Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) luôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong các hoạt động tình báo giúp Chính phủ Liên Xô chống lại các âm mưu của các thế lực thù địch. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, KGB cũng bị chia thành nhiều cơ quan dưới các tên khác nhau như: Cục An ninh Liên bang (FSB), Cục Tình báo Đối ngoại (SVR) nhưng vẫn với những chức năng và nhiệm vụ như trước. Mặc dù tình hình đã có nhiều biến đổi tại nước Nga trong suốt những năm qua nhưng công tác đào tạo tình báo được đánh giá là một trong những lĩnh vực vẫn giữ được truyền thống từ thời Liên Xô và không hề bị thay đổi bởi những biến cố lịch sử.
Thủ tướng Nga V. Putin từng xuất thân từ môi trường Học viện Tình báo của Liên Xô cũ. |
Theo tiết lộ của một số tài liệu điều tra trong lĩnh vực tình báo trên thế giới, nước Nga hiện có tới gần 200 trường đào tạo các nhân viên tình báo, trong đó phần lớn là do SVR quản lý với số học viên chủ yếu được đào tạo theo yêu cầu công tác. Số học viên tốt nghiệp các trường này sẽ được phái tới các quốc gia Đông Âu hoạt động. Trong khi đó, hai trường nằm tại thành phố Khabarovsk và Baikal chuyên huấn luyện, đào tạo cho số cán bộ tới hoạt động tại các quốc gia châu Á.
Trụ sở Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tại Quảng trường Lubyanka ở thủ đô Mátxcơva. |
Trường đào tạo với qui mô lớn nhất, giáo trình nặng nhất, đặc trưng nhất trong số các trường đào tạo tình báo của Nga là trường Kazvenagh. Tiếng tăm của ngôi trường này đã lan tới cả các nước phương Tây nổi tiếng trong lĩnh vực tình báo như Mỹ, Anh, Pháp. Các học viên của trường Kazvenagh được đào tạo rất bài bản, công phu (từ 5 đến 10 năm), họ được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tình báo của Nga giảng dạy với các phương pháp tiên tiến nhất của thời đại. Thậm chí các học viên còn được làm quen với những quán bar, sàn nhảy, điểm đổi tiền... ngay trong trường giống như tại những nước mà họ sẽ tới công tác sau khi tốt nghiệp. Nhiều học viên đã thốt lên rằng, những gì ở đây chẳng khác gì một thế giới thu nhỏ. Điểm nổi bật tại trường Kazvenagh là đào tạo cho học viên biết cách khai thác tối đa thế mạnh của "mỹ nhân kế" và "nam nhân kế". Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được bí mật phái tới các địa bàn khác nhau trên thế giới để hoạt động.
Trong khi đó, FSB quản lý 1 học viện tình báo và 6 trường chuyên huấn luyện ngắn hạn, số học viên sau khi tốt nghiệp, chủ yếu hoạt động trong nước với chức năng nhiệm vụ, qui mô giống như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Các trường này nằm rải rác tại thủ đô Mátxcơva và các thành phố Nizhny Novosibirsk, Saint Petersburg và Ekaterinburg. Đáng chú ý nhất trong số này là Học viện Tình báo ở thủ đô Mátxcơva bởi đa số học viên đều trở thành cán bộ quản lý và sĩ quan cao cấp của ngành.
Một lớp học võ thuật của các học viên tình báo Nga. |
Tất cả học viên trước khi bước vào khóa huấn luyện đều được thay đổi hoàn toàn lý lịch, từ tên gọi, tuổi tác, nơi sinh, sở thích, đến cha mẹ đẻ, anh chị em ruột, cá biệt có người phải thay đổi cả tên vợ, con, chỗ ở. Cơ sở vật chất cùng điều kiện học tập tại học viện này thuộc vào loại ưu tiên đặc biệt. Trong thời gian đào tạo, các học viên phải hoàn thành ít nhất 5 giáo trình chính, bao gồm trinh sát, chống trinh sát, kỹ thuật thông tin vô tuyến điện-giải mã, ngoại ngữ và sử dụng các phương tiện giao thông trong thời gian 5 năm đối với số học viên chưa tốt nghiệp đại học và 2 năm đối với số học viên đã tốt nghiệp đại học. Hầu hết các trường đào tạo tình báo của Nga đều nằm ở vị trí bí mật dưới sự bảo vệ đặc biệt của cơ quan an ninh và ngay cả người dân địa phương cũng không biết tới sự tồn tại của những ngôi trường này.
Theo nhận định của các chuyên gia phương Tây, một trong những lý do khiến các trường tình báo ở Nga không ngừng được hưởng hết đặc quyền này tới ưu ái khác là bởi Thủ tướng Nga Vladimir Putin hiện nay là người từng được tôi luyện trong môi trường tình báo, do đó ông hiểu hơn ai hết nội tình cũng như kết quả mà nó mang lại. Ông Putin cho biết, cách điều hành chính phủ của ông một phần cũng là do những kinh nghiệm được đúc kết từ những bài học hồi còn ngồi trên ghế học viên tại trường tình báo, trong đó đặc biệt là khả năng phân loại thông tin, biết cách giao lưu với nhiều loại người và luôn giữ được bình tĩnh để giải quyết công việc, kể cả trong những trường hợp gay cấn nhất.
Nhật Minh (Tổng hợp)
Đón đọc số tới: Doku Umarov - “Bin Laden của Nga”