Năm hệ thống phòng thủ tên lửa quái dị

Với những nỗ lực trong nhiều thập kỷ, quân đội các nước trên thế giới vẫn không thể hoàn toàn đánh chặn được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Kể từ khi tên lửa đạn đạo liên lục địa ra đời trong những năm 1950, các nhà khoa học và kỹ sư quân sự đã tích cực nghiên cứu nhằm tìm ra cách đánh bại chúng. Sau nhiều thập kỷ làm việc chăm chỉ và đầu tư hàng tỷ USD vào các hệ thống phòng thủ tên lửa, việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa vẫn không thể thực hiện được một cách triệt để. Dưới đây là một số ý tưởng kỳ dị của Mỹ về các hệ thống phòng thủ tên lửa:

Dự án Argus

Năm 1958, Mỹ đã thực hiện hàng loạt vụ thử nghiệm hạt nhân tuyệt mật, với mục đích kiểm tra lý thuyết phòng thủ tên lửa do một nhà vật lý học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, bang California, đề xuất.

Theo đó, các vũ khí hạt nhân phát nổ trên bầu khí quyển sẽ tạo ra một vành đai bức xạ nhân tạo có khả năng ngăn chặn các tên lửa đạn đạo, giống như một loại lá chắn tên lửa trên khí quyển. Mặc dù các cuộc thử nghiệm được ca ngợi là thành công, nhưng “thí nghiệm khoa học lớn nhất từ trước tới nay” này lại được cho là không thực tế, nếu không muốn nói là không thể, đối với việc ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân. Cuối cùng, dự án này bị hủy vào năm 1959.

Excalibur - Thanh kiếm huyền thoại của vua Arthur

Hệ thống laser Excalibur.


Excalibur có lẽ là chương trình phòng thủ tên lửa vĩ đại nhất trong lịch sử: Một hệ thống laser tia X được đẩy bằng năng lượng hạt nhân triển khai trong không gian sẽ làm nổ tung các tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Về mặt lý thuyết, dự án Excalibur - nền tảng trong Sáng kiến Chiến lược Quốc phòng của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan - có khả năng chống lại một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn từ Liên Xô. Tuy nhiên, sau khoảng 10 lần thử nghiệm trên mặt đất, dự án này bị hủy vào năm 1992.

Brilliant Pebbles - “Những viên đá thông minh”

Mô hình dự án Brilliant Pebbles.


Một chương trình phòng thủ tên lửa đầy tham vọng khác được đề xuất dưới thời Tổng thống Reagan là ý tưởng phóng các vệ tinh mini để tiêu diệt tên lửa. Mỗi vệ tinh mini có kích thước bằng một quả bóng đá Mỹ. Giống như hệ thống laser Excalibur, kế hoạch này - Brilliant Pebbles - bị chỉ trích vì kỹ thuật phức tạp và chi phí cao.

Tên của dự án Brilliant Pebbles xuất phát từ ý tưởng rằng những vệ tinh mini này có khả năng “thông minh” và nhỏ hơn một loại tên lửa dẫn đường. Sau đó, nó được gọi là “những viên đá thông minh” (smart rocks).

Về lý thuyết, những vệ tinh mini trên sẽ va chạm với những quả tên lửa đạn đạo liên lục địa khi chúng di chuyển bên ngoài bầu khí quyển trái đất. Nhưng cuối cùng chương trình Brilliant Pebbles bị hủy vào năm 1993 khi các dự án thời Reagan bị thu hẹp để ủng hộ các chương trình phòng thủ tên lửa triển khai trên mặt đất.

Space Based Laser - Hệ thống laser trong không gian

Mô hình hệ thống laser triển khai trong không gian đánh chặn các tên lửa đạn đạo.


Đây là hệ thống Laser Alpha Năng lượng cao, được khởi động bởi Cơ quan Dự án Nghiên cứu quốc phòng hiện đại (Darpa), sau đó được chuyển giao cho Tổ chức Sáng kiến chiến lược quốc phòng Mỹ. Space Based Laser được cho là có thể phóng ra tia laser công suất lớn nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo. Không giống như Excalibur, Space Based Laser sử dụng tia laser hóa học, do đó sẽ không tạo ra một vụ nổ hạt nhân trong không gian.

Tuy nhiên, dự án này đã bị chậm tiến độ trong nhiều năm và chi phí tăng cao so với dự kiến ban đầu, vì Lầu Năm Góc và các nhà thầu quân sự đã gặp khó khăn trong việc đưa một hệ thống tia laser hóa học lên không gian, với một tấm gương để phản xạ các chùm tia cùng với một hệ thống giám sát nhằm theo dõi tên lửa.

Chương trình Space Based Laser vẫn tiếp tục được tiến hành sau khi Sáng kiến chiến lược phòng thủ bị hủy, nhưng đến năm 2002, Giám đốc Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ đã thông báo nó bị ngưng lại. Do đó, hệ thống này đã không bao giờ được đưa vào không gian.

Hệ thống vũ khí laser trên máy bay

Chiếc Boeing 747 với hệ thống vũ khí hạt nhân YAL - 1.


Dự án này dựa trên ý tưởng rằng một phi đội máy bay Boeing 747 được trang bị tia laser bay xung quanh trái đất để sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công bằng tên lửa. Khi một cuộc tấn công như vậy sắp xảy ra, các máy bay này sẽ đột kích và đánh chặn các tên lửa trong giai đoạn dễ bị tổn thương nhất của nó.

Tuy nhiên, việc tích hợp hệ thống laser trên máy bay và khả năng hoạt động theo như tính toán ở trên đã gặp nhiều thách thức: các vấn đề như sự nhiễu loạn không khí, vốn ảnh hưởng đến việc phóng ra các chùm tia, rất khó giải quyết. Hệ thống laser này cũng cần những hóa chất nguy hiểm để hoạt động. Sau nhiều năm phát triển và tốn hàng tỷ USD, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates khi đó đã hủy chương trình này vào năm 2009 và cho biết khả năng hoạt động theo như đề xuất của nó “có vấn đề”.


Công Thuận (Theo BBC Future)
Chiêm ngưỡng hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Nga
Chiêm ngưỡng hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Nga

Hiện các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đang được rất nhiều nước ưa chuộng và ngỏ ý muốn mua về để phát triển công nghiệp quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN