Nhóm điệp viên thế kỷ

Nhóm điệp viên thế kỷ-Kỳ 1: Bộ tứ huyền thoại

Nhóm điệp viên này, gồm: Moncy Burgess (1910-1963), Anthony F. Blunt (1907-1983), Donald Maclean (1915-1983) và Russell Philby (1912-1988), không phải là các nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết trinh thám, mà là những con người bằng xương bằng thịt. Bốn người gặp nhau ở Trường cao đẳng Trinity, thuộc Đại học Cambridge (Anh) vào những năm 1930 và hoạt động cho cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) trong hơn 30 năm, trong đó Philby - người được mệnh danh là “điệp viên thế kỷ” phục vụ cho KGB gần 50 năm. Từ những thông tin mà nhóm điệp viên này cung cấp, Liên Xô đã biết tường tận về quá trình chế tạo bom nguyên tử của Mỹ cùng lượng uranium mà nước này sở hữu và hoạch định những chiến lược hoàn hảo để đối phó với Anh và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trên thực tế, không điệp viên nào trong thế kỷ 20 có thể sánh được với họ.

Kỳ 1: Bộ tứ huyền thoại

Cuối những năm 1920, giới lãnh đạo NKVD (tên gọi trước đây của tổ chức KGB) đã lên một kế hoạch đưa người thâm nhập vào cơ quan tình báo Anh. Các sinh viên đại học trẻ trung, có triển vọng ra trường làm việc cho Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan tình báo là những đối tượng được hướng đến.

Bộ tứ hồi còn học ở Cambridge.


Đặc biệt, cơ quan này ưu tiên tuyển dụng những người theo chủ nghĩa Mác hoặc chống phát xít. Còn những thanh niên đã là thành viên công khai của Đảng Cộng sản thì không phải là đối tượng của kế hoạch này, bởi họ rất dễ bị lộ. Hơn nữa, họ chủ yếu chỉ là công nhân nên rất ít có cơ hội thâm nhập, leo cao lên các vị trí chủ chốt trong các cơ quan công quyền của Anh.

Thực hiện kế hoạch này, KGB đã bí mật tuyển dụng bốn thanh niên khi họ còn đang học tại Cambridge. Hai trong số họ, Blunt và Burgess, là hội viên của “Cambridge Apostles”, một tổ chức bí mật có tư tưởng ủng hộ chủ nghĩa Mác hoạt động trong những năm 1930. Sau lần đầu đến nước Nga vào năm 1933, Blunt, thành viên nhiều tuổi nhất trong nhóm, được tuyển dụng và sau đó là đến các thành viên còn lại. Blunt có cơ hội lớn để trở thành một gián điệp có giá trị bởi vì tại thời điểm đó, anh đang là giáo viên tiếng Pháp. Đây là thế mạnh của Blunt bởi với vốn tiếng Pháp, anh có thể dễ dàng tìm kiếm cơ hội việc làm trong ngành ngoại giao. Ngoài ra, với tư cách là người đứng đầu tổ chức Apostles, anh có thể tuyển mộ thêm những thanh niên trẻ tuổi được giác ngộ về mặt chính trị. Anthony Blunt có vóc người cao ráo, quyến rũ, ngạo mạn, hơi lạnh lùng và trên hết là một người cộng sản tận tụy. Tuy vậy, Blunt lại là người đồng tính và đã có thời gian ngắn anh và Burgess là bạn tình của nhau. Trong thời gian chiến tranh, Blunt làm việc cho Cục phản gián Anh (MI5) – cơ quan an ninh của Anh. Sau khi chiến tranh kết thúc, anh trở thành Giám đốc Viện Nghệ thuật Courtauld; sau đó làm cố vấn nghệ thuật cho Hoàng gia Anh và được phong tước hiệu hiệp sĩ vào năm 1956. Đến năm 1979, Blunt bị tước bỏ danh hiệu này, ngay sau khi Margaret Thatcher công khai tuyên bố anh là một gián điệp của Nga. Blunt mất năm 1983.

Guy Burgess cũng là một người đồng tính, hơi lòe loẹt, nghiện rượu nặng nhưng lại cực kỳ đẹp trai và quyến rũ. Burgess tỏ ra không có phẩm chất nào để hy vọng có thể phát triển thành điệp viên nên khi sự nghiệp tình báo của Burgess được tiết lộ, không ít người đã rất ngạc nhiên.

Cũng giống như Blunt, Donald Maclean có vóc người cao ráo, ưa nhìn nhưng không có thái độ lạnh lùng như Blunt. Cha anh đã từng là nghị sĩ kiêm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ của Thủ tướng Stanley Baldwin. Giống như Burgess, Maclean cũng nghiện rượu nặng. Sau thời gian nghiện rượu ở Cairô (Ai Cập), Maclean về Luân Đôn (Anh) để cai nghiện. Sau đó, anh được bổ nhiệm làm Trưởng Văn phòng ngoại giao của Anh ở Mỹ.

Liên Xô cho phát hành tem mang hình Philby.

Còn Russell Philby là một người luôn vui vẻ yêu đời, tuy có phần hơi luộm thuộm. Anh được ví như một con tắc kè hoa vì có thể biến hóa khi cần để che mắt kẻ thù. Philby được đánh giá là một điệp viên “siêu hạng” đến mức anh có thể phân biệt đâu là những “tin giả” để đánh lừa Liên Xô và đâu là những thông tin có giá trị. Ở Philby có những tố chất thiên bẩm khiến người ta tin rằng, anh được sinh ra để làm điệp viên. Cha anh, St. John Philby, là một nhân vật quyền thế nổi tiếng ở khu vực các nước Arập. Không giống như Blunt và Burgess, Philby rất thích tán tỉnh phụ nữ. Anh đã từng bốn lần kết hôn và còn dập dìu với nhiều bóng hồng khác nữa. Philby được tặng thưởng Huân chương Lênin vì những cống hiến của anh cho Liên Xô. Hơn nữa, để ghi nhận công lao to lớn của “điệp viên thế kỷ”, Liên Xô đã cho phát hành những con tem mang hình Philby.

Không một cuốn tiểu thuyết nào của John LeCarre, Ian Fleming hay Graham Greene có thể lột tả hết sự xuất sắc của bộ tứ này. Bằng chứng là Burgess đã đảm nhiệm các vị trí: Phát thanh viên đài BBC, nhân viên Cơ quan tình báo Anh (MI6), trợ lý Thứ trưởng Ngoại giao Hector McNeil, Trợ lý Bộ Ngoại giao Anh ở Luân Đôn và Oasinhtơn. Blunt (1907-1983) là cố vấn nghệ thuật cho Nữ hoàng Elizabeth, nhân viên MI5 trong suốt thời gian diễn ra Thế chiến II. Còn Donald Maclean là Trợ lý Bộ Ngoại giao Anh ở Pari, Oasinhtơn, Cairô, Luân Đôn. Trong khi đó, Philby là một nhân viên của MI6.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2: Lẫy lừng những chiến công

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN