Ngày 17/5/1987, tàu tên lửa dẫn đường USS Stark của Mỹ đã vô tình chịu “cú đánh đau” từ tên lửa của Iraq, khiến 37 thủy thủ đoàn tử mạng.
"Vết thương" của tàu USS Stark trong vụ tấn công năm 1987. Ảnh: AFP |
Cộng tác viên Andrei Kots của Sputnik cho biết vụ tai nạn xảy ra trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Vào thời điểm đó đã diễn ra Cuộc chiến Tàu chở dầu bắt nguồn bởi Iran và Iraq trong năm 1984. Hai quốc gia này đã tấn công các tàu của nước thứ ba chở dầu cho đối thủ. Cuộc chiến Tàu chở dầu này đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế và tất nhiên là cả Mỹ.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng có thể diễn ra, Lầu Năm Góc đã thực hiện chiến dịch có tên Earnest Will nhằm bảo vệ các tàu chở dầu của Kuwait khỏi cuộc tấn công của Iran.
USS Stark được cử tới khu vực như một phần trong nỗ lực của Mỹ. Ngày 17/5, con tàu rời cảng Manama của Bahrain và đi dọc bờ biển Saudi Arabia hướng tới vùng diễn ra Chiến tranh Iran-Iraq.
Đến ngày 17/5, tàu USS Stark phát hiện tín hiệu từ hệ thống radar cho thấy một mục tiêu là máy bay chiến đấu Mirage F-1 của Iraq. Chiến đấu cơ này khi đó cách USS Stark 43 km. USS Stark đã cố gắng liên lạc với Mirage F-1 để thương lượng trong vùng biển quốc tế tuy nhiên phi công chiến đấu cơ không hề có phản hồi. Rồi tên lửa Exocet đầu tiên được phóng về phía USS Stark, sau đó 15 giây tên lửa thứ hai cũng “xuất kích”.
Ngày 18/5/1987, tờ New York Times đăng thông tin về vụ việc trong đó nêu rõ: “Đây là cuộc tấn công nghiêm trọng đầu tiên vào lực lượng quân đội Mỹ tại Vịnh Ba Tư trong cuộc chiến tranh giữa Iran và Iraq. Những quốc gia tham chiến đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào tàu của nhau và của nước thứ ba".
Trong cuộc chiến tranh xảy ra cách đây hơn 3 thập niên, Iraq và Iran thường tấn công vào các cơ sở khai thác dầu của đối phương. |
Truyền thông vào thời điểm đó trích lời người phát ngôn Lầu Năm Góc Robert Sims rằng cuộc tấn công dường như là hành động không có chủ ý. Sau vụ việc này, Iraq đã đưa ra lời xin lỗi và cam kết tiến hành điều tra.
Tờ Guardian vào ngày 19/5/1987 đăng: “Về phần Tổng thống Mỹ thứ 40 Ronald Reagan, ông đã không chùn bước trước cuộc tấn công bằng tên lửa Exocet đầy bất ngờ vào tàu USS Stark. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ duy trì cam kết hỗ trợ phòng vệ cho các nước bạn tại Vùng Vịnh”.
Vụ việc này đã dấy lên nhiều nghi vấn đối với giới truyền thông, đặc biệt là về lý do khiến USS Stark không có khả năng phòng thủ trước tên lửa và ngăn chặn tổn thất.
Ngày 19/5/1987, tờ TIME dẫn lời một số quan chức Lầu Năm Góc nhận định: “Con tàu 5 năm tuổi USS Stark của Hải quân Mỹ được trang bị vũ khí tân tiến có thể tấn công chiến đấu cơ và tên lửa lại trở nên bất lực khi bị máy bay chiến đấu của Iraq nã tên lửa”.
Ngày 7/6/1987, một số tờ báo đăng thông tin rằng USS Stark chỉ cố gắng cảnh báo chiến đấu cơ của Iraq hơn một phút trước khi đối phương phóng hai quả tên lửa.
Tuy nhiên ông Kots nhận xét rằng vấn đề chủ chốt là tàu Hải quân Mỹ vẫn khá “yếu ớt” trước tấn công tên lửa. Cộng tác viên Andrei Kots của Sputnik nhận định rằng loại vũ khí như tên lửa chống tàu có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả hạm đội hùng mạnh nhất.