Sau thảm kịch máy bay của hãng Jeju Air phát nổ khi hạ cánh tại Hàn Quốc vào ngày 29/12, khiến 179 trong số 181 người trên máy bay thiệt mạng, giới chức nước này cho biết họ đang điều tra các nguyên nhân tiềm tàng, bao gồm trục trặc bánh đáp và đâm phải chim.
Theo tờ New York Times, máy bay đâm phải động vật hoang dã không phải là chuyện hiếm và hầu hết các vụ việc đều không gây tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến năm 2023, các vụ va chạm với động vật hoang dã liên quan đến máy bay dân sự và quân sự đã giết chết 76 người tại Mỹ - theo báo cáo của Cục Hàng không Liên bang được công bố vào tháng 6 năm nay. Hầu hết các vụ va chạm đó liên quan đến chim, nhưng định nghĩa về va chạm với động vật hoang dã của Cục Hàng không Liên bang Mỹ cũng bao gồm cả chó sói đồng cỏ, hươu và dơi.
Tại Mỹ vào năm 2023, đã có 19.603 vụ va chạm với động vật hoang dã được báo cáo, trung bình khoảng 54 vụ mỗi ngày, theo báo cáo của Cục trên. Chỉ có 3,6% các vụ va chạm đó gây ra thiệt hại.
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), 90% vụ va chạm với chim xảy ra gần sân bay. Thông thường, các vụ việc xảy ra khi máy bay cất cánh, hạ cánh hoặc bay ở độ cao thấp, tương tự như phạm vi bay của các loài chim.
Tác động của một sự cố như vậy phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả loại máy bay. Kể từ năm 1988 đến nay, đã có khoảng 250 máy bay các loại bị phá hủy do các vụ va chạm với chim.
Dưới đây là những vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng, xuất phát từ va chạm với chim trời.
Tai nạn máy bay Boeing 737 Max ở Ethiopia làm toàn bộ 157 người tử vong
Vụ tai nạn vào tháng 3/2019 với Chuyến bay 302 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines, đã khiến toàn bộ 157 người trên máy bay thiệt mạng, xảy ra chưa đầy 5 tháng sau khi một chiếc Boeing 737 Max 8 khác bị rơi ở Indonesia, khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng.
Cả hai vụ tai nạn đều được cho là do lỗi hệ thống điều khiển bay của 737 Max, dòng máy bay đã tạm thời bị đình chỉ bay sau vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines.
Trong vụ tai nạn sau đó, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết vào tháng 1/2023 rằng, một cảm biến đã đọc sai là do tác động của một vật thể, rất có thể là một con chim. Việc đọc sai đó đã kích hoạt hệ thống điều khiển bay bị lỗi có tên là MCAS, khiến mũi máy bay hướng xuống dưới ngay sau khi phi cơ xấu số này rời thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến Nairobi, Kenya, gây ra vụ tai nạn.
“Phép màu trên sông Hudson”
Ngay sau khi chuyến bay của US Airways cất cánh từ Sân bay LaGuardia vào tháng 1/2009, hướng đến Charlotte, tiểu bang Bắc Carolina, chiếc máy bay đã đâm phải một đàn ngỗng, khiến phi cơ bị vô hiệu hóa.
Khi đó, máy bay đang ở độ cao hơn 900 m và không có cách nào để hạ cánh trên đường băng, hoặc mặt đất. Cơ trưởng Sully Sullenberger đã phát tín hiệu yêu cầu giúp đỡ tới đài kiểm soát không lưu và được hướng dẫn hạ cánh khẩn cấp ở sân bay Teterboro, nơi gần nhất. Tuy nhiên, máy bay đang dần mất độ cao và suýt va chạm với cầu George Washington. Cơ trưởng Sully đã xác định rằng lựa chọn an toàn nhất trong tình huống đó là hạ cánh xuống con sông Hudson gần trung tâm Manhattan.
Nỗ lực đó của ông đã thành công và tất cả 155 người đều sống sót sau khi máy bay hạ cánh xuống nước và được sơ tán bằng thuyền, phà.
Tai nạn chết chóc với Không quân Mỹ - Canada ở Alaska
Một trong những vụ tai nạn máy bay chết người nhất trong lịch sử Không quân xảy ra vào ngày 22/9/1995, 24 phi công Canada và Mỹ đã thiệt mạng sau khi hai động cơ máy bay của họ “nuốt” phải ngỗng, khiến máy bay rơi tại Căn cứ Không quân Elmendorf gần Anchorage, Alaska.
Chiếc phi cơ giám sát E-3 Sentry có mã hiệu "Yukla 27", cất cánh ngay khi một đàn ngỗng cũng rời khỏi sân bay và bay ngang qua đường bay của máy bay. Hai trong số các động cơ đã “nuốt” phải chim, khiến máy bay lộn vòng không kiểm soát được.
Máy bay chở khách đâm vào đàn chim bồ câu ở Ethiopia
Một chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã bị rơi vào tháng 9/1988, khiến 35 trong số 104 người trên máy bay thiệt mạng, sau khi đâm phải một đàn chim bồ câu trong lúc đang cất cánh từ sân bay Bahir Dar ở miền bắc Ethiopia.
Cả hai động cơ của máy bay – một chiếc Boeing 737, đã hút phải chim, gây ra sự cố khiến phi công phải quay lại sân bay khẩn cấp. Máy bay bốc cháy trong quá trình hạ cánh khẩn cấp tại một bãi đất trống gần sân bay.
Tai nạn máy bay chết chóc tại cảng Boston
Một trong những vụ tai nạn máy bay chết chóc nhất do chim đâm vào xảy ra vào ngày 4/10/1960, với một chuyến bay của hãng hàng không Eastern Airlines khởi hành từ Sân bay quốc tế Logan ở Boston, Mỹ. Trong số 72 người trên máy bay, 62 người đã tử vong sau khi máy bay đâm xuống cảng Boston.
Chiếc máy bay, một chiếc Lockheed L-188 Electra, đã đâm phải một đàn sáo lớn ngay sau khi cất cánh. Những con chim đã bị cuốn vào ba động cơ của máy bay, khiến chiếc L-188 mất kiểm soát.
Sau vụ tai nạn, các kỹ sư và cơ quan quản lý đã hiểu rõ hơn rằng chim có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho máy bay, dẫn đến việc tạo ra các tiêu chuẩn cụ thể để giúp máy bay chống chịu tốt hơn với các vụ va chạm với chim.
Các nhà sản xuất và phi công làm gì để tránh va chạm với chim?
Hầu hết các vụ va chạm với chim xảy ra vào sáng sớm hoặc lúc chạng vạng khi chim hoạt động mạnh nhất. Các phi công được đào tạo để luôn cảnh giác trong những thời điểm này. Họ có thể sử dụng radar để theo dõi đàn chim. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có thể được sử dụng ở một số nơi vì nó được lắp trên mặt đất và chưa có ở mọi nơi trên thế giới.
Hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất, Boeing và Airbus, đều sử dụng động cơ phản lực cánh quạt. Những động cơ này hoạt động bằng cách sử dụng cánh quạt để nén không khí trước khi trộn với nhiên liệu và đốt cháy để tạo lực đẩy cần thiết để máy bay cất cánh.
Khi một con chim bị hút vào một trong những động cơ này, nó có thể gây hư hỏng nghiêm trọng cho các cánh quạt và khiến động cơ bị hỏng. Để kiểm tra độ an toàn của động cơ, các nhà sản xuất đã thực hiện thử nghiệm bằng cách bắn một con gà đông lạnh vào động cơ khi động cơ đang chạy hết công suất.
Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng của Chính phủ Australia trong hướng dẫn quản lý nguy cơ đối với động vật hoang dã đã nêu rõ những gì các sân bay cần làm để giữ chim và động vật tránh xa khu vực sân bay. Một phương pháp là sử dụng các vụ nổ khí nhỏ để tạo ra âm thanh tương tự như tiếng súng ngắn để dọa chim tránh xa các khu vực gần đường băng.