm ngừng áp dụng Quy định Dublin. Tuy nhiên, các nước phía Bắc như Đức lập luận rằng năm 2014, nước này đã tiếp nhận gần 1/3 của 626.000 đơn xin tị nạn vào châu Âu. Chuyên gia Heather Conley thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định: “Cả gánh nặng và vấn đề chia sẻ gánh nặng đều đã được bàn thảo nhưng tôi không rõ liệu có tìm thấy được sự công bằng trong vấn đề này không”.

(Còn tiếp)

Thái Nguyễn
Khủng hoảng nhập cư châu Âu (Tiếp theo và hết)
Khủng hoảng nhập cư châu Âu (Tiếp theo và hết)

Sau vụ chìm tàu thảm khốc trên biển Địa Trung Hải, EU đã nhanh chóng thông qua một kế hoạch 10 điểm rộng lớn nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư và tị nạn dọc bờ biển Địa Trung Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN