Gunner – Chuông báo động
Theo trang todayifoundout, Nhật Bản trút bom như mưa xuống thành phố Darwin – thủ phủ Lãnh thổ phía Bắc của Australia – lúc 10 giờ ngày 19/2/1942, tức hơn hai tháng sau khi thả bom xuống Trân Châu Cảng của Mỹ. Sau trận tấn công ban đầu khiến 8 tàu chìm và 37 tàu bị hư hỏng nặng, các binh lính đi tìm người bị thương trong đống đổ nát.
Trong phòng ăn tập thể bị phá hủy, họ tìm thấy một một sinh vật bé nhỏ còn sống. Đó là một chú chó chăn cừu Australia 6 tháng tuổi. Chú chó bị gẫy chân và đang rên rỉ đã được binh nhì Percy Westcott cứu. Anh mang chú chó tới bác sĩ – người nói rằng không thể chữa trị cho bất kỳ ai không có tên hoặc số seri. Westcott đã đặt tên chú chó chăn cừu là Gunner và lấy số hiệu là 0000. Sau đó, vị bác sĩ đã băng bó chân cho Gunner.
Từ đó trở đi, Gunner và Westcott là đôi bạn không thể tách rời. Khi chân Gunner bắt đầu lành, chú chó cùng Westcott làm nhiệm vụ hàng ngày. Vào một ngày sau cuộc tấn công ở Darwin, khi các binh lính đang sửa một số máy bay ở sân bay, Gunner bắt đầu sủa và nhảy lên xuống liên hồi. Ban đầu, họ không chú ý tới Gunner, nhưng chỉ vài phút sau, các phi đội máy bay phát xít Nhật ập đến và lại bắt đầu dội bom Darwin.
May mắn thay, các binh lính và Gunner đã vào nơi an toàn kịp thời. Với mọi người, đó lại là một cuộc tấn công bất ngờ nữa, nhưng với Gunner thì không. Khả năng nghe của chó chăn cừu Australia thậm chí còn tuyệt vời hơn nhiều giống chó khác.
Hai ngày sau, Gunner lại sủa om sòm. Lần này, các binh sĩ lập tức tìm nơi trú ẩn và chuẩn bị cho cuộc tấn công sắp tới.
Từ tháng 12/1942 đến tháng 11/1943, Darwin đã bị không kích hơn 60 lần. Lần nào Gunner cũng cảnh báo trước, cứu được vô số mạng sống. Một điều tuyệt vời nữa là Gunner không bao giờ sủa khi máy bay Australia cất cánh hoặc quay về sân bay. Nó có khả năng phân biệt máy bay Australia và máy bay Nhật Bản chính xác. Không rõ số phận Gunner ra sao sau chiến tranh.
Rip – Chú chó cứu hộ
Quân Đức bắt đầu chiến dịch dội bom Blitz nhằm vào London (Anh) ngày 7/9/1940. Trong 57 ngày tiếp theo, máy bay ném bom Đức bao vây thành phố. Ngay sau một trận không kích đặc biệt dữ dội trong những ngày đầu chiến dịch Blitz, một lính phòng không Anh tên là E. King đã tìm thấy một chú chó lạc đói lả đang đi dọc phố. Anh ném cho nó ít thịt và con chó không chịu đi chỗ khác. Nó theo King về căn cứ và được đặt tên là Rip.
Rip ra ngoài với King sau một trận đánh bom ban đêm. Mũi nó bắt đầu giật giật. Rip lần theo mùi nó ngửi thấy tới một tòa nhà đổ sập và bắt đầu đào bới. Rip tìm thấy một người đàn ông vẫn còn sống bị chôn vùi bên dưới.
Mặc dù không bao giờ được huấn luyện chính thức nhưng Rip đã trở thành chú chó tìm kiếm, cứu nạn đầu tiên ở thành phố. Rip đã tìm và cứu được hơn 100 người nhờ cái mũi nhạy cảm.
Nhờ Rip mà cảnh sát và quân đội ở London ngày nay đã huấn luyện hàng trăm con chó mỗi năm để tham gia các đội tìm kiếm, cứu nạn trong thành phố.
Năm 1945, Rip được tặng Huân chương Dickin nhờ lòng dũng cảm. Đây là phần thưởng dành cho động vật vì tham gia phục vụ thời chiến. Rip chết năm 1946 và được chôn ở nghĩa trang động vật Ilford ở London.
Antis – chú chó Đức dũng cảm
Khi máy bay lao xuống đất trong tư thế chúi mũi, pháo thủ Không quân Pháp Robert Bozdech đã nghĩ tới cái chết. May mắn là Bozdech vẫn sống, lồm cồm bò dậy từ đống đổ nát. Anh không bị thương và nghe thấy tiếng lao xao từ một nông trại gần đó. Nghĩ rằng đó là kẻ thù, Bozdech rút súng, sẵn sàng bóp cò. Tuy nhiên, thứ Bozdech nhìn thấy là một chú chó con chăn cừu Đức màu xám. Anh bọc con chó con vào áo khoác da và bắt xe đi nhờ tới căn cứ không quân St Dizier cách đó 321km. Đồng đội của Bozdech ngạc nhiên khi anh vẫn còn sống và lại còn mang theo một người bạn mới về.
Bozdech đặt tên cho chú chó là Antis. Antis không chỉ trở thành một người bạn trung thành mà còn là một chiến binh lão luyện. Giống như Gunner, Antis sủa cảnh báo trước khi kẻ thù tấn công. Giống như Rip, Antis học cách đánh hơi và cứu người sống sót.
Robert và đồng đội cũng coi Antis là một vận may và là con vật dũng cảm hơn bất kỳ binh lính nào. Antis thường nấp trong máy bay của Bozdech để bảo vệ bạn mình. Antis cũng chạy vào làn đạn kẻ thù để thông báo cho người khác có người bị thương ở đó.
Antis cũng từng bị thương một lần nhưng vết thương không ngăn nó thực hiện nhiệm vụ. Sau chiến tranh, Antis cũng được tặng Huân chương Dickin và sống với Bozdech đến cuối đời. Nó chết khi 14 tuổi năm 1953.
Salty và Roselle – Hai anh hùng trong ngày 11/9
Mặc dù sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ không phải là chiến tranh nhưng tình hình khi đó cũng không khác gì chiến tranh. Salty và Roselle đều tham gia chương trình Đôi mắt dẫn đường cho người mù ở New York.
Roselle mới một tuổi rưỡi khi được đưa về để dẫn đường cho ông Michael Hingson – người bị mù từ khi sinh ra nhưng có bằng thạc sĩ vật lý Đại học California. Ngày 11/9/2001, ông đang làm quản lý kinh doanh máy tính ở tầng 78 tòa tháp 1 của Trung tâm Thương mại Thế giới.
Roselle đang ngủ khi máy bay khủng bố lao vào tầng 99 tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới. Rất bình tĩnh, nó dẫn ông Hingson và một vài người khác trong văn phòng xuống hàng trăm bậc thang tối om và ra ngoài cửa tòa nhà. Cuộc trốn thoát khỏi tòa tháp mất một tiếng nhưng chỉ trong vài khoảnh khắc sau đó, tòa tháp 2 đổ sụp, bắn mảnh vỡ khắp nơi. Roselle bị các mảnh vỡ rơi trúng nhưng không lúng túng và tiếp tục di chuyển.
Hingson nói: “Nó đã cứu mạng tôi. Khi mọi người chạy trong cơn kinh hoàng, Roselle vẫn hoàn toàn tập trung vào công việc. Khi mảnh vỡ rơi quanh, thậm chí rơi trúng chúng tôi, Roselle cũng bình tĩnh”.
Trong khi đó, Salty lúc nào cũng thích cuộc sống bận rộn ở thành phố. Khi nó được đưa tới để dẫn đường cho Omar Rivera, họ rất hợp nhau. Rivera bị mù do tăng nhãn áp nhưng tiếp tục làm nhà thiết kế hệ thống cấp cao trong cơ quan quản lý cảng ở New York. Ông đang làm ở tầng 71 tòa tháp 1 Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 11/9.
Salty đang nằm cạnh Rivera khi máy bay lao vào tòa tháp. Toàn bộ tòa tháp rung lắc nhưng Salty vẫn bình tĩnh để dẫn đường cho Rivera xuống cầu thang. Một đồng nghiệp của Rivera nghĩ rằng chú chó cần giúp và đã cầm dây buộc cổ của Salty nhưng nó từ chối rời chủ. Cuối cùng, họ cũng ra được ngoài và ở cách đó hai hoặc ba tòa nhà khi tháp thứ 2 đổ sập.
Cả Salty và Roselle được trao Huân chương Dickin sau sự kiện. Salty chết năm 2008 và Roselle chết năm 2011. Chúng đều được coi là anh hùng của nước Mỹ.