Ngụy trang trong kỷ nguyên tàng hình - Kỳ I

Kỳ I: Sự ra đời của ngụy trang quân sự


Ngụy trang giúp các binh sĩ hay vật thể lẫn vào môi trường xung quanh khi được quan sát từ bên ngoài. Nó không chỉ gây trở ngại cho đối phương trong chiến đấu mà còn khiến chính những người luôn trăn trở về mức độ hiệu quả và cách thức áp dụng phương pháp này phải lúng túng. Lịch sử ngụy trang quân sự không ít lần chứng kiến những tranh cãi, bất đồng giữa các nghệ sĩ và kiến trúc sư, giữa binh sĩ và họa sĩ và ngay cả các sử gia cũng tỏ vẻ xem thường các nhà lý luận, bởi họ, hay bất cứ chuyên gia tự xưng nào từ người làm vườn đến nhân viên trang trí nội thất, đều đưa ra những quan điểm riêng về ngụy trang.
 

Cây quan sát, một trong những mô hình ngụy trang phổ biến trong Chiến tranh Thế giới thứ 1.

 

Cũng giống như châm cứu, ngụy trang có vẻ mang lại tác dụng nhưng không ai biết rõ vì sao. Trong cuộc chiến này, các binh sĩ mặc quân phục màu bùn nhưng trong cuộc chiến khác họ lại mặc đồ ngụy trang màu vằn. Có lúc tàu chiến được sơn các mảng màu trắng đen xen kẽ nhưng có lúc lại khoác trên mình lớp sơn màu xám. Trong khi đó, máy bay chiến đấu ở khu vực này được ngụy trang để lẫn vào tán rừng, còn khi tác chiến ở khu vực khác lại được sơn sắc xám của những đám mây dông.


Nếu nói lừa gạt là một kiểu ngụy trang thì một trong những ví dụ sớm nhất của mưu kế ấy là con ngựa thành Troie. Thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ 1, người ta cũng áp dụng một kiểu ngụy trang tương tự không kém phần hiệu quả trong chiến tranh chiến hào, đó là cây quan sát - một mô hình rỗng bằng thép mô phỏng một thân cây xác xơ do trúng đạn pháo. Ban đêm, các binh sĩ sẽ lén bò ra ngoài đến vùng đất trống và thay thế vật thật bằng những mô hình giống hệt, bên trong bố trí một nhân viên quan sát pháo binh với một chiếc điện thoại.


Còn nếu ngụy trang được giới hạn trong phạm vi binh lính và phương tiện được cải trang để đánh lừa thị giác thì William Shakespeare chắc chắn là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của kiểu ngụy trang này. Trong vở kịch “Macbeth”, các binh sĩ của Malcolm đã nấp sau những tán lá của rừng Birnam để lực lượng phòng thủ bên trong lâu đài Dunsinane của Macbeth không thể phát hiện quân số của họ. Macbeth đã tuyên bố sẽ chỉ bị đánh bại “khi rừng Birnam tiến đến lâu đài Dunsinane”. Và quả thực, quân đội của Malcolm đã đến từ rừng Birnam. Mỗi binh sĩ cắt một cành cây lớn để ngụy trang và khi họ di chuyển thì cứ như thể cả khu rừng đang chuyển động. Rốt cuộc lâu đài Dunsinane thất thủ và Macbeth bị tiêu diệt. Mặc dù chi tiết đó chỉ là hư cấu song trên thực tế đã khiến Shakespear trở thành một người có tầm nhìn xa về ngụy trang.
 

Tàu ngụy trang sơn màu vằn.

Trong các thời kỳ chiến tranh, khi những đội hình sát cánh, đội hình mai rùa (thời La Mã) và tấn công từ trên lưng ngựa... được áp dụng phổ biến thì ngụy trang tỏ ra không phù hợp. Bởi việc gì phải ngụy trang cho những binh sĩ đánh giáp lá cà, hay thậm chí các cung thủ ở hai bên tham chiến khi họ nhìn thấy nhau. Do đó hầu hết các sử gia đều gắn sự ra đời của ngụy trang quân sự với sự xuất hiện của súng trường. Trong các cuộc chiến tranh thời Napoleon đầu thế kỷ 19, súng hỏa mai của bộ binh đạt độ chính xác trong phạm vi khoảng 180 mét. Tuy nhiên, trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861 - 1865), một viên đạn có thể hạ gục mục tiêu ở khoảng cách hơn 900 mét. Ngày nay, các binh sĩ tác chiến ở những khoảng cách sẽ khiến những kẻ dại dột mặc đồng phục sặc sỡ phải trả giá bằng tính mạng của mình.


Trong thế kỷ 20, ngụy trang quân sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trên bộ, các nghệ sĩ như Andre Mare đã thiết kế các kiểu phối màu cho ngụy trang và chốt quan sát giống như cây cối. Trên biển, tàu chiến và tàu chở quân được sơn màu vằn, mặc dù dễ bị phát hiện nhưng khiến đối phương khó xác định được tốc độ, khoảng cách và hướng di chuyển của tàu. Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ 2, một loạt tông màu ngụy trang được áp dụng cho máy bay và phương tiện chuyên chở trên mặt đất ở các chiến trường khác nhau.


Trên thực tế, trong cuộc chiến tranh Pháp - Ấn (1756 - 1763) và sau đó là cuộc Cách mạng Mỹ (1775 - 1783), các binh sĩ đã bắt đầu tự ngụy trang cho mình mà không hề nhận ra điều đó. Người Anh Điêng (người da đỏ) ở các khu rừng miền đông nước Mỹ biết cách chiến đấu theo kiểu “tàng hình” khi ẩn mình vào những rừng cây giống như thợ săn. Người châu Âu và những người định cư chiến đấu bên cạnh và chống lại người Anh Điêng đã học được những kỹ năng này. Lục quân của George Washington cũng vậy, một phần vì không đủ chi phí để may những bộ đồng phục rực rỡ và nổi bật như của lính Anh. Trong cuộc nội chiến, các binh sĩ liên bang thường có lợi thế vì họ cũng là những thợ săn biết cách giấu mình trong môi trường xung quanh.


Tất nhiên người Anh không ngu ngốc đến vậy. Binh sĩ của họ mặc đồng phục sặc sỡ để thị uy đối phương bằng số lượng màu đỏ đơn thuần. Nhưng đến Cách mạng Mỹ, quân đội của Hoàng đế Anh trang bị cho hầu hết các đơn vị súng trường tinh nhuệ đồng phục màu xanh sẫm. Cách làm này không hẳn là không có tiền lệ. Giữa thế kỷ 18, quân đội Áo đã phát triển một loại đồng phục có tác dụng ngụy trang khi họ tuyển mộ những tay thợ săn từ những người sống ở trong rừng và những người chuyên đi theo dõi ở các vùng đồng quê. Lực lượng này bao gồm những đơn vị đặc biệt mặc đồng phục màu xám nhạt, một tông màu đã chứng tỏ rất khó phát hiện từ xa.


Huy Lê

 

Đón đọc kỳ tới: Nghệ sĩ với ngụy trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN