Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài - Kỳ cuối

Dưới con mắt người dân lao động Pháp, cung đình dưới triều Vua Louis XVI và Hoàng hậu Antoinette là nơi tạo ra tội ác, là nguồn gốc của sự hủ hóa, là sào huyệt của bạo chúa. Bởi vậy họ đã coi nhà vua và hoàng hậu là kẻ thù không đội trời chung.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ cảnh Hoàng hậu Marie Antoinette trước khi bị hành hình. Ảnh: Wikimedia Commons

CÁCH MẠNG PHÁP VÀ SỰ SỤP ĐỔ CỦA NỀN QUÂN CHỦ

Đến năm 1786, ba năm trước cuộc Cách mạng Pháp, uy tín trước thần dân của Marie Antoinette đổ vỡ nặng nề. Những bức tranh biếm họa và tin đồn về lối sống hưởng thụ khoái lạc của bà cùng những vị khách trong cung điện tiếp tục lan truyền, và được nhấn mạnh hơn bởi những người phản đối chế độ quân chủ. 

Một vụ bê bối lớn liên quan đến một chiếc vòng cổ xa hoa được làm từ 650 viên kim cương trị giá 4,7 triệu USD theo giá trị ngày nay, lại không may dính đến Hoàng hậu, còn được gọi là “Chuyện tình chuỗi vòng cổ”- khiến tình hình càng tồi tệ hơn. Nhưng có lẽ tai hại nhất là những tin đồn rằng con của Hoàng hậu không phải của Nhà Vua. Nhiều người tin rằng ít nhất hai trong số những người thừa kế hoàng gia là kết quả của mối tình say đắm giữa Antoinette với Bá tước Thụy Điển Fersen.

Sự bất mãn ngày càng tăng do tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, trong khi ngân khố Pháp ngày càng cạn kiệt đã biến thành áp lực lên chế độ quân chủ Pháp.

Chiếm ngục Bastilles

Vào ngày 11/7/1789, Vua Louis, dưới ảnh hưởng của các quý tộc bảo thủ trong Hội đồng Cơ mật, cũng như của vợ ông, Hoàng hậu Marie Antoinette, và em trai, Quận công Artois, đã trục xuất vị bộ trưởng cải cách Necker và tái cơ cấu lại tất cả các bộ. Đa phần người Paris coi đó là sự khởi đầu cuộc đảo chính của hoàng gia và họ đã nổi loạn.

Ngày 14/7/1789, khoảng 900 công nhân và nông dân Paris đã xông vào ngục Bastille để cướp vũ khí và đạn dược. Không nghe lời Marie Antoinette, Vua Louis XVI đã từ chối gửi quân để dập tắt cuộc nổi dậy. Vì thế cuộc Cách mạng Pháp chính thức bắt đầu.

Chú thích ảnh
Tranh khắc họa cuộc nổi dậy chiếm ngục Bastille, một biểu tượng của chế độ quân chủ Pháp. 

Vào tháng Mười năm đó, đám đông khởi nghĩa gồm hàng ngàn người dân Paris đã đi bộ 12 dặm từ toà thị chính Paris tới Versailles; họ muốn đưa Vua Louis XVI và Hoàng hậu về thủ đô để lãnh trách nhiệm cho sự khốn cùng của người dân Pháp.

Khi kéo đến Versailles, đám đông đã mở rộng lên tới 10.000 người. Họ la hét đòi Hoàng hậu phải xuất hiện trên ban công Cung điện. Marie Antoinette đã làm như vậy, cúi đầu thật thấp về phía đám đông người Paris giận dữ, đến nỗi trong một khoảnh khắc, bà thậm chí còn được chào đón bằng những tiếng hô “Hoàng hậu vạn tuế”.

Nhưng Marie Antoinette hiểu rằng điều đó sẽ không tồn tại lâu. "Họ sẽ buộc chúng ta phải đến Paris, Nhà vua và tôi, sau khi treo đầu các vệ sĩ hoàng gia lên cọc", Hoàng hậu nói khi rút lui vào cung điện. Trong vòng vài giờ, những người biểu tình - mang theo những chiếc cọc nhọn mắc đầu vệ sĩ của Hoàng hậu - đã bắt giữ toàn bộ thành viên hoàng gia và đưa họ về Cung điện Tuileries ở Paris.

Gia đình hoàng gia Pháp sống dưới sự giám sát tại nơi ở mới của họ. Nhưng trong khi Vua Louis XVI vật lộn để sống sót dưới sự canh gác nghiêm ngặt do tính khí thiếu quyết đoán và hiền lành, thì Hoàng hậu Marie Antoinette lại nung nấu ý chí phải hành động.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ Marie Antoinette khi bị giam giữ, khoảng năm 1792. Ảnh: Wikimedia Commons

Kết thúc chế độ quân chủ Pháp

Trong thời gian bị giam cầm tại Tuileries, Marie Antoinette đã tổ chức họp kín với các bộ trưởng, đại sứ, và thông qua các phái đoàn ngoại giao kêu gọi các quốc gia châu Âu khác xâm chiếm Pháp hòng làm lung lay cuộc Cách mạng Pháp.

Sau khi tất cả những nỗ lực của hoàng hậu nhằm dập tắt cuộc cách mạng đều thất bại, cuối cùng hoàng gia đã lên kế hoạch trốn khỏi Paris. Tháng 6/1791, với sự giúp đỡ của người tình Marie Antoinette là Bá tước Fersen, nhà vua, hoàng hậu và các con của họ đã lên xe ngựa chạy đến Montmédy, thành phố gần Hà Lan do Áo kiểm soát. Nhưng đoàn người ngựa đã bị bám theo và cuối cùng bị đội Vệ binh Quốc gia bắt trở lại Paris theo lệnh của Nghị viện.

Với đa số đại biểu trong Nghị viện vẫn còn ủng hộ chế độ Quân chủ lập hiến hơn là chế độ Cộng hoà, các phe phái đã đi đến thỏa thuận cho Vua Louis XVI làm một đấng quân vương bù nhìn: nhà vua phải lập một lời thề trong Hiến pháp và ban sắc lệnh để tuyên bố rằng nếu ông chống lại lời thề đó, chỉ huy quân đội với mục đích gây chiến tranh với quốc gia, hay cho phép ai làm điều đó nhân danh ông thì Vua sẽ phải thoái vị.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ quang cảnh nơi thi hành án chém đầu Hoàng hậu Marie Antoinette vào năm 1793.

Tuy nhiên, trong cuộc nổi dậy ngày 10/8/1792, Nhà vua đã bị bắt giữ và đưa ra xét xử trước Nghị viện. Vua bị kết tội phản quốc, rồi bị xử chém ngày 21/1/1793. 

Trong khi đó, ngày 21/9/1792, nền Cộng hòa Pháp thứ Nhất được chính thức công bố, chấm dứt nền quân chủ kéo dài liên tục một ngàn năm. Louis XVI trở thành quân vương duy nhất của Pháp bị xử tử hình. 

Về phần mình, Hoàng hậu Marie Antoinette bị đưa từ Tháp Đền đến Conciergerie ngay sau khi Nhà vua bị hành quyết. Bà chịu chung số phận với chồng, chết trên máy chém vào tháng 10/1793.

Năm 1815, sau khi dòng họ Bourbons giành lại quyền lực đối với Pháp, hài cốt của Hoàng hậu và Vua Louis XVI mới được chuyển đến Vương cung thánh đường Saint-Denis.

Marie Antoinette trên màn ảnh rộng

Cuộc đời và những thử thách của Hoàng hậu Pháp cuối cùng tiếp tục mê hoặc giới học thuật và công chúng thậm chí đến tận 200 năm sau khi bà qua đời. Nhiều người đã cố gắng ghi lại câu chuyện bi thảm của Marie Antoinette, cả bằng chữ viết và hình ảnh.

Chú thích ảnh
Nữ diễn viên Kirsten Dunst đóng vai Hoàng hậu Antoinette trong bộ phim cùng tên của nữ đạo diễn Sofia Coppola năm 2006.

Năm 2006, nhà lãm phim Sofia Coppola đã viết kịch bản và đạo diễn bộ phim "Marie Antoinette", với vai nữ chính dành cho Kirsten Dunst, ngôi sao của serie "Spider Man".

Lần đầu tiên một đoàn làm phim được vào Cung điện Versailles để quay phim Mặc dù vậy, giống như thanh danh của nữ hoàng, bộ phim đã chịu nhiều ý kiến ​​trái chiều, đón nhận cả những tràng pháo tay lẫn tiếng la ó trong buổi chiếu ra mắt tại Liên hoan phim Cannes.

Xem từ Kỳ 1: THÁI TỬ PHI 14 TUỔI VÀ CUỘC HÔN NHÂN CHÍNH TRỊ 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài - Kỳ 2
Marie Antoinette – Hoàng hậu Pháp khét tiếng và kết cục trên đoạn đầu đài - Kỳ 2

Mặc dù lối chi tiêu xa hoa của Nữ hoàng Marie Antoinette chắc chắn không phải là nguyên nhân duy nhất khiến nước Pháp sụp đổ, nhưng nó không giúp ích gì cho nền kinh tế, mà ngược lại còn gây bất mãn trong dân chúng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN