Nhìn lại cuộc khủng hoảng con tin Mỹ - Iran trong 444 ngày qua ảnh

Vào ngày 4/11/1979, Đại sứ quán Mỹ tại Tehran bị tấn công, dẫn đến cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày, làm thay đổi sâu sắc quan hệ Mỹ - Iran.

Chú thích ảnh
Vài trăm thanh niên Iran, được đám đông hơn 3.000 người ủng hộ, trèo lên tường Đại sứ quán Mỹ lúc 10 giờ 30 phút sáng ngày 4/11/1979. Họ bịt mắt và còng tay hàng chục công dân Mỹ bên trong tòa nhà sứ quán Mỹ.

40 năm trước, vào ngày 4/11/1979, những sinh viên theo nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị người Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt giữ hàng chục con tin người Mỹ. Cuộc tấn công đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng khắp khu vực.

Giữa cuộc Cách mạng Hồi giáo của Iran, những sinh viên được đám đông giận dữ ủng hộ đã chiếm giữ tòa nhà Đại sứ Mỹ. Họ cho biết rất phẫn nộ khi cựu lãnh đạo Iran Shah Mohammad Reza Pahlavi đã được đưa sang Mỹ để điều trị ung thư.

Phải mất 444 ngày sau, 52 con tin người Mỹ mới được trả tự do. Bế tắc ngoại giao đã gây ra vấn đề nghiêm trọng cho nhiệm kỳ tổng thống của Jimmy Carter và mối quan hệ Mỹ - Iran chưa được được phục hồi kể từ đó.

Chú thích ảnh
Quốc vương Iran Shah Mohammad Reza Pahlavi rời khỏi đất nước vào ngày 16/1/1979, đầu tiên là đến Ai Cập. Ông và vợ, Hoàng hậu Farah, được Tổng thống Anwar Sadat (thứ hai từ phải sang) chào đón. Các sinh viên Iran tức giận vì Tổng thống Mỹ Jimmy Carter sau đó đã cho phép ông Shah đến New York để điều trị ung thư. Ông Shah đã chạy trốn khỏi Tehran trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối chính quyền cai trị. 

Vài tuần sau khi ông Shah rời đi, Ayatollah Ruhollah Khomeini đã trở về sau 14 năm lưu vong ở Paris. Vào tháng 3/1979, một cuộc trưng cầu dân ý cho thấy tỷ lệ áp đảo ủng hộ việc thay thế chế độ quân chủ bằng một chính phủ Hồi giáo.

Chú thích ảnh
Sự tức giận và thất vọng về các con tin bị giam giữ tại Tehran đã gia tăng ở Mỹ trong suốt cuộc khủng hoảng. Một cuộc biểu tình chống Iran đã được tổ chức tại Washington, D.C, vào ngày 9/11/1979.
Chú thích ảnh
Hình ảnh chụp một nhân viên đại sứ quán và một lính thủy đánh bộ Mỹ được công bố tại một cuộc họp báo ở Tehran vào ngày 9/11/1979. Nhưng thế giới bên ngoài hầu như không thể tiếp cận những người bị bắt cóc.
Chú thích ảnh
Một sinh viên Iran tuần tra đại sứ quán vào ngày 10/11/1979, khi hàng nghìn người biểu tình tụ tập, hô vang khẩu hiệu chống Mỹ.
Chú thích ảnh
Ba con tin được thả khỏi Đại sứ quán Mỹ vào ngày 19/11/1979, được đưa từ một cuộc họp báo đến sân bay.
Chú thích ảnh
Mười ba người Mỹ được trả tự do vào ngày 21/11/1979 và được đưa đến căn cứ Không quân Mỹ tại Wiesbaden, Tây Đức. 
Chú thích ảnh
Những nỗ lực của Hội Chữ thập đỏ quốc tế nhằm kiểm tra các con tin đã bị ngăn cản. Đại diện của tổ chức trên Andre Tschiffeli (ở giữa), chỉ được phép họp hai giờ với những sinh viên bắt giữ con tin vào ngày 24/11/1979. Ông không được phép tiếp cận các con tin. Các đại diện của Liên hợp quốc cũng bị giữ lại.
Chú thích ảnh
Những bé gái mồ côi Iran mặc áo choàng biểu tình bên ngoài đại sứ quán vào ngày 27/11/1979, yêu cầu dẫn độ quốc vương về nước để truy tố.
Chú thích ảnh
Để ngăn chặn đám đông biểu tình phản đối Mỹ ngày càng đông, một hàng rào thép đã được dựng lên xung quanh cổng Đại sứ quán Mỹ khi người dân Iran diễu hành để kỷ niệm ngày lễ Tasua vào ngày 29/11/1979.
Chú thích ảnh
Người dân Iran đã bất chấp mưa lớn để thể hiện sự đoàn kết với các sinh viên bắt giữ con tin vào ngày 15/12/1979, sau khi có tin tức rằng quốc vương Shah đã đến Panama.
Chú thích ảnh
Ảnh các con tin người Mỹ vào đêm Giáng sinh năm 1979.
Chú thích ảnh
Sau lễ Giáng sinh thứ hai bị giam cầm, các con tin được phép gửi tin nhắn cho gia đình. Tuyên bố của họ được phát trên truyền hình Mỹ vào ngày 27/12/1980. 
Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đang chuẩn bị phát biểu trên truyền hình từ Phòng Bầu dục vào ngày 25/4/1980. Ông thông báo rằng quyết định gửi một đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải cứu con tin vào Iran đã kết thúc trong thảm họa. Chiến dịch Eagle Claw đã phải hủy bỏ. 8 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng.
Chú thích ảnh
Xác máy bay chở hàng C-130 Hercules của Mỹ bị cháy được quân đội Iran kiểm tra tại sa mạc Dasht-e Kavir, cách Tehran khoảng 500 km, vào ngày 26/4/1980. Một chiếc trực thăng RH-53 đã va chạm với máy bay trên trong nỗ lực giải cứu các con tin người Mỹ. Các vấn đề về máy móc và bão cát đã cản trở nhiệm vụ, và một chỉ huy Mỹ đã đề nghị Tổng thống Carter hủy bỏ nhiệm vu. Vụ tai nạn xảy ra sau khi lệnh hủy bỏ được đưa ra. Sau đó, ông Carter cho rằng thất bại của mình trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980 là do ông không giải cứu được các con tin.
Chú thích ảnh
Cuối cùng, các con tin được giải thoát sau một quá trình đàm phán gian nan do Algeria làm trung gian, 52 con tin còn lại đã đến Wiesbaden, Tây Đức, vào ngày 20/1/1981. Những người bị bắt đã được thả chỉ vài phút sau khi ông Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. 

Thỏa thuận cũng kêu gọi dỡ phong tỏa 7,9 tỷ USD tài sản của Iran ở nước ngoài. Các con tin đã bị chặn để không được kiện Iran, nhưng vào năm 2015, mỗi người đã được chính phủ Mỹ cấp 4,4 triệu USD. Số tiền này được lấy từ khoản tiền phạt 8,9 tỷ USD đối với ngân hàng Pháp BNP Paribas vì vai trò của ngân hàng này trong việc vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo rferl.org/AFP)
Chính quyền Syria mới muốn duy trì mối quan hệ tôn trọng với Iran và Nga
Chính quyền Syria mới muốn duy trì mối quan hệ tôn trọng với Iran và Nga

Lãnh đạo mới của Syria bày tỏ mong muốn thiết lập mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau với Iran và Nga, đồng thời kêu gọi các quốc gia này không can thiệp vào công việc nội bộ của Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN