Ngành công nghiệp ảo thuật bí ẩn của Triều Tiên

Tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 năm nay, Triều Tiên đã lôi cuốn người Hàn Quốc bằng một màn trình diễn kỳ lạ: một trò ảo thuật.

Nhà lãnh đạo Triều TiênKim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cười vui với màn ảo thuật tại Hội thượng đỉnh ở Panmunjom. Ảnh: Reuters

Tại tiệc tối do phía Hàn Quốc tổ chức sau Hội nghị thượng đỉnh ngày 26/4 tại làng đình chiến Panmunjom, nhà ảo thuật Triều Tiên đi một vòng quanh phòng tiệc và hỏi mượn một vài tờ tiền. Một quan chức Hàn Quốc rút ra tờ 50.000 won, trị giá khoảng 50 USD, đưa cho ảo thuật gia. Nhà ảo thuật nhanh chóng biến tờ bạc thành đồng 1 USD, rồi tiếp tục "hô biến" những tờ 50.000 won lần lượt thành tờ 10 USD và 100 USD. Màn ảo thuật nhận được loạt vỗ tay hưởng ứng cùng với những tràng cười sảng khoái của quan chức hai nước, trong đó có hai nhà lãnh đạo liên Triều. Một quan chức Hàn Quốc có mặt tại bữa tiệc thậm chí đã nói đùa rằng: "Triều Tiên không cần xuất khẩu nữa. Các bạn có thể tạo ra tiền bằng ảo thuật!". 

Ảo thuật gia Triều Tiên cuối cùng cầm tờ 100 USD Mỹ mà ông vừa "phù phép" được tặng cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Theo lời kể của các quan chức có mặt, ông  Kim Yong Chol, Phó chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, đã tham gia biểu diễn như một trợ lý của ảo thuật gia.

Có nhiều điều chưa biết về Triều Tiên, và ngành công nghiệp ảo thuật chắc chắn là một trong số đó.

Ở Triều Tiên, show diễn ảo thuật được coi là một phần của rạp xiếc, thường được gọi là “Kyoye”, được thực hiện bởi những nhóm xiếc chuyên nghiệp. Theo nhà phê bình văn hóa Triều Tiên Lim Chae-wook, chính phủ Triều Tiên cung cấp nhiều sự hỗ trợ cho các nhóm xiếc. Ảo thuật được coi là một nghệ thuật biểu diễn, và những người diễn xiếc, bao gồm cả các nhà ảo thuật, được trao danh hiệu “diễn viên Kyoye”. Trung bình, một nhóm xiếc có thể có tới 100 diễn viên Kyoye.

Hầu hết những người biểu diễn xiếc bắt đầu được đào tạo từ khi mới 10 tuổi tại các cơ sở đặc biệt, ông Lim cho biết. Các diễn viên tại nhóm xiếc Pyongyang Circus uy tín nhất của Triều Tiên chẳng hạn, họ được đào tạo tại Trường xiếc Bình Nhưỡng, ngôi trường ra đời từ năm 1975.

Các học sinh được đào tạo trong khoảng 9 năm trước khi được biểu diễn trước khán giả. Nhà trường cung cấp bốn loại hình đào tạo khác nhau, và một trong số đó là ảo thuật. Các trò ảo thuật mà họ học bao gồm ảo thuật quân bài, chơi piano không cần chạm vào phím và làm cho một người hoặc vật thể “bay”.

Mặc dù hành trình trở thành một nhà ảo thuật, hay một diễn viên, rất khó khăn vì đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực, nhưng danh tiếng và tiền bạc gặt hái được sau này với nghề ảo thuật đáng để nhiều người Triều Tiên hy sinh.

Một số nhà ảo thuật thành công nhận được danh hiệu “Diễn viên nhân dân”, một vinh dự lớn mang lại danh tiếng cho bản thân và gia đình. Một nhà ảo thuật với danh hiệu "Diễn viên Nhân dân" cũng có thể đạt được danh hiệu "Anh hùng Lao động" uy tín, dù rất hiếm hoi.

Chú thích ảnh

Kim Taek Sung, một nhà ảo thuật đã chuyển sang làm nghề giảng dạy tại Trường Xiếc Pyongyang, đã được trao cả hai danh hiệu trên cho sự cống hiến của mình cho ngành công nghiệp ảo thuật Triều Tiên.

Ông Kim, sinh ra ở tỉnh Chagang, trở thành một diễn viên tại rạp xiếc Bình Nhưỡng từ năm 1969 và đã dành gần 30 năm vừa biểu diễn ở đó, vừa phát triển các loại ảo thuật khác nhau. Ông được cho là đã thực hiện và phát triển khoảng 200 trò ảo thuật. Hai người con trai của ông cũng trở thành ảo thuật gia và cả hai đều được trao danh hiệu Diễn viên Nhân dân.

Kim và các con trai của ông được coi là những nhà ảo thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử Triều Tiên. Năm 2001, khi Triều Tiên thành lập “Hiệp hội ảo thuật Choson”, Kim Taek Sung đã được bầu làm người lãnh đạo của tổ chức mới. Đây là động thái đầu tiên cho thấy Triều Tiên thúc đẩy ngành công nghiệp ảo thuật một cách riêng biệt, chứ không phải là một phần của ngành xiếc.

Mặc dù ngành công nghiệp ảo thuật của Triều Tiên chủ yếu nhắm vào đối tượng trong nước, nhưng đã có một số dấu hiệu thay đổi. Năm 2009, một tờ báo ủng hộ Triều Tiên tại Tokyo, Choson Sinbo, đã đưa tin rằng Triều Tiên đã tìm kiếm cơ hội tham gia Liên đoàn ảo thuật xã hội quốc tế, một trong những tổ chức quốc tế được kính trọng nhất trong cộng đồng ảo thuật.

Hiện Triều Tiên vẫn chưa thể tham gia vào tổ chức này, nhưng điều đó cho thấy họ đang muốn trở thành một phần của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy ngành công nghiệp ảo thuật.

Một số người tin rằng lúc này là thời điểm tốt để Triều Tiên xem xét lại khả năng bước ra cộng đồng quốc tế với ngành công nghiệp ảo thuật của mình trong bối cảnh mối quan hệ liên Triều đã có nhiều dầu hiệu cải thiện.

Hàn Quốc đặt nhiều hy vọng và đã cố gắng mời Triều Tiên tham dự lễ hội ảo thuật của mình như một cử chỉ thiện chí, nhưng điều này vẫn chưa có kết quả.

Mới đây, chính phủ Hàn Quốc đã mời Bình Nhưỡng gửi đội ảo thuật đến Lễ hội ảo thuật quốc tế Busan, từ ngày 9/7, nhưng Triều Tiên không trả lời. Nhà ảo thuật nổi tiếng của Hàn Quốc Choi Hyun-woo nhận xét rằng, nếu Triều Tiên tham gia vào một lễ hội ảo thuật được tổ chức tại Hàn Quốc, đó sẽ là ảo thuật thực sự.



Thu Hằng/Báo Tin tức
Trường quân sự Nga dạy miễn phí cho thanh niên Syria
Trường quân sự Nga dạy miễn phí cho thanh niên Syria

Chính phủ Nga vừa ban hành sắc lệnh tạo điều kiện cho các thanh niên Syria học tập miễn phí tại trường quân sự Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN