Chuyện bắt đầu vào năm 1904, tại một nhà hàng hạng sang tại Vosges (Pháp) khi một người vô tình đổ rượu vang đỏ lên khăn trải bàn vải lanh.
Ngồi gần đó là nhà hóa học Thụy Sĩ Jacques Brandenberger đang công tác tại một công ty dệt may của Pháp. Khi quan sát nhân viên thay chiếc khăn trải bàn, ông Jacques Brandenberger đã nghĩ đến việc thiết kế loại vải có thể dễ dàng lau sạch vết bẩn trên bề mặt.
Ông Jacques Brandenberger đã xịt cellulose lên khăn trải bàn nhưng hợp chất này tự hình thành lớp màng không màu. Năm 1911, ông Brandenberger đặt tên cho phát minh này là cellophane – giấy bóng kính. Năm 1923, nhà hóa học người Thụy Sĩ sau đó bán bản quyền cellophane cho tập đoàn DuPont ở Mỹ.
Trong thời gian đầu, giấy bóng kính được sử dụng để bọc gói chocolate, hoa…
Nhưng DuPont lập tức nhận được phản hồi từ khách hàng không hài lòng với giấy bóng kính bởi vật liệu này chống nước nhưng không chống ẩm do vậy nó bám vào nến, khiến dao bị gỉ sét...
DuPont liền thuê một nhà hóa học 27 tuổi có tên William Hale Charch để tìm ra giải pháp. Trong vòng một năm, William Hale Charch đã tìm được cách xử lý khuyết điểm khi giấy bóng kính được phủ lớp nitrocellulose, sáp, chất làm dẻo và chất trộn. Từ đây doanh thu của giấy bóng kính tăng vọt.
Thời điểm lại trùng hợp với thay đổi ở siêu thị trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Các khách hàng không còn phải xếp hàng để nói với nhân viên thực phẩm mà họ muốn mua mà thay vào đó được trực tiếp chọn lựa qua các giá hàng.
Và gói đồ bằng giấy bóng kính đã trở thành hiện tượng, giúp người mua có thể kiểm chứng tận mắt chất lượng thực phẩm.
Đài BBC (Anh) cho biết giấy bóng kính sau đó trở thành lỗi thời, bị mất vị trí thượng tôn bởi “kẻ đến sau” – màng bọc thực phẩm của công ty Dow Chemical. Nhân viên tại phòng thí nghiệm của Dow Chemical có tên Ralph Wiley đã vô tình phát hiện ra loại nhựa mới polyvinylidene chloride.
Từ năm 1953, màng bọc thực phẩm được bán rộng rãi và đi đến bếp của các hộ gia đình. Màng bọc thực phẩm có nhiều cải tiến hơn so với "tiền nhiệm" giấy bóng kính để bám chặt hơn vào thực phẩm và được sử dụng cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, tác động tới môi trường do màng bọc thực phẩm gây ra khiến thời gian gần đây nhiều siêu thị trên thế giới quyết định sử dụng những vật liệu thay thế thân thiện hơn với môi trường để gói bọc thực phẩm như giấy, lá cây...
Không chỉ màng bọc thực phẩm có nguồn gốc từ nhựa. Nhiều nước đã bắt đầu cấm sử dụng túi ni lông.
Mới đây nhất, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng quy định cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần đối với các siêu thị và cửa hàng bán lẻ từ đầu tháng 4/2019. Theo đó, các cửa hàng hoặc siêu thị vi phạm quy định trên sẽ phải nộp phạt lên đến 3 triệu won (tương đương 60 triệu đồng).
Những nơi áp dụng quy định trên của Bộ Môi trường Hàn Quốc bao gồm hơn 2.000 siêu thị lớn và 11.000 cửa hàng, siêu thị quy mô vừa có diện tích trên 165m2, các cửa hàng bánh cũng nằm trong danh sách áp dụng quy định này. Những cửa hàng hoặc siêu thị vi phạm quy định cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần sẽ chịu mức phạt cao nhất lên đến 3 triệu won tùy theo số lần vi phạm.
Riêng đối với các loại túi đựng bằng giấy có bao phủ lớp ni lông bên ngoài, Chính phủ Hàn Quốc quyết định cho phép lưu hành sau khi xem xét việc công nghệ tái sử dụng đã được cải tiến trong thời gian qua.
Ngoại trừ một số loại thực phẩm dễ bị chảy nước như cá, thịt, đậu phụ, kem..., việc sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm bị cấm đối với tất cả các mặt hàng còn lại. Khách hàng khi mua các sản phẩm như thịt, cá, rau củ đã được đóng gói sẵn trên khay cũng không được sử dụng thêm túi ni lông đựng thực phẩm.