Kỳ cuối: Sự công nhận “chậm nhưng chắc”
Khi Anning còn sống, một trong những người vinh danh Anning nhiều nhất là Harriet Silvester, một góa phụ giàu có sống ở London và thăm Anning năm 1824. Bà Silvester viết: “Đây chắc chắn là một ví dụ tuyệt vời về đặc ân thiêng liêng. Chúa ban phước lành cho cô gái không được học hành, nghèo khổ. Nhờ đọc sách và ứng dụng mà cô gái đã đạt được trình độ để có thể viết và nói chuyện với các giáo sư, những người đàn ông thông minh về chủ đề cổ sinh vật học. Và họ đều thừa nhận rằng cô hiểu nhiều về khoa học hơn bất kỳ ai ở vương quốc này”.
Không chỉ vì giới tính, mà còn vì không được học hành bài bản, giọng nhà quê đặc sệt, gia đình nghèo khó đã khiến Anning dễ bị giới học thuật phớt lờ. Ngoài ra, thời đó, người ta thường chỉ ghi lại thông tin của người giàu có đã hiến tặng hóa thạch cho bảo tàng. Người tìm ra hóa thạch nói chung không phải là người mà giới khoa học quan tâm.
Anning được công nhận đôi chút là người săn tìm hóa thạch, nhưng bằng chứng cho thấy cô có nhiều kiến thức hơn là chỉ tìm và rửa sạch những gì còn sót lại từ thời cổ đại.
Theo cuốn sách năm 2001 có tên “The Dragon Seekers: How an Extraordinary Circle of Fossilists Discovered the Dinosaurs and Paved the Way for Darwin" (tạm dịch: Người săn tìm rồng: Các nhà hóa thạch học phi thường đã phát hiện ra khủng long và dọn đường cho Darwin thế nào”, Christopher McGowan cho biết Anning đã cố gắng mượn và đọc càng nhiều sách khoa học càng tốt và thường tìm cách chép lại để giữ lại kiến thức cho mình. Anning cũng thường sao chép các bản vẽ gốc. Ông McGowan, một nhà động vật học và nhà cổ sinh vật học, cho biết: “Tôi khó có thể phân biệt được bản gốc và bản sao chép”.
Anning chết vì ung thư vú năm 1847, khi mới 47 tuổi. Tạp chí Quarterly của Hiệp hội Địa chất London đã đăng cáo phó về cái chết của bà. Đây là lần đầu tiên họ tôn vinh một người không phải là thành viên hiệp hội. Mãi tới năm 1904, tức 57 năm sau, hiệp hội mới nhận phụ nữ là thành viên.
Do không được các nhà khoa học nam công nhận, tên tuổi của Anning gần như đã bị lãng quên. Tuy nhiên, tên của nhà cổ sinh vật học này đang trở lại. Bảo tàng Lyme Regis, được xây trên khu vực từng là cửa hàng bán hóa thạch của bà, đã khánh thành thêm khu vực dành riêng cho bà năm 2017. Hai cuốn tiểu sử về Mary Anning trong chục năm qua đã giới thiệu nhiều thông tin về cuộc đời bà. Một số cuốn sách tiểu thuyết lịch sử cũng nhắc tới cuộc đời bà, trong đó có cuốn “Remarkable Creatures” (Những sinh vật đáng kinh ngạc) của Dutton Adult năm 2010 và các cuốn sách thiếu nhi như “Dinosaur Laday: The Daring Discoveries of Mary Anning, the Firs Paleontologist” (tạm dịch: Quý bà khủng long: Những phát hiện kinh ngạc của Mary Anning, nhà cổ sinh vật học đầu tiên) năm 2020 và cuốn “Stone Girl Bone Girl: The Story of Mary Anning of Lyme Regis" (Tạm dịch: Cô gái thích đá, cô gái thích xương: Chuyện về Mary Anning ở Lyme Regis”) năm 1999.
Một bộ phim về Anning do Kate Winslet và Saoirse Ronan đóng đã ra mắt năm 2020, giúp nhiều người biết hơn về tên tuổi của bà và các thành tựu. Bộ phim nói về mối quan hệ tình cảm giữa Anning và một phụ nữ trẻ là nhà địa chất Charlotte Murchison. Nhà phê bình Rafer Guzman cho rằng phim có cảm xúc nhưng mơ hồ về lịch sử. Trong thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy bà Anning thích phụ nữ. Bà không kết hôn nhưng ít nhất trong một bức thư, bà Anning cho thấy mình đã bị chồng của Murchinson hấp dẫn. Bà gọi ông là “mảnh máu thịt đẹp trai nhất mà tôi từng thấy”.
Một điều nữa về Anning cũng gây tranh cãi. Đó là bà truyền cảm hứng sáng tác cho câu nói “líu lưỡi” có các âm tiết khó đọc nhanh trong tiếng Anh “She sells seashells by the seashore” (tạm dịch: Cô gái bán vỏ sò bên bờ biển). Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Stephen Winick, không có bằng chứng cho mối liên hệ này. Người đầu tiên gắn Anning với câu nói trên là tác giả Paul J. McCartney trong cuốn sách năm 1977. Sau này, ông đã nói rằng Anning “được cho là” nhân vật chính trong câu nói trên.
Ông Winick viết: “Tôi cho rằng lý do quan trọng nhất khi gắn Mary Anning với câu nói phổ biến đó là xã hội thực sự có nhu cầu công nhận các nhà khoa học nữ tiên phong. Nền văn hóa nói chung là không công nhận các nhà khoa học nữ theo đúng quyền lợi của họ và trách nhiệm của chúng ta là phải thay đổi điều đó”.
Năm 2015, tại Bảo tàng và Phòng tranh Doncaster ở Anh, một nhà cổ sinh vật học đã phát hiện ra một hóa thạch thằn lằn cá trong bộ sưu tập của bảo tàng. Hóa thạch này bị bảo tàng xếp nhầm là mẫu sao chép bằng thạch cao. Theo nghiên cứu năm 2015 đăng trên Tạp chí Cổ sinh vật học đốt sống, nhà cổ sinh vật học này nhận ra đó là một hóa thạch thật từ Bờ biển Kỷ Jura. Hơn thế nữa, nó còn là một mẫu mà khoa học chưa từng biết tới. Ông đã lấy tên Mary Anning để đặt tên cho mẫu hóa thạch: Ichthyosaurus anningae.
Cuối cùng thì cái tên của Anning cũng được công nhận, dù chậm nhưng chắc.
Xem Kỳ 1 tại đây.