Đã hai năm nay, ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam thiếu vắng hình bóng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ về ông là nhớ về những chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam góp phần chôn vùi chủ nghĩa thực dân - cả cũ và mới. Nhớ về ông, cũng là nhớ về cách “cầm quân” đậm “tính nhân dân và nhân văn” của vị Đại tướng của nhân dân.
Không phải ngay lập tức Võ Nguyên Giáp đã là “Tướng Giáp” lừng danh sử sách. Trước khi là một nhà quân sự lỗi lạc trong thế kỷ 20, là biểu tượng chiến thắng của các thuộc địa kiểu cũ vùng lên giành độc lập sau Điện Biên Phủ - Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là nhà giáo, nhà báo. Ông trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp từ những năm 1936 - 1939 khi Đảng Cộng sản còn chưa giành được chính quyền. Ông là học trò, là đồng chí gần gũi, là cán bộ quan trọng của Hồ Chí Minh trong những năm sau đó.
Sau ngày độc lập, Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ cách mạng lâm thời, sát cánh cùng với Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ Chính quyền nhân dân non trẻ. Ông chuyển dần sang đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quân đội và chỉ huy cuộc chiến đấu không cân sức của quân và dân Việt Nam với đội quân viễn chinh hùng hậu của Pháp khi cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ hai được các thế lực thực dân hung hăng ở Pháp thổi bùng. Càng ngày, tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp càng được khẳng định và vai trò của ông trở nên không thể thay thế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu |
Mặc dù vậy, ông không phải là một sĩ quan chuyên nghiệp, không được đào tạo tại những trường quân sự chính quy. Ông chỉ được phong quân hàm (Đại tướng) một lần và vĩnh viễn vào tháng 1/1948, khi đó ông mới 37 tuổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho ông - lý giải cho việc phong cấp hàm của ông rất khiêm nhường: Đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng. Chỉ với tiêu chí như vậy, Võ Nguyên Giáp cũng có thể được phong Đại tướng nhiều lần. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy quân đội nhân dân Việt Nam đối đầu thắng lợi với 9 tướng Pháp, trong đó có 7 tướng 4 hoặc 5 sao; 4 tổng tư lệnh quân viễn chinh Mỹ, trong đó cá những Đại tướng như W. Westmoreland, C. Abrams, F.C. Weyand.
Cho đến nay, thế giới vẫn đặt câu hỏi: Tại sao một người chưa từng ngồi trên ghế các nhà trường quân sự lại có thể đối đầu thắng lợi với những tướng lĩnh có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản tại các trường quân sự nổi tiếng nhất phương Tây (Saint Cyr, West Point) ? Đã có nhiều câu trả lời cho câu hỏi đó. Chỉ xin dẫn nhận xét xác đáng của một nhà sử học Pháp - TS Alain Ruscio: “Với Bác Hồ, với Giáp và các bạn chiến đấu của mình, cụm từ “chiến tranh nhân dân” không ngừng trở thành khẩu hiệu động viên toàn thể dân tộc, được thực hiện hàng ngày. Ít nhà quan sát người Pháp trước năm 1946, và còn ít hơn nữa các nhà phân tích Mỹ trước những năm 1960 có thể hiểu được điều này”. (Lời giới thiệu sách Võ Nguyên Giáp - Georges Boudarel, Nxb Thế giới và Thái Hà books, Hà Nội, 2012).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy một đội quân mà mỗi người lính đều là con em của nhân dân. Đội quân đó từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, đuợc nhân dân nuôi dưỡng, chở che. Thế giới tôn vinh ông là vị tướng vĩ đại nhất của chiến tranh nhân dân. Nhà sử học quân sự Mỹ Cecil Curay trong "Chiến thắng bằng mọi giá - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiên tài của Việt Nam" sau khi điểm qua quá trình chỉ huy của vị Tổng tư lệnh nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã nhận xét rằng: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại. Ông Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại đã tiến hành chiến đấu chống kẻ thù trong thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu không có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại quân Nhật, quân đội Pháp, quân đội Mỹ… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị nữ thông tin và quân y, tháng 5.1973. Ảnh: TTXVN |
Kế thừa và phát huy kinh nghiệm từ lịch sử về xây dựng lực lượng quân đội thời phong kiến: có quân triều đình, quân các lộ, các đạo hương binh, dân binh..., lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Khi coi trọng xây dựng bộ đội chủ lực, “vẫn cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương” - coi đây “là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc”. Sức mạnh của lực lượng vũ trang kết hợp với sức mạnh toàn dân đã tạo thành sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người lãnh đạo trực tiếp và làm nên thành công cho sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam theo tinh thần thân dân, tin dân, dựa vào lòng dân. Với cách “cầm quân” đậm “tính nhân dân và nhân văn”, Võ Nguyên Giáp đã góp phần chôn vùi chủ nghĩa thực dân, cũ và mới. Những chiến thắng của quân đội và nhân dân Việt Nam gắn với tên tuổi ông - Điện Biên Phủ tháng 5/1954 và Sài Gòn tháng 4/1975 - đã làm thay đổi, (rồi) định hình một trật tự thế giới mới.
Từ đội quân đầu tiên do ông trực tiếp lãnh đạo chỉ gồm 34 chiến sĩ, chỉ có vũ khí cá nhân thô sơ, lạc hậu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng dân tộc Việt Nam đi qua cuộc trường chinh giành lại quyền độc lập cho dân tộc, quyền hạnh phúc cho nhân dân trong thế kỷ 20 rực lửa. Và tất cả những người lính của đội quân nhân dân đó đều coi ông như người “anh cả” kính trọng và thân thiết của mình. Đồng chí, đồng đội, nhân dân dành cho ông những tình cảm sâu đậm. Theo đại tá Nguyễn Huyên, Phụ trách Văn phòng của Đại tướng: “Từ ngày Anh về nghỉ hơn 20 năm nay, trong những ngày Lễ, ngày Tết, ngày sinh nhật, hàng năm có đến trên dưới 200 đoàn (20 - 30 đoàn quốc tế), trên dưới 2000 người trong cả nước và bạn bè quốc tế đến thăm hỏi, chúc mừng. Hiếm có người lãnh đạo đã về nghỉ mà nhân dân lại đến thăm hỏi đông đảo và có tình cảm sâu nặng như vậy. Đồng bào, đồng chí đến thăm Anh vì tình cảm yêu mến, quí trọng Anh tự đáy lòng, chứ không vì mục đích gì khác”.
TS. Ngô Vương Anh