Theo các tài liệu mới được giải mật, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng vạch kế hoạch không kích và "đập tan" Cuba bằng các cuộc ném bom gần 40 năm trước để trả đũa việc nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro đưa binh sĩ tới Angola cuối năm 1975. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. |
Ông Kissinger đã chỉ thị cho Tham mưu trưởng Liên quân, tướng George Brown trong một cuộc họp cấp cao của các quan chức an ninh quốc gia vào ngày 24/3/1976: "Nếu chúng ta quyết định sử dụng sức mạnh quân sự, nó phải thành công. Không nên dùng các biện pháp nửa vời”.
Cũng trong cuộc họp, ông Kissinger đã nói: "Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải đập tan Castro. Nhưng chúng ta không thể làm điều này trước cuộc bầu cử tổng thống 1976”. Đáp lại, Tổng thống Gerald Ford cho biết ông đồng ý.
Thông tin về kế hoạch “đập tan” Cuba của ông Kissinger đã được Trung tâm lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ công bố trong một cuốn sách có tựa đề: "Cửa sau tới Cuba: Lịch sử bí mật các cuộc đàm phán giữa Washington và La Habana" với tác giả là giáo sư Đại học Mỹ William M. LeoGrande và ông Peter Kornbluh, người chỉ đạo Dự án Tài liệu tham khảo về Cuba của trung tâm trên.
Theo cuốn sách, Ngoại trưởng Kissinger tính đến kế hoạch tấn công Cuba sau khi Mỹ và Cuba đã nỗ lực trong một thời gian dài để bình thường hóa quan hệ thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao bí mật, trong đó phải kể đến các cuộc gặp bí mật giữa các phái viên Cuba và Mỹ tại sân bay La Guardia và một cuộc đàm phán chưa từng có tiền lệ kéo dài ba tiếng ở khách sạn 5 sao Pierre, New York (Mỹ).
Các tác giả cuốn sách cho rằng việc Cuba nỗ lực hỗ trợ cuộc đấu tranh chống thuộc địa ở châu Phi là một mối đe dọa với lợi ích Mỹ mà ông Kissinger hi vọng có thể giảm nhẹ mối đe dọa này nếu quan hệ hai nước tốt hơn.
Cuốn sách mô tả ông Kissinger đã "giận đỏ mặt" đối với nhà lãnh đạo Fidel Castro khi ông quyết định triển khai hàng ngàn binh sĩ đến Angola để hỗ trợ đảng Phong trào Giải phóng Nhân dân Angola (MPLA) của nhà lãnh đạo António Agostinho Neto, giúp đảng này chống lại cuộc tấn công từ các nhóm nổi dậy được Mỹ và chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi hậu thuẫn.
Trang đầu tiên trong biên bản ghi nhớ cuộc họp Mỹ - Cuba tại khách sạn Pierre. |
Lo sợ rằng ông Castro cuối cùng sẽ mở rộng can thiệp quân sự ra ngoài Angola, Kissinger đã khuyên Tổng thống Ford rằng Mỹ sẽ phải "đập tan người Cuba". Theo biên bản cuộc đối thoại với Tổng thống Ford tại phòng Bầu dục ngày 15/3/1976, ông Kissinger nói: “Nếu họ vào Namibia hoặc Rhodesia, tôi sẽ ủng hộ tấn công họ".
Trong cuộc họp ngày 24/3/1976 với nhóm an ninh quốc gia hàng đầu có tên "Nhóm Hành động Đặc biệt Washington", Ngoại trưởng Kissinger đã nhận định: "Nếu người Cuba tấn công Rhodesia, thì Namibia sẽ là mục tiêu tiếp theo rồi kế đến là Nam Phi”.
Do đó, để Cuba trở thành “đội quân xung kích cách mạng" ở châu Phi là điều không thể chấp nhận và có thể gây căng thẳng sắc tộc ở vùng Caribe. Người Cuba sẽ lôi kéo nhóm dân tộc thiểu số bất mãn và sau đó có thể tràn vào Nam Mỹ, và thậm chí cả nước Mỹ.
Hơn nữa, Ngoại trưởng Kissingger lo sợ rằng nếu Mỹ không phản ứng trước việc một quốc đảo Caribe nhỏ bé có hành động quân sự trên toàn cầu thì Mỹ sẽ bị cho là yếu ớt.
Ông nói: "Nếu bên ngoài cho rằng cuộc tranh cãi nội bộ về Việt Nam của chúng ta đã làm chúng ta suy yếu đến mức có vẻ như chúng ta không thể làm gì một đất nước 8 triệu dân (Cuba), thì trong 3 hoặc 4 năm tới chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng thực sự".
Kế hoạch tấn công Cuba do Nhóm Hành động Đặc biệt Washington soạn thảo bí mật trong tháng 4/1976, theo đó vạch ra các lựa chọn trừng phạt từ các lệnh cấm vận kinh tế và chính trị đến các hành động chiến tranh như phá hoại các cảng của Cuba, cô lập hải quân và không kích chiến lược nhằm phá hủy các mục tiêu quân sự hoặc liên quan đến quân sự của Cuba.
Tuy nhiên, nhóm hành động nói trên đã cảnh báo ông Kissinger rằng bất kỳ hành động gây hấn nào cũng có thể gây ra một cuộc đối đầu siêu cường. Không giống như cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962, một cuộc khủng hoảng mới ở Cuba có thể sẽ không khiến Liên Xô nhượng bộ.
Nhóm này cảnh báo: “Việc Cuba/Xô Viết đáp trả có thể khiến tình hình leo thang trong các khu vực, dẫn đến thương vong lớn nhất đối với Mỹ và có thể gây ra những phản ứng mạnh mẽ hơn. Các tình huống có thể khiến Mỹ phải lựa chọn một hành động quân sự chống Cuba phải đủ nghiêm trọng để đảm bảo hành động mạnh hơn nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh toàn diện".
Cuốn sách vừa được phát hành ngày 1/10/2014 tại một cuộc họp báo ở khách sạn Pierre, nơi từng diễn ra cuộc họp bí mật chính thức đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba vào tháng 7/1975.
Các tác giả của cuốn sách cho rằng lịch sử của những cuộc đàm phán như vậy và những bài học được rút ra vẫn đặc biệt có ý nghĩa tại thời điểm hiện nay, khi cả Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã công khai tuyên bố cần thiết phải vượt qua di sản thù địch kéo dài trong quan hệ Mỹ - Cuba.
Công Thuận